Quan trọng vẫn là chất lượng

Vòng 2 V-League vẫn ghi nhận một lượng lớn khán giả đến sân, trung bình trên 1 vạn khán giả/trận. Ví dụ như sân Cần Thơ, vốn thường xuyên vắng khách thì vẫn có đến  8.000 khán giả xem đội nhà đá với Hà Nội FC. Điều đáng tiếc là trận đấu đầu tiên của V-League 2018 diễn ra ở TPHCM lại chỉ có 4.000 khán giả đến sân.
Câu chuyện ở sân Thống Nhất cho chúng ta một góc nhìn khác về V-League. Rằng người hâm mộ vẫn sẵn sàng tin vào bóng đá nội địa, nhưng họ không dễ dãi. Ngoài chuyện đến vì hiệu ứng U.23, vì tò mò, quan trọng nhất người ta đến sân xem bóng đá vì chính chất lượng của các trận đấu. Thực tế cho thấy sau 2 vòng đầu tiên của mùa giải, chỉ có 20 bàn thắng được ghi sau 12 trận đấu, tức là chỉ khoảng 1,5 bàn/trận, một con số không nói lên được tính cống hiến của các trận cầu. Đấy là chưa nói đến chuyện có rất ít bàn thắng đẹp, do mặt sân hoặc do cảm giác bóng đầu mùa chưa tốt của các cầu thủ, ít nhiều cũng khiến khán giả cảm thấy chưa thỏa mãn.
Và đấy chính là vấn đề. Nếu các trận đấu cứ diễn ra theo kiểu thừa sự quyết liệt nhưng thiếu cảm xúc; thừa nỗ lực nhưng thiếu tinh tế; thừa quyết tâm nhưng lại chẳng có những thời khắc thăng hoa… thì thật khó giữ khán giả ở lại lâu hơn trên khán đài, hoặc tăng số lượng người xem. Đội bóng được chờ đợi nhiều nhất là HA.GL cũng chưa thể hiện được nét khác biệt so với các mùa trước, ngay cả nhóm cầu thủ U.23 cũng chỉ chơi ở mức tròn vai. Trong bối cảnh đó, những đánh giá về triển vọng của V-League mùa này cũng trở nên dè dặt hơn.
Cũng liên quan đến câu chuyện chất lượng chuyên môn, mới đây VFF vừa công bố danh sách các ứng cử viên cho những vị trí quan trọng để trình lên đại hội nhiệm kỳ 8 sắp được diễn ra. Nhìn vào bảng danh sách, dễ nhận thấy tính chất “thừa phong trào, thiếu chuyên môn” của bóng đá Việt Nam. Trong khi có đến 4 ứng cử viên cho vị trí Chủ tịch VFF, 5 ứng viên khác cho phụ trách truyền thông thì chỉ duy nhất 1 ứng viên cho chiếc ghế phụ trách tài chính, cũng chưa thấy ai có tiềm năng cho vị trí đứng đầu về chuyên môn. 
Dư luận “nóng” lên khi ông Trần Anh Tú, người vẫn được gọi là “bầu Tú”, được  đề cử cho vị trí phụ trách tài chính. Nhiều người cho rằng ông Tú đang “ôm” quá nhiều chức vụ, từ cấp CLB cho đến công ty VPF, thì làm sao đủ sức cáng đáng thêm việc tại VFF? Nhưng chẳng ai đặt ngược vấn đề: tại sao chỉ có một mình ông Tú được chọn trong khi về lý thuyết mà nói, khi mỗi CLB là một công ty thì thiếu gì doanh nhân, người điều hành am hiểu về kinh doanh? Từ trước đến nay, vị trí Phó chủ tịch tài chính luôn ít người xung phong đảm nhận bởi đó là nơi phải “nói ít, làm nhiều”, suốt năm chỉ lo kiếm tiền cho các đội tuyển vốn chẳng biết bao nhiêu mới đủ, nên không phải chỗ “thơm tho” để nhảy vào. Thế nên, dù cho rằng ông Tú không đủ khả năng nhưng các phản biện ấy cũng chẳng nêu tên được ứng viên nào có thễ làm tốt hơn ông Tú.
Ở góc nhìn khác, các ứng viên đợt này đều có chất lượng không cao, cơ hội được bầu gần như tương đương do đó đều là những gương mặt cũ, có thành tích không quá nổi bật. Điều này đã phản ảnh chất lượng con người của bóng đá Việt Nam đang có vấn đề, trong khi uy tín của VFF không đủ để thu hút các nguồn lực xã hội khác cùng chung tay.
Cũng như các trận đấu tại V-League, vấn đề cốt lõi vẫn là chất lượng, có đá đẹp, đá hay thì mới giữ được khán giả. Với VFF cũng thế, phải có tâm huyết, xung phong nhận trách nhiệm thì mới lao vào những chỗ khó khăn chứ có nhiều người ở những nơi “nói nhiều, làm ít” thì có lẽ cũng chẳng đóng góp được gì nhiều cho sự phát triển của bóng đá nước nhà.

Tin cùng chuyên mục