Quách Thị Lan bất ngờ được trao HCV Asiad 2018

VĐV Kemi Adekoya (Bahrain) mới đây đã bị Tổ chức Liêm chính điền kinh (AIU) phát hiện dương tính với chất cấm stanozolol, yêu cầu Liên đoàn điền kinh châu Á (AAA) phải tước HCV 400m rào nữ tại Asiad 2018. Cho nên, VĐV Quách Thị Lan của Việt Nam được đôn lên nhận HCV, dù trong cuộc tranh tài ở Indonesia năm ngoái, cô chỉ về đích ở vị trí thứ nhì.

VĐV Quách Thị Lan nhận món quà muộn HCV Asiad 2018.
VĐV Quách Thị Lan nhận món quà muộn HCV Asiad 2018.

Đây được cho là thông tin gây chấn động làng điền kinh châu Á. Tuy nhiên, một cuộc điều tra từ phía AIU đã được mở và có biên độ rộng từ hồi đầu năm đã cho kết quả ban đầu rằng VĐV của Bharain (gốc Nigeria) đã cố tình sử dụng chất cấm stanozolol trong danh mục cấm của WADA (Tổ chức phòng chống doping thế giới) giúp làm tăng cơ bắp và giảm béo. Chất cấm này từng được Ben Johnson (Mỹ) sử dụng tại Olympic Seoul 1988, sau đó VĐV này đã bị tước huy chương.

Đến ngày 19-7, khi thông tin chính thức được công bố, Kemi Adekoya buộc phải chấp hành án phạt bị cấm thi đấu 4 năm kể từ tháng 11-2018, đồng thời bị tước bỏ tất cả các thành tích từ giữa tháng 8-2018, kể cả 2 tấm HCV giành được tại Asiad 2018 (400m rào nữ và 4x400m tiếp sức hỗn hợp).

Như vậy, VĐV giành HCB là Quách Thị Lan (thông số thành tích 55 giây 30) của Việt Nam được đôn lên nhận tấm HCV cự ly 400m rào nữ của Asiad 2018, giúp Đoàn thể thao Việt Nam chính thức có được 5 HCV ở đấu trường châu lục. Ở nội dung 4x400m tiếp sức hỗn hợp, Bahrain cũng bị tước tấm HCV, trao lại cho đội Ấn Độ.

Kemi Adekoya (Bahrain, giữa) bị tước Asiad 2018 và cấm thi đấu 4 năm.
Nữ vận động viên 27 tuổi gốc Nigeria đã chuyển sang thi đấu cho Bahrain trước thềm Đại hội thể thao châu Á 2014. Kể từ đó, cô đã giành được 4 HCV qua 2 kỳ Asiad 2014 và 2018, 1 HCV Giải vô địch châu Á và HCV 400m ở Giải điền kinh vô địch thế giới trong nhà năm 2016.

Adekoya không phải là VĐV nhập tịch đầu tiên của Bahrain dương tính với chất cấm. Cách đây một tháng, HCB Olympic nội dung marathon Eunice Kirwa bị cấm 4 năm. Sau khi nhiều quốc gia áp dụng chính cách nhập tịch các vận động viên gốc Phi, Liên đoàn Điền kinh thế giới (IAAF) đã thắt chặt một số quy tắc kể từ năm 2018, trong đó thời gian thử thách để nhập tịch thi đấu là 3 năm.

Tin cùng chuyên mục