Quả bóng vàng cho ai?

Đây là lần thứ hai, tiền vệ nhỏ con Phạm Thành Lương đoạt danh hiệu cao quý nhất của sự nghiệp cầu thủ do Báo SGGP tổ chức. Cả hai lần đều trong những trường hợp đặc biệt.

Đây là lần thứ hai, tiền vệ nhỏ con Phạm Thành Lương đoạt danh hiệu cao quý nhất của sự nghiệp cầu thủ do Báo SGGP tổ chức. Cả hai lần đều trong những trường hợp đặc biệt.

Lần đầu, cách đây 2 năm, Thành Lương đoạt giải với tư cách của một cầu thủ đang thi đấu ở đội bóng thuộc giải hạng nhất quốc gia. Gần như là trường hợp độc nhất vô nhị khi cầu thủ xuất sắc nhất năm lại không thuộc về CLB ở hạng cao nhất của làng cầu nội địa.

Và hôm 10-5 vừa qua, Thành Lương lại tiếp tục đăng quang dù nếu tính cho đúng thì đội ACB của anh thi đấu trong năm 2011 đã rớt xuống hạng nhất. Chỉ nhờ mua lại đội Hòa Phát Hà Nội và đổi tên thành CLB Hà Nội nên Thành Lương mới có cơ hội đá tại V-League trong năm 2012 này.

Nói như vậy không có nghĩa là đánh giá thấp tài năng hay nghi ngờ kết quả bầu chọn. Cá nhân Thành Lương có một thành tích không phải bàn cãi. Anh xứng đáng được tôn vinh sau những gì đã cống hiến cho CLB lẫn đội U-23 trong chiến dịch SEA Games 26. Đến nay, cả “Tài” lẫn “Đức”, Phạm Thành Lương vẫn là lựa chọn chính xác của những người đã bầu chọn.

Nhưng, vậy mới đáng nói. Kết quả của giải thưởng Quả bóng vàng, chính là thước đo năng lực của nền bóng đá nội địa. Chiến thắng đã 2 lần thuộc về một cầu thủ mới 24 tuổi, có thể hình hạn chế, chơi ở một đội bóng kém về thành tích, rõ ràng nói lên quá nhiều điều. Kết quả bầu chọn đã thực sự chính xác khi phản ảnh chân thật nhất thực trạng của nền bóng đá. Sự thật rất phũ phàng: bóng đá Việt Nam đang cạn kiệt tài năng đến mức báo động đỏ.

Danh hiệu Quả bóng vàng 2011, với Phạm Thành Lương, đấy là một bước tiến mới trong sự nghiệp nhưng với bóng đá Việt Nam, lại là bước lùi. Năm 2009, Thành Lương đăng quang nhờ dẫn dắt đội U-23 vào chung kết SEA Games 25 và suýt nữa đã vô địch.

Năm 2011, Thành Lương đã phải khóc khi rời khỏi Indonesia cùng đội U-23 trắng tay trong “chiến dịch săn vàng”, để lại biết bao điều rắc rối, nghi ngờ tiêu cực. Vậy là 3 năm trôi qua, bóng đá Việt Nam sa sút đến thế nào chắc ai cũng rõ.

Nhưng không hiểu những người có trách nhiệm tại VFF có hiểu rõ hay không. Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam một lần nữa chứng tỏ giá trị của mình khi phản ảnh công bằng chất lượng của nền bóng đá. Càng khó khăn chọn người xứng đáng vinh danh lại càng đáng lo cho bóng đá Việt Nam.

Làm sao có thể gây dựng chiến tích to lớn nào đó nếu không đào tạo được nhân tài? Làm sao đề ra chiến lược phát triển dài hạn nếu không có được nền móng từ con người ở các giải quốc nội. Sự thật vẫn là sự thật: bóng đá chúng ta đang thụt lùi và điều quan trọng nhất là hãy nhìn thẳng vào điều đó. Bắt đầu từ chính danh hiệu Quả bóng vàng 2011 vừa được trao.

ĐĂNG LINH

Tin cùng chuyên mục