Premier League phá kỷ lục chuyển nhượng

Kỷ lục về số tiền chuyển nhượng cầu thủ ở Premier League đã tiếp tục tăng lên. Tuy nhiên, tăng tiền vẫn không hẳn là tăng chất lượng. Đồng thời, kỷ lục đó cũng không chứa đựng những hợp đồng được chờ đợi nhất...

Premier League tự phá kỷ lục chuyển nhượng của mình
Premier League tự phá kỷ lục chuyển nhượng của mình

1-Đã có một số kỷ lục mới ra đời trong thị trường chuyển nhượng mùa hè 2017 ở Premier League. Thật ấn tượng: Các đội Premier League đã chi tổng cộng 1,413 tỷ bảng Anh để mua cầu thủ, tăng 293 triệu so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ tính riêng hôm qua 31-8, ngày cuối cùng của thị trường mùa hè, số chi đã đạt đến 210 triệu bảng Anh, và đây cũng là một kỷ lục.

Những hợp đồng lớn nhất trong ngày cuối cùng này bao gồm Olaxde-Chamberlain từ Arsenal sang Liverpool (40 triệu), Danny Drinkwater từ Leicester đến Chelsea (35 triệu) và Mamadou Sakho từ Liverpool về Crystal Palace (26 triệu).

Quá nhiều, “quá nhanh và quá nguy hiểm” chăng?

2-Không hẳn vậy! Những con số hoành tráng như trên thật ra vẫn đang mỗi năm mỗi tăng chứ chẳng có gì bất ngờ. Đó là nhờ những hợp đồng truyền hình khổng lồ đang đều đặn rót tiền tỷ vào cộng đồng Premier League, giúp các đội trước đây chỉ là khá bây giờ trở nên giàu, còn các đội giàu sẵn thì lại càng siêu giàu hơn. Càng dư dả tiền bạc, họ càng mạnh tay mua sắm cầu thủ.

“Vì doanh thu của các đội Premier League chưa hề có dấu hiệu suy giảm, việc chi tiêu trong thị trường chuyển nhượng sẽ còn tiếp tục gia tăng”. Hôm qua, một nhân vật đứng đầu hãng kiểm toán Deloitte đã khẳng định như vậy. Nói cách khác, sự ra đời của kỷ lục 1,413 tỷ trong mùa hè năm nay là một lẽ đương nhiên. Và nếu sang năm nó bị phá bởi một kỷ lục khác thì cũng... đương nhiên nốt!

3-Cái thực sự đáng nói ở đây trước hết là mặt trái của các con số. Premier League đang “xài lớn” thật đấy, giàu thật đấy, nhưng giá trị thực của các hợp đồng ấy lại là một câu chuyện khác hoàn toàn. Trình độ Olaxde-Chamberlain có tới mức 40 triệu hay không? Drinkwater có gì nổi bật mà Chelsea phải trả tới 35 triệu? Những Mendy hay Walker đã giỏi nhất thế giới hay chưa mà Man.City vẫn phải mua về với giá cao nhất thế giới đối với vị trí hậu vệ cánh?

Hoạt động chuyển nhượng ở Premier League càng sôi động, những câu hỏi như thế càng được đặt ra nhiều hơn. Để rồi câu trả lời chung nhất, phổ biến nhất là thị trường Premier League đã bị đội giá quá mức. Giá trị sử dụng chỉ một phần nhưng các đội vẫn phải trả tiền cao gấp mấy phần. Đây chính là một lý do vì sao các đội hình Premier League bây giờ có giá rất cao nhưng khi ra thi đấu ở cúp châu Âu vẫn không hơn được nhiều đối thủ rẻ tiền hơn hẳn.

4-Chưa hết, điều đáng nói kế tiếp trong đợt chuyển nhượng vừa qua còn là những bản hợp đồng... không thành hình. Trường hợp Alexis Sanchez ở Arsenal là một thí dụ tiêu biểu.

Man.City rất muốn mua, Sanchez rất muốn chuyển và nhiều cầu thủ Arsenal cũng đã quá chán ngán anh ta. Điều này còn rõ hơn ban ngày trong nhiều tháng nay rồi. Thế nhưng, ban đầu thì ban lãnh đạo Arsenal cương quyết không bán vì họ không muốn giao con át chủ bài trên hàng công cho một đối thủ trực tiếp. Kế đến, HLV Wenger viện ra đủ thứ triết lý cao siêu đến... lạ lùng về chuyện lời-lỗ, cốt để giữ Sanchez lại. Cho tới khi những lập trường cứng rắn ấy bắt đầu lung lay, việc thương thảo bắt đầu thoải mái hơn thì lại không bán được vì không còn đủ thời gian tìm ra ngôi sao để thay thế vai trò Sanchez.

5-Phía hậu trường, các quan chức Arsenal và Man.City đã thi nhau đổ lỗi cho phía bên kia. Họ cứ việc kháy nhau thế nào đi nữa, cái cốt yếu vẫn là Man.City không cần tới Sanchez cũng đã mạnh rồi, nhưng Arsenal mà giữ Sanchez lại thế này thì chỉ bất lợi hơn mà thôi. Đáng lẽ ra Arsenal phải đẩy Sanchez đi thật sớm, đẩy thêm cả một loạt cầu thủ “yếu bóng vía” khác và thay thế họ bằng những chiến binh thật sự có tài, thật sự tâm huyết. Được như thế thì mới mong cải thiện được sức mạnh, nâng cao được triển vọng thành công.

Còn như hiện nay thì hầu như mọi chuyện đều cũ. Vẫn một HLV cũ, với triết lý thi đấu và cách cầm quân quá cũ. Vẫn một nền tảng đội hình cũ, chứa đựng nhiều căn bệnh cũ. Trong một mùa hè chuyển nhượng quá nhộn nhịp như vừa qua, trường hợp im ắng như Arsenal quả là hiếm thấy. Một trường hợp rất đáng đặt ra câu hỏi: Arsenal rất muốn thay đổi thời vận, nhưng nếu cứ khư khư ôm lấy quá nhiều cái cũ như vậy thì thử hỏi cái mới lấy chỗ nào để sinh ra?!

Tin cùng chuyên mục