Phồn vinh giả tạo

Manchester United bị loại khỏi Champions League, ghế Van Gaal lung lay, Arsenal chỉ mành treo chuông, Mourinho và trận chiến sinh tử... đại khái đấy là vài thứ bạn dễ nhặt nhạnh nhất trong ngày hôm qua. Nó làm người ta lơ luôn việc Ronaldo vừa bị nghi ngờ hẹn hò đồng giới bỗng ghi 4 bàn vào lưới Malmo. Ngẫm lại thì chúng ta cũng chẳng thể tránh được cái xu thế "Premier League" hóa ấy trên các trang báo, vì dẫu sao điều đó đang là nhu cầu tìm kiếm thời thượng của độc giả lúc này.

Chợt tôi nghĩ đến buổi hội thảo về FA Cup cách đây 1 tuần ở Singapore. Cá nhân tôi thường nghe nói đến chuyện người Ăng-lê rất bảo thủ, kỳ thực thì lịch sử cũng chứng minh điều đó. Minh chứng là mãi đến năm 1950, tuyển Anh mới lần đầu chịu xuống thang tham dự World Cup, vì họ luôn cho rằng World Cup chẳng có tuổi để sánh ngang chiếc cúp FA của họ. Nhưng cũng trong buổi gặp riêng với SCTV, họ bảo rất muốn lắng nghe ý kiến đóng góp của chúng tôi để "kiện toàn" FA Cup, nên có thể là từ năm 2018 bạn sẽ không phải mất thêm 1 trận đấu đá lại vô bổ như bây giờ.

Chi tiết như vậy đủ thấy người Anh đang vứt bỏ lại sau lưng cái sĩ diện của mình bấy lâu, để toàn cầu hóa thương hiệu "bóng đá Anh" của mình. Điều đó càng chứng minh khả năng làm Marketing của nước Anh đang bứt phá thế nào. Cũng chính vì thế mà bạn đừng ngạc nhiên khi cách đây 20 năm, họ đã bắt các cầu thủ ra sân lúc 12 giờ trưa chỉ để phục vụ những thượng đế châu Á của mình. Hệ quả bây giờ là ở Việt Nam, Singapore hay Thái Lan, ta thấy người người xem Premier League. Cũng chỉ có cơn sốt Premier League mới khiến chính phủ các nước phải vào cuộc dàn xếp.

Thành công đấy dĩ nhiên mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các CLB, giờ Premier League chẳng khác nào cỗ máy in tiền khủng khiếp nhất của làng túc cầu. Nhưng có thể là 2 năm tới, từ mùa giải 2017-2018, Premier League sẽ bị Serie A qua mặt trên bảng xếp hạng 5 năm của UEFA. Điều đó quả là nghịch lý nhưng xét cho cùng người Anh đang phải chịu "tác dụng phụ" vì sự giàu có của mình.

Cách đây không lâu, thế giới bàng hoàng khi biết liên minh Skysports và BT Sport tuyên bố chi khoảng 5,1 tỷ bảng (gần 8 tỷ USD) cho 3 mùa giải Premier League tiếp theo. Vị chi là giá trị của Premier League thị trường nội địa của Anh đã tăng 70% so với trước đó. Chi tiết hơn, tờ Guardian còn vỗ ngực tự hào là ngay cả nhà vô địch Champions League năm sau chưa chắc đầy túi hơn đội xuống hạng ở Premier League - nhận đến 100 triệu bảng cho vị trí thứ 20. Nên nhớ là năm ngoái đội vô địch tiền thưởng của Champions League là Juventus cũng chỉ có hơn 98 triệu EUR.

Điều đó biến người Anh thành những trọc phú của châu Âu, nhưng nếu ở khía cạnh bóng đá thuần túy, thì rõ ràng Premier League đang tụt hậu so với chính mình sau 17 năm. Tôi vẫn nhớ ở đội hình Man.United 1999, Dwight Yorke chính là ngôi sao đắt nhất với 12,6 triệu bảng nhưng đấy lại là món hàng vô giá giúp Sir Alex chinh phục trời Âu. Lúc đó Denilson hay Ronaldo có giá gấp đôi như vậy. Đêm qua Man.United đắt giá phiên bản Louis Van Gaal cúi đầu trước Wolfsburg, nơi chỉ mua về Julian Draxler với giá 25 triệu EUR, kém xa gã tóc xù Maroune Fellaini bên kia chiến tuyến. Tính tổng cộng, Man.United đã chi gần 98 triệu EUR để mua sắm trong khi Sói xanh của Đức chỉ bỏ 40 triệu EUR cho tân binh.

Điều quan trọng hơn là tính hiệu quả ở các bản hợp đồng. Bạn cứ nhìn vào Draxler và Martial để biết sự điên rồ của người Anh. Một bên đã là thành viên thường trực của tuyển Đức có giá 25 triệu  EUR, trong khi một bên mới 1 lần ra sân cho đội tuyển quốc gia, nhưng đùng một cái có giá đến 36 triệu bảng. Tôi cá là ngay cả các Manucian ruột cũng phải Wiki mệt nghỉ vì chú này. Nói vậy để thấy, là đồng tiền đã tạo ra giá trị ảo với người hâm mộ, rằng sự hào nhoáng của Premier League đang đánh lừa thị giác chúng ta. Quả là đau lòng, nhưng người Anh yếu hơn rất nhiều so với suy nghĩ của tuyệt đại đa số.

Năm ngoái Premier League không có đại diện nào lọt vào tứ kết ở cả 2 Cúp châu Âu trong khi đội bóng vô danh của Ucraina loạn lạc vì bom đạn lại hiên ngang vào chung kết Europa League. Họ có hổ thẹn không à? Tôi nghĩ là không đâu, vì trước trận chiến với Fiorentina quan trọng như vậy mà Pochettino còn sẵn sàng dùng đội hình 2 Tottenham chỉ cốt để giữ chân trụ cột trước Stoke vào cuối tuần là ta đủ hiểu.

Bóng đá Anh đang rơi vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng thừa tiền. Đấy là hệ quả tất yếu khi bóng đá ngày nay cũng chỉ là một hình thức thương mại, đá ở đâu không quan trọng, quan trọng là chỗ nào giúp bạn rủng rỉnh hầu bao mới là OK.

Man.United bị loại à? Có hề chi khi năm sau bọn anh sẽ vượt qua đám Hoàng Gia sĩ diện kia ở Deloitte Money League!

Vũ Anh Tuấn
(BLV SCTV15)

Tin cùng chuyên mục