Fanzone

Petr Cech: Từ kẻ cống hiến máu – thịt – xương cho Chelsea đến gã khổng lồ “bắt vía”

Chiều nay, Fan Chelsea xôn xao trước tin Petr Cech quyết định sẽ giải nghệ vào cuối mùa này. Tuy đã không còn là người của đội bóng chủ sân Stamford Bridge, nhưng những hy sinh, đóng góp mà chàng thủ môn cao 1 mét 96 mang lại cho Sư tử Xanh sẽ được nhớ mãi về sau, và anh xứng danh là một huyền thoại không thể nào quên với mọi True Blue…

Petr Cech sẽ mãi mãi là một huyền thoại ở Chelsea
Petr Cech sẽ mãi mãi là một huyền thoại ở Chelsea

1-Có không ít chiến binh Xanh đã cống hiến những ngày tháng thanh xuân cho Chelsea, thậm chí, cống hiến cả máu, mồ hôi và nước mắt. Trong số đó, không có nhiều người vượt tầm được Petr Cech, kẻ đã đổ máu, mất thịt và mẻ xương vì đại nghiệp của Sư tử Xanh thành London – theo đúng nghĩa đen.

Chắc chắn, sẽ không ai có thể quên cái khoảnh khắc kinh hoàng, khi mà Cech dũng cảm lao ra bắt bóng trước tầm chân lao xuống của Stephen Hunt bên phía Reading trong một trận đấu ở Premier League hồi tháng 10-2006, để rồi xương sọ của anh lãnh một cú va chạm khủng khiếp với cái đầu gối của Hunt.

Tình huống chấn thương xương sọ kinh hoàng của Cech

Pha va chạm ảnh hưởng mạnh đến nỗi, sau đó Cech mê sảng rồi bất tỉnh, phải thở ống oxy và được đưa vào bện viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, được các bác sĩ chẩn đoán là “bị lún não”. Các bác sĩ, sau đó đã phải mổ để gắp 2 mảnh xương sọ bị vỡ ra khỏi đầu của Cech, thay thế chúng bằng 2 mảnh kim loại. Nếu 2 mảnh xương sọ này ghim sâu hơn một chút vào não của Petr Cech, chắc chắn anh đã chết, và không thể trải qua những ngày tháng oai hùng sau này với Chelsea.

Nhưng Cech đã dũng cảm quay trở lại sân đấu khá nhanh chóng. Sau 3 tháng dưỡng thương, vào tháng 1-2007, anh quay trở lại thi đấu với… một chiếc nón bảo hộ màu đen trên đầu. Chiếc nón sau đó đã trở thành một thương hiệu của Cech, tương tự như chiếc mắt kiếng bảo vệ cho đôi mắt của Edgar Davids.

Đó không phải là lần duy nhất mà Cech phải đổ máu, mất thịt và mẻ xương cho Chelsea. Ngoài một số lần chấn thương khác, anh còn bị khâu 50 mũi trên mặt sau một pha va chạm vô tình với Ben Haim ở trên sân tập Cobham trong giai đoạn gần cuối mùa giải 2007-2008, tai nạn đã khiến anh phải sớm khép lại mùa giải.

Petr Cech: Từ kẻ cống hiến máu – thịt – xương cho Chelsea đến gã khổng lồ “bắt vía” ảnh 1 Cech cũng từng phải khâu 50 mũi trên mặt
Nếu như John Terry “lão đại” từng nổi tiếng với pha… dùng đầu để cản phá một cú đá trực diện của cầu thủ đối phương, thì những lần hy sinh thể xác vì Chelsea của Petr Cech biến anh trở thành một trong những “chiến binh” gan lỳ nhất là đoàn quân áo Xanh từng sở hữu. Nhưng người ta nhớ đến anh, không chỉ vì những hy sinh này…

2-Sau những hy sinh, Cech bắt đầu có những đóng góp mà tầm quan trọng không hề thua kém những gì mà Terry, Frank Lampard hay Didier Drogba đã làm được. Tầm quan trọng lớn nhất, những đóng góp lớn nhất mà Cech tạo ra, bắt nguồn từ vóc dáng “khổng lồ” của anh, vừa “khổng lồ” về hình thể, vừa “khổng lồ” cả về sự tận tâm và trung thành.

Cech “chỉ cao” 1 mét 96, anh không nằm trong tốp 10 thủ môn cao to nhất thế giới, anh cũng thấp hơn 3 centimet so với “gã đàn em đổi giọng” Thibaut Courtois (cao đến 1 mét 99) – người mới có những dòng tri ân dành cho anh khi nghe quyết định giải nghệ vào cuối mùa này của anh. Dù “thấp” hơn Courtois, nhưng Cech có một tầm vóc cao lớn hơn hẳn, xét về nghĩa bóng.

Ở trong khung gỗ, khi trở thành chốt chặn cuối cùng, bảo vệ “cổng thành” sân Stamford Bridge trước sự uy hiếp của vô vàn tiền đạo đối phương, Cech luôn biến thành “cái bóng ma khổng lồ chuyên bắt vía những kẻ thiếu gan góc”. Ngoài trừ khả năng phản xạ nhanh chống sút xa và ra vào bắt bóng bổng hợp lý, Cech còn thường đánh bại các tiền đạo đối thủ ở những tình huống mặt đối mặt 5 ăn 5 thua. Có thể nói, khi một tiền đạo vượt qua hàng hậu vệ Chelsea để lao xuống đối mặt với Cech, tỷ lệ thắng bàn của kẻ đó chỉ còn ở mức 3-7. Cech trở thành một gã khổng lồ chuyên “bắt vía” người ta.

Và chưa hết, còn tài nghệ bắt penalty của anh nữa chứ. Trong chuyến hành trình đi đến ngôi vô địch châu Âu hồi năm 2012, chính anh là người đã gián tiếp, và cả trực tiếp, cứu Drogba khỏi vị thế của kẻ tội đồ, khi “át vía” để “ép” Lionel Messi dứt điểm chạm xà ở bán kết lượt về trên chấm phạt đền, và sau đó làm trực tiếp cản được pha dứt điểm ở vạch penalty của Arjen Robben, một ngôi sao sáng khác của bóng đá thế giới. Cả 2 tình huống đó, Chelsea đều bị thổi phạt đền sau lỗi của Drogba, nhưng đã có Cech ở đây!

Trong chuyến ghé thăm Việt Nam hồi đầu tháng 12 năm ngoái, Drogba có kể một chi tiết mà người ta phải nhớ mãi: “Khi trận chung kết bước vào loạt sút luân lưu, tôi không hề lo lắng vì đồng đội của tôi là người rất giỏi trong các tình huống 1 đối 1”. Niềm tin của Drogba, chẳng phải được đúc kết từ chính 2 pha bóng “bắt vía” 2 siêu sao sáng nhất của bóng đá thế giới ở thời bấy giờ, thậm chí vẫn là siêu sao đến tận bây giờ?

Sau đó, là sút luân lưu sau khi kết thúc 120 phút thi đấu hôm chung kết năm 2012 đáng nhớ. Chelsea từ “vai dưới” đã trở thành kẻ ngược dòng vĩ đại, dù Juan Mata đá hỏng quả hỏng quả penalty đầu tiên, nhưng Cech với cả 5 lần phán đoán đúng tình hướng dứt điểm penalty của đối phương, 1 lần cản phá cú sút của Ivica Olic và 1 lần “ép” Bastian Schweinteiger phải sút bóng trúng cột dọc.

Petr Cech: Từ kẻ cống hiến máu – thịt – xương cho Chelsea đến gã khổng lồ “bắt vía” ảnh 2 Cech trong pha bắt penalty ở chung kết Champions League 2012
Trong lịch sử các trận tranh giải đấu lớn giữa những đội bóng nổi tiếng đẳng cấp hàng đầu châu Âu, vốn cần phải phải phân định thắng thua bằng loạt sút luân lưu, từ thời của Edwin van der Sar trong trận bán kết của Euro 1992, chưa có một thủ môn nào phán đoán đúng tất cả các hướng sút 11 mét của đội đối thủ.

Cho đến khi Cech xuất hiện Nhưng Cech hơn Van der Sar khi xưa ở 1 điểm, anh đã 1 lần cản phá thành công và 1 lần khiến đối thủ dứt điểm không thành công. Còn thủ thành huyền thoại người Hà Lan không cản phá được 1 tình huống dứt điểm nào của tuyển Đan Mạch hồi năm 1992 cả. Người chiến thắng trong trận đấu đó, chính là “một gã khổng lồ bắt vía khác” – Peter Schmeichel, sau này nổi tiếng trong màu áo của MU.

3-Cech sẽ giải nghệ vào cuối mùa này, sau 20 mùa giải chơi chuyên nghiệp, và 202 trận giữ “trắng lưới” ở đấu trường Premier League, một kỷ lục “vô tiền khoáng hậu”. Kể từ khi anh chuyển sang với Arsenal, sự nghiệp của anh đã bấp bênh hơn, anh không còn giữ được phong độ như ban đầu, và còn có dư luận cho rằng, anh đã “cũ kỹ”, phải nên tập chơi bóng bằng chân để thích nghi kịp với sự phát triển của các thủ môn đàn em hiện đại.

Nhưng ai rồi cũng có thời của mình, thời của Cech, anh là 1 trong tốp những thủ môn hàng đầu thế giới. Anh, với đẳng cấp, tầm vóc, và cả một cái đầu thông minh, không cần tập chơi chân để… chạy đua theo những gã trai đáng tuổi em, đáng tuổi cháu. Chính sự vĩ đại của anh, mới là thứ mà những thủ môn đàn em còn phải học hỏi. Và bóng đá thế giới, sẽ tiếc nuối biết bao khi Cech treo găng tay vào cuối mùa này.

Petr Cech: Từ kẻ cống hiến máu – thịt – xương cho Chelsea đến gã khổng lồ “bắt vía” ảnh 3 Bóng đá thế giới sẽ tiếc nuối khi Cech treo găng vào cuối mùa này
4-Chỉ trong vài ngày, người ta đã lần lượt phải tạm biệt Cesc Fabregas và chuẩn bị chia tay Cech. Cả 2 đều là những cái gạch nối kỳ lạ, liên hệ giữa Chelsea và Arsenal. Cesc thành danh ở Arsenal, nhưng chỉ có Chelsea mới giúp anh hoàn thành giấc mơ Premier League. Cech thành danh ở Chelsea, có mọi danh vị ở Stamford Bridge, nhưng biết đâu lại kiếm được sự bình yên ở sân Emirates thì sao?

Sao cũng được, những ngày đầu tháng Giêng năm 2019 này sẽ được nhớ mãi, như là những ngày tháng kỳ lạ của dấu hiệu chấm dứt, chia ly. Ai rồi cũng ra đi, nhưng sao nghe đến, lại thấy tim đau nhức nhối?

Tin cùng chuyên mục