Ở đâu giữa châu Á?

Không thể chờ đợi đội tuyển điền kinh thi đấu bùng nổ để chiếm lĩnh đường đua giống như ở đấu trường SEA Games 2017 vì Asiad 2018 ở một đẳng cấp khác, nơi chưa từng chứng kiến bất cứ VĐV nào của Việt Nam bước lên bục vinh quang.
Điền kinh Việt Nam luôn thể hiện khát vọng chinh phục đấu trường Asiad. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Điền kinh Việt Nam luôn thể hiện khát vọng chinh phục đấu trường Asiad. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Tương tự như vậy, Nguyễn Thị Ánh Viên có thể bất bại ở Đông Nam Á, nhưng cô vẫn bị xem là “thợ học việc” ở làng bơi lội châu Á, khi những kình ngư rất mạnh của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… luôn được đánh giá cao hơn. Thậm chí, dữ dội như môn cử tạ với lần lượt 2 thế hệ nhà vô địch thế giới Hoàng Anh Tuấn và Thạch Kim Tuấn cũng chưa một lần tạo được dấu ấn đáng kể ở sân chơi này.

Bắn súng, đấu kiếm, thể dục dụng cụ hay cả võ thuật (karatedo, pencak silat, wushu, taekwondo, judo) vốn được xem là chủ lực của đoàn thể thao Việt Nam trong mọi chuyến xuất ngoại, rốt cuộc chỉ được xếp vào diện “tiềm năng” vì khi đối đầu với những đồng nghiệp châu Á đã đạt trình độ thế giới, quá khó để đánh bại họ.

Vậy rốt cuộc thể thao Việt Nam đang đứng ở đâu giữa “bể khơi” châu lục? Thật đáng ngạc nhiên là nếu so sánh thành tích của thể thao Việt Nam với các nước trong khu vực Đông Nam Á qua các kỳ Asiad, sẽ khá choáng váng vì chúng ta chỉ xếp trên 4 nền thể thao non kinh nghiệm gồm Lào, Campuchia, Brunei và Timor Leste.

Ở nhóm trên, cả khu vực đều thừa nhận Thái Lan chính là “lá cờ đầu”, kế đến là Philippines, Malaysia, Indonesia, Singapore và Myanmar vốn vượt trội về số lần góp mặt ở đấu trường này lẫn thành tích huy chương. Trong lịch sử những lần dự tranh Asiad tính từ năm 1982 đến nay, thể thao Việt Nam mới chỉ 1 lần chạm đến con số 4 HCV ở Busan 2004 và 1 lần giành được 3 HCV ở Doha 2006. Còn lại, hoặc chúng ta ra về tay trắng, hoặc rất đều đặn vỏn vẹn 1 HCV.

Dù tin rằng thể thao Việt Nam tiến bộ khá đều đặn, được đầu tư nhiều kinh phí, có sức vươn mạnh mẽ thời gian gần đây và một số môn trọng điểm như bóng đá, bắn súng, cử tạ, thể dục, điền kinh, bơi lội đã tạo được vị thế đáng nể ở các giải vô địch thế giới hay Olympic, thì giới làm nghề vẫn cảm nhận được một khoảng cách nhất định về trình độ giữa VĐV Việt Nam so với châu Á.

Đến Asiad 2018 với tâm trạng không khác nhiều những lần “phó hội” trước đây, đoàn thể thao Việt Nam lại kỳ vọng vào những gương mặt nổi bật của mình là Ánh Viên, Hoàng Xuân Vinh, Thu Thảo, Nguyễn Thị Thật, Quách Thị Lan, Lê Thanh Tùng, Đinh Phương Thành… hay tập thể đội bóng Olympic Việt Nam do HLV Park Hang-seo dẫn dắt. Nhưng có vượt qua được lời nguyền “1 HCV thôi” hay không thì còn phải trông đợi vào chính sự nỗ lực và khát vọng chiến thắng của 352 VĐV được chọn lựa và gửi gắm niềm tin trong cuộc hành trình tới xứ vạn đảo mùa hè này…

Tin cùng chuyên mục