Novak Djokovic chìm trong khủng hoảng: Chuyện gì đang xảy ra?

Với kết quả thất thủ có điểm số 2-6, 6-1, 3-6 trước Martin Klizan (Slovakia) ở Barcelona Open, Novak Djokovic đã trải qua chuỗi thành tích cực kỳ tệ hại khi chỉ thắng 4/6 trận đấu gần đây. Nếu chỉ tính riêng thành tích trên mặt sân đất nện, hoặc thành tích chung từ đầu mùa, “Cựu Hoàng” chỉ đạt tỷ lệ thắng là 50%. Anh vẫn chìm ngập trong khủng hoảng kể từ khi lên ngôi ở… Roland Garros 2016.

Novak Djokovic
Novak Djokovic

Thua do chế độ ăn kiêng?

Tại sao Djokovic lại không thể gượng dậy nổi, sau khi “đứng trên đỉnh của thế giới”? Tại sao, từ một kẻ “đại chinh phạt”, anh đã sa sút một cách khó tin và “giao lại võ lâm” cho Roger Federer và Rafael Nadal? Có quá nhiều phỏng đoán, quá nhiều nghi ngại mà hiện tại, rất khó có câu trả lời chính xác, nhưng rõ ràng, vấn đề là rất nhiều.

Khi mà Djokovic từng tuyên bố rằng anh đã có thể quay lại thi đấu mà “không còn bị đau”, một chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu thế giới cho biết, chế độ ăn kiêng đã gây ra vấn đề gần đây cho Nole. Jurg Hosli, một nhà dinh dưỡng người Thụy Sỹ, tin rằng Djokovic đang vật lột với chứng “rối loạn ăn uống”: “Tôi luôn thán phục lối chơi, thái độ và cái khả năng di chuyển trên sân đấu của Djokovic. Nhưng khi tôi nhận ra rằng, anh ấy đang có những thay đổi mạnh mẽ với chế độ ăn uống của mình, tôi đã tự hỏi bản thân rằng, khi nào thì khủng hoảng diễn ra. Những gì chúng ta đang chứng kiến, là kết quả của sự chán ăn có thể định nghĩa như là sự ám ảnh về một chế độ chỉ dựa trên thực phẩm khỏe mạnh bên ngoài”.

“Djokovic đã tìm kiếm một giải pháp triệt để mà không xem xét đến những hệ quả lâu dài sau đó. Và việc làm giảm sự hấp thụ hydrat-cacbon, hoàn toàn giảm đường, là một sai lầm to lớn. Ngay ở thời điểm ban đầu, chế độ đó sẽ khiến bạn cảm thấy mạnh mẽ, bởi vì các tế bào bắt đầu nhận được nhiều oxy hơn, nhưng sau đó, các cơ bắp bắt đầu sản xuất ra ít axit lactic đi. Khoảnh khắc khi anh ấy bắt đầu đánh mất khả năng sản xuất và đốt cháy axit lactic, hệ quả sẽ là rất lớn”, Hosli cho biết.

“Anh ấy thậm chí sẽ cảm thấy tồi tệ hơn nữa khi đạt đến giới hạn sức khỏe của mình, anh ấy sẽ phải chịu đựng áp lực, và các vấn đề liên quan đến tình trạng ngủ nghê, cả trạng thái tâm lý giống như là bị cô lập vậy. Những gì xảy ra với Djokovic đó là vì quá trình hô hấp kỵ khí do chế độ ăn kiêng mới mang lại, nó chỉ có thể mang đến sự kiệt sức cả về mặt thể lực lẫn tinh thần”, chuyên gia Hosli giải thích thêm.

“Điều gì có thể giúp Djokovic ư?”, Hosli nói, “Khởi động lại quá trình hấp thu hydrat-cacbon, từ từ và vừa phải. Nếu bạn hấp thu nhiều hydrat-cacbon hơn, cơ thể cũng tái tạo ra axit lactic, nhưng cơ thể cũng cần thích nghi từ từ. Quá trình tập luyện với cơ bắp cũng cần có điều chỉnh trở lại, anh ấy cũng nên gia tăng lượng đường để đưa vào cơ thể của mình”.

Hay do không còn khát khao?

Boris Becker – “Đại sư phụ” một thời của Nole, tin rằng, việc “leo lên đỉnh cao thế giới”, với ngôi vô địch Roland Garros, để hoàn tất cú “Career Grand Slam” và trở thành người đầu tiên sau thời của “tiến bối” Rod Laver, sở hữu cả 4 danh hiệu Grand Slam cùng một thời điểm, đã khiến Djokovic không còn có khát khao “tranh đoạt giang sơn”, nó khiến anh không còn nhìn lên và có những bất đồng quanh việc “định nghĩa lại sự nghiệp” với Bercker.

Gần đây, huyền thoại quần vợt người Đức cũng tin rằng, Djokovic thậm chí còn không khát khao bước ra sân đấu và tiếp tục sự nghiệp, anh chỉ muốn ngồi nhà, chăm sóc con cái và gia đình, để làm một người cha, người chồng gương mẫu. Khi khát khao trên sân đấu đã không còn cháy bỏng như xưa, việc anh chơi bóng không tận tâm là có thể hiểu được…

Cơ hội nào ở giai đoạn còn lại của mùa giải đất nện?

Djokovic hẳn sẽ phải tiếp tục công việc "tay trái" của mình, bắt đầu ở Mutua Madrid Open (Madrid Masters), nơi anh từng 2 lần lên ngôi vô địch – trong các năm 2011 (thắng Rafael Nadal), và 2016 (thắng Andy Murray). Đây là một cơ hội khác để anh vượt qua khủng hoảng, tìm lại nguồn cảm hứng cao độ, nhưng anh cũng nên hiểu, anh đã 31 tuổi, thời gian đang cạn dần…

Đến thời điểm này, có nhiều chuyên gia vẫn tin rằng, anh – cùng với Juan Martin del Potro và Dominic Thiem là những đối thủ hiếm hoi có khả năng chận đứng sự thống trị của Nadal trên mặt sân đất nện năm nay. Nhưng nếu anh vẫn chơi nhạt nhòa trước các đối thủ nhỏ ngay từ những vòng ngoài, rất khó, và sẽ là rất đáng tiếc. 

Novak Djokovic chìm trong khủng hoảng: Chuyện gì đang xảy ra? ảnh 1 Djokovic chỉ thắng 5 trận mùa này, và đã chịu 5 trận thua...

Những thay đổi đã tác động đến mọi thứ

 Novak Djokovic cũng đã có những “kiến giải” của riêng mình với sự sa sút và khủng hoảng anh đang phải đối mặt. Tay vợt cựu số 1 thế giới người Serbia cho biết sau trận thua Martin Klizan ở Barcelona Open: “Tôi có cảm giác tôi đã không đáp ứng được kỳ vọng của các bạn, thậm chí của cả bản thân tôi. Rất khó để đối mặt với những kết quả này, những trận thua này, tôi không có phong độ cao nhất và cần phải tìm lại nhịp điệu của mình”.

“Bạn có thể tập luyện cật lực, nhưng khi bước vào trận đấu, mọi chuyện lại khác hẳn. Ngay từ bây giờ, tôi phải kiên nhẫn hơn, và tìm cách cải thiện năng lực, đẳng cấp ở thời điểm hiện tại. Tôi đã tạo ra một số thay đổi “cần thiết” trong lối chơi của mình và bất kỳ một thay đổi nào, dù là nhỏ nhặt, cũng ảnh hưởng đến rất nhiều thứ (như bước giao bóng ngắn hơn chẳng hạn)”, Djokovic lý giải.

Tin cùng chuyên mục