Những cản ngại vô hình

Trận thứ hai vòng bảng U.20 thế giới của U.20 Việt Nam sẽ diễn ra chiều nay. Đối thủ lần này không phải đội bóng đến từ châu Đại Dương chơi khá mềm mỏng như New Zealand, mà đó là tuyển Pháp thuộc dạng “lão làng” của lục địa già. 
Bóng đá luôn khó đoán về mặt tỷ số, nên mọi nhận định trước khi diễn ra đều chỉ mang tính khích lệ tinh thần hoặc “nắn gân” nhau. Sau trận đấu chiều nay, thực lực của tuyển Việt Nam mới rõ ràng hơn ở đấu trường World Cup.
Chỉ sau trận đầu tiên vòng bảng cũng đã thấy có những kết quả bất ngờ, không theo lộ trình dự đoán. Argentina hay Bồ Đào Nha là những thế lực mạnh nhất của bóng đá, nhưng lại thua đau trước các đội bóng được xếp sau mình hàng chục bậc. Trong khi đó, một vài đội “vô danh” lại ghi dấu ấn, như Vanuatu suýt cầm hòa với Mexico, nhất là họ đã ghi được 2 bàn vào lưới đội bóng Nam Mỹ; Việt Nam thủ hòa New Zealand trong thế trận nhỉnh hơn, nhiều cơ hội ăn bàn hơn, từ chiến thuật đến lối chơi đều có phần “sáng” hơn đối thủ vốn đã 5 lần có mặt ở giải thế giới.
Dù vậy, trong bóng đá cũng không thể dẫn dắt theo kiểu thắng trận này với đối thủ mạnh thì sẽ dễ dàng thắng trận kế tiếp với đối thủ yếu hơn; hay chơi rất hay ở trận này thì có thể duy trì phong độ tương tự ở trận tiếp theo. Lịch sử bóng đá từng cho thấy, dù cho đội bóng đã thuộc hàng đẳng cấp thì vẫn có lúc thi đấu như bị “quỷ ám”, trong khi có đội làng nhàng thì lại chơi một trận như “lên đồng” để giành chiến thắng. Ở trận gặp New Zealand, các cầu thủ Việt Nam gần như không để lộ điểm yếu nào cả ba tuyến. Thi đấu tự tin, khiến đối thủ bị bất ngờ và tôn trọng là điều lớn nhất mà các học trò HLV Hoàng Anh Tuấn mang lại từ trận đấu này.
Điều có thể dễ thấy hơn đó là sự kỵ rơ trong bóng đá và cũng vừa là điểm mạnh lại là điểm yếu của các đội bóng Việt Nam. Trong khu vực, dù trình độ gần tiếp cận nhau nhưng mỗi lần phải thi đấu với Thái Lan là các đội bóng Việt Nam luôn chơi lép vế, không thiết lập được thế trận chủ động và kết quả thường thua. Nhưng với châu Á hay rộng hơn, cầu thủ Việt Nam có “duyên” hơn với các đội đến từ Trung Đông hay châu Đại Dương. Chiếm tỷ lệ thắng nhiều hơn trong những lần gặp mặt, tuyển Việt Nam chơi rất hay, ăn miếng trả miếng, thậm chí áp được thế trận với các đội mạnh khu vực Trung Đông như Lebanon, Syria, Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất… Hay như Australia và New Zealand cũng không ít lần vất vả trước các đội bóng Việt Nam ở nhiều cấp độ khác nhau. 
Hai trận còn lại ở vòng bảng, Việt Nam gặp Pháp và Honduras. Một đội bóng thuộc lục địa già châu Âu và một đội khu vực Trung Mỹ, đều không phải là các đội có “duyên” với Việt Nam. Thật ra, tìm một chiến thắng ở World Cup đã khó, thi đấu với những đội kỵ rơ còn khó hơn, cho nên hy vọng chơi ăn miếng trả miếng trong 2 trận này là câu chuyện nan giải dành cho các học trò HLV Hoàng Anh Tuấn. Tinh thần thoải mái, lực lượng không tổn thất do chấn thương, không bị áp lực phải thắng… là những lợi điểm của tuyển Việt Nam, nhưng liệu các cầu thủ có vượt qua được những cản ngại vô hình để làm nên những điều mới mẻ? 

Tin cùng chuyên mục