Nhìn lại một chặng đường

VFF gần đến ngày đại hội nhiệm kỳ VIII càng có nhiều điều đáng nói, mà ở đó chẳng phải cái nào cũng thẳng thắn, công tâm.

Ông Trần Anh Tú góp công lớn đưa futsal Việt Nam tiếp cận với châu Á và thế giới
Ông Trần Anh Tú góp công lớn đưa futsal Việt Nam tiếp cận với châu Á và thế giới

Trong cuộc họp Ban chấp hành VFF về công tác nhân sự đại hội khóa VIII diễn ra ngày 16-3, Tiểu ban nhân sự đưa ra danh sách dự kiến Ban chấp hành có 43 thành viên (bầu chọn 17) với những ứng cử viên chủ chốt. Theo đó, vị trí chủ tịch VFF có bốn ứng cử viên, các phó chủ tịch có từ ba đến năm ứng cử viên, riêng vị trí phó chủ tịch phụ trách tài chính chỉ mỗi ông Trần Anh Tú.

Đơn thuần nhìn vào con số ứng viên cho các chức danh kể trên thì vị trí phó chủ tịch phụ trách tài chính dễ bị soi nhất. Nói như bầu Đức là “không ổn”. Thật ra suy nghĩ của ông bầu đội bóng HAGL không sai, nhưng nhớ lại trước khi bầu bán ở nhiệm kỳ VII thì lúc đó cũng chỉ mỗi bầu Đức là ứng viên duy nhất cho chức danh phó chủ tịch tài chính thì chuyện lúc này cũng không hề lạ.

Nói thế có người cho là bao biện cái gọi là “độc đoán”. Tuy nhiên, đem xét lại những gì bầu Tú làm được cho bóng đá Việt Nam trong thời gian qua rõ ràng ông hoàn toàn xứng đáng. Thực tế, trong cuộc họp ngày 16-3, đã có vài ứng viên được nêu ra nhưng khi đem lên bàn cân thì không được.

Nhìn lại một chặng đường ảnh 1

Cả một thời gian dài, bầu Tú dù mới là ủy viên Thường trực VFF nhưng đã làm được nhiều việc cho Liên đoàn. Những gì ông Trần Anh Tú làm được ở môn futsal là không bàn cãi và đến giờ thì ông còn làm được thêm nhiều thứ khác. Chẳng hạn, ông Tú không chỉ lo phần lớn kinh phí cho hoạt động của đội tuyển futsal Việt Nam, mà còn vận động tài chính cho các giải đấu trẻ và bóng đá nữ khi VFF không tìm ra nguồn tài trợ. Còn sau khi ngồi ghế chủ tịch LĐBĐ TPHCM, bầu Tú đóng vai trò chính trong việc huy động nguồn kinh phí từ các nguồn lực tài trợ cho CLB TPHCM hoạt động lẫn giúp bóng đá nữ địa phương này lấy lại vị thế của mình.

Mới đây, khi giữ vị trí Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VPF ông rất xông xáo tìm doanh nghiệp khác thay vào trong hoàn cảnh Toyota xin rút khỏi V-League 2018. Đầu tiên là việc chủ động đàm phán với Nutifood với gói tài trợ có thời hạn 3 năm. Tuy nhiên, do VPF chỉ được VFF chỉ định 1 năm nên Tổng giám đốc VPF đã ký hợp đồng giao quyền với NutiFood. Có nghĩa VPF và nhà tài trợ này sẽ hợp tác với nhau trong năm đầu tiên và sẽ ưu tiên hợp tác ở 2 năm tiếp theo.

Vấn đề bản quyền truyền hình V-League cũng cần nhắc. Không ai khác, chính bầu Tú đã thuyết phục Next Media thanh lý 2 bản hợp đồng đã ký từ trước với VPF để đàm phán ký lại hợp đồng khác thay thế. Bên cạnh đó, VPF đạt được thỏa thuận với các đài truyền hình về việc tường thuật trực tiếp V-League. 

Sẽ có một số người lăn tăn cho việc ngồi nhiều ghế nhưng rõ ràng “sữa” của ông Tú cũng tỷ lệ thuận theo. Và chính điều đó mới giúp chúng ta hy vọng là ông Tú sẽ còn làm được nhiều thứ khác nữa khi giữ vị trí phó chủ tịch phụ trách tài chính VFF.

Tin cùng chuyên mục