Nghiệp cầm binh

Cái tin ông Lê Thụy Hải về dẫn dắt đội Lam Sơn Thanh Hóa khiến nhiều người cảm thấy hụt hẫng. Con người đã từng quyết tâm ở nhà nghỉ gần nửa năm trời, không quan tâm đến chuyện “bóng, bánh” sau khi chia tay Bình Dương, giờ lại có vẻ như thèm việc đến mức ai cần thì gật đầu, bất kể đó là những đội bóng đang trên đường… xuống hạng.
Nghiệp cầm binh

Cái tin ông Lê Thụy Hải về dẫn dắt đội Lam Sơn Thanh Hóa khiến nhiều người cảm thấy hụt hẫng. Con người đã từng quyết tâm ở nhà nghỉ gần nửa năm trời, không quan tâm đến chuyện “bóng, bánh” sau khi chia tay Bình Dương, giờ lại có vẻ như thèm việc đến mức ai cần thì gật đầu, bất kể đó là những đội bóng đang trên đường… xuống hạng.

1- Cuộc đời thật trớ trêu. Kể từ sau khi rời khỏi Bình Dương, cả ông Lê Thụy Hải và đội bóng đều bước vào những ngã rẽ của thất vọng. Ông Hải sau khi nghỉ làm việc chừng nửa năm, lại cầm quân tại Thể Công ở mùa giải 2009 và suýt nữa làm đội này… rớt hạng. Mùa giải 2010 vừa qua, ông nhận lời giúp Vissai Ninh Bình và lại nhận tiếp một vệt đen nữa trong sự nghiệp khi đội bóng ngấp nghé khu vực cuối bảng xếp hạng.

Bây giờ, nơi ông Hải đến là Thanh Hóa, ứng cử viên… xuống hạng của mùa tới. Trong khi đó, Bình Dương thời “hậu Lê Thụy Hải” cũng tuột dốc không phanh. Từ khi ông Hải đi, họ thay đến 6 HLV và mùa vừa qua tụt xuống hạng 8, thứ hạng thấp nhất kể từ khi lên đá V-League. Quan trọng hơn, chẳng ai còn nhận ra một Bình Dương kiêu hãnh 2 lần vô địch Việt Nam liên tiếp dưới quyền của ông Lê Thụy Hải.

Người tài cần đất dụng võ. Quân hay cần tướng giỏi. Giữa ông Lê Thụy Hải và Bình Dương có những sự hòa hợp nhất định để đi đến thành công.

Ông Lê Thụy Hải (giữa) khi còn làm huấn luyện viên tại Bình Dương. Ảnh: N.N.

Ông Lê Thụy Hải (giữa) khi còn làm huấn luyện viên tại Bình Dương. Ảnh: N.N.

2- Có lẽ trong cuộc đời ông Hải, ngoài con đường nhỏ về lại ngôi nhà ở Hà Đông, chính mảnh đất Bình Dương là nơi kế tiếp mà ông Lê Thụy Hải muốn được trở về trong trái tim của mình. Có người sẽ thắc mắc, một quãng đời rong ruổi trong nghiệp cầm quân dài dằng dặc, trải qua bao nhiêu thăng trầm tại rất nhiều CLB như “tướng” Hải thì có biết bao kỷ niệm đáng nhớ, vì sao lại là Bình Dương?

Những tháng ngày đẹp đẽ nhất của sự nghiệp cầm quân của ông Hải lại là ở Bình Dương, là nơi mà tài điều binh khiển tướng của ông được phát huy tối đa, nơi mà ông là “ông chủ”, được quyền quyết định mọi việc về chuyên môn, được thể hiện toàn bộ cá tính của mình mà thiên hạ vẫn cứ phải ngả mũ thán phục. Nhưng có lẽ, vì sự tự ái của cả hai phía, họ chia tay.

Ông Hải là một HLV giỏi nhưng ở Bình Dương, ông trở thành “người làm thuê số 1” trong làng bóng đá Việt Nam. Không phải Bình Dương chắc ông Hải còn bôn ba nhiều, như hơn 20 năm làm HLV từ giải hạng nhì, hạng nhất đến bóng đá nữ. Thành ra, khi ông Hải càng kiêu hãnh, người Bình Dương càng cảm thấy khó chịu. Họ đã làm rất nhiều thứ để đem đến cho ông Hải một đội bóng mà chạm vào đâu cũng thấy ngôi sao. Ông Hải đem đến cho Bình Dương mọi danh hiệu cao quý nhưng Bình Dương cũng đã đặt ông Hải lên vị trí cao nhất của nghiệp cầm binh. Sự cao ngạo của ông Hải đã làm tổn thương những người thầm lặng tại Bình Dương.

3- Ngày rời Bình Dương, ông Hải tỏ vẻ bất cần. Nhưng thâm tâm ông chắc chắn biết rằng, mình ra đi kiêu hãnh hơn bất kỳ HLV nào tại Việt Nam. Ông để lại một “di sản” khổng lồ mà không phải ai cũng đủ sức gánh vác. Ông đi, nhưng chắc chắn sẽ nhớ đến từng cọng cỏ trên sân Gò Đậu.

Nhưng cuộc đời đôi khi như vậy mới là tri kỷ của nhau. Mới gọi “ra đi là đã trở về”. Người ta cần nhau không có nghĩa là luôn phải có bên nhau. Bình Dương thời kỳ “hậu Lê Thụy Hải” đang dần trở nên bình thường đến mức tầm thường. Càng quay quắt trong khát vọng vô địch lần thứ 3, càng khiến nỗi nhớ ông Hải dậy lên ào ạt trong lòng cổ động viên. Cái bóng ông Hải vẫn lồng lộng mỗi chiều chủ nhật ở sân Gò Đậu như một sự ám ảnh.

Còn ông Hải, ở tuổi 65, vẫn đi tìm một bến đỗ cho mình trong khó nhọc. Từ tư thế của vị thuyền trưởng đứng ung dung trên đài chỉ huy, hướng mắt về phương xa mà hô đoàn thủy thủ nhổ neo trong kiêu hãnh, ông lại phải đóng vai người thợ hàn, miệt mài đi tìm những chỗ thủng của những con tàu nhỏ để vá lại. Ông Hải không phải là “thợ hàn” có tay nghề kém cỏi, nhưng chỗ thích hợp của ông là trên đỉnh của một chiếc tàu lớn, luôn sẵn sàng vượt đại dương

TÂM VIỆT

Tin cùng chuyên mục