Một kiểu “nuôi gà chọi”

Ngày 7-2 tới, đội tuyển U.23 Việt Nam sẽ có trận đấu giao hữu trên sân Thống Nhất với đội U.23 Malaysia. Nếu đây chỉ là một trận đấu theo kiểu khai Xuân, “lấy may mắn” đầu năm thì chẳng nói làm gì, nhưng đằng này, nó được xếp vào kế hoạch chuẩn bị cho SEA Games 2017 với việc tập hợp những cầu thủ trẻ xuất sắc nhất hiện nay của bóng đá Việt Nam.

Như đã biết, SEA Games 2017 đến tháng 9 mới diễn ra. Từ nay đến đó, bóng đá Việt Nam sẽ có V-League, có đội U.20 dự World Cup vào tháng 5 ở Hàn Quốc. Như vậy, để có được bộ khung tốt nhất cho đội U.22 dự SEA Games thì phải đến ít nhất tháng 6 mới biết và cũng trên cơ sở đó, mới có kế hoạch chính xác nhất cho SEA Games, một giải đấu mà có lẽ trong vùng Đông Nam Á chỉ còn mỗi Việt Nam là coi trọng yếu tố thành tích. Lẽ ra, trận giao hữu với Malaysia nếu dành cho đội U.19 chuẩn bị cho U.20 World Cup thì nghe sẽ hợp lý hơn trong khi các cầu thủ U.23 cần có thêm thời gian nghỉ ngơi để còn thi đấu V-League trong màu áo các CLB.

Công Phượng sẽ có mặt trong màu áo U.23 Việt Nam

Khổ nỗi, chúng ta đã “lo” cho SEA Games từ… 2 năm trước với việc dồn hết kỳ vọng vào lứa U.19 của Công Phượng, Xuân Trường... Có lẽ trên thế giới không còn nhiều nền bóng đá lại chuẩn bị cho một giải đấu trẻ dài hơi và kỹ lưỡng như chúng ta. Thế là suốt 2 năm qua, bất kỳ hoạt động gì của nhóm cầu thủ nói trên cũng luôn được lồng ghép vào mục tiêu “chuẩn bị SEA Games” bất chấp đa số họ đều lên đá đội tuyển quốc gia, tức là về lý thuyết chằng cần phải tham gia thêm các đợt trận giao hữu có tính rèn luyện nữa mà nên dành chỗ cho công tác phát hiện nhân tố mới.

Cũng nhân chuyện này mới thấy, đến tận bây giờ Việt Nam vẫn đang duy trì mô hình “nuôi gà chọi” ở cấp độ đội tuyển. Tức là sẽ có một bộ khung được hình thành từ rất sớm, sau đó sẽ sử dụng tham gia mọi giải đấu theo kiểu “đá nhiều ra chiến thuật”. Cách làm này khiến cho nhiều cầu thủ trẻ phải chơi trên 50 trận mỗi năm, gần gấp đôi so với những người cùng trang lứa. Họ tham gia mọi trận đấu từ giao hữu đến chính thức và bất kể “quân xanh” là ai. Từ đó mới nảy sinh tình trạng: Thử kêu - đốt tịt.

Ngược lại, mỗi khi chúng ta tổ chức các giải quốc tế hoặc đá giao hữu thì luôn phải chờ đến giờ cuối mới biết phía đội bạn gửi đội hình nào sang thi đấu. Điều này phù hợp với thông lệ quốc tế bởi chỉ có những trận đấu hạng A do FIFA công nhận thì các CLB mới “nhả” cầu thủ cho các đội tuyển. Trong khi đó, tại Việt Nam, cứ khi nào VFF lên kế hoạch đá giao hữu thì đến V-League cũng phải dừng lại để “ưu tiên” thay vì ngược lại.

Bóng đá Việt Nam đã từng nhận hậu quả của việc “nuôi gà chọi” này với thế hệ của SEA Games 2003. Nhóm cầu thủ trẻ ấy được sử dụng liên tục và được mặc định có chỗ đứng trong màu áo đội tuyển quốc gia, thế nhưng dù vào đến chung kết 2 kỳ SEA Games 2003, 2005 thì cũng chỉ có một vài cầu thủ có mặt ở đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2008. Rõ ràng, các tài năng trẻ cần được phát triển tự nhiên theo năng lực thực tế chứ không nên “đóng khung trách nhiệm” cho họ. Sự sa sút của Công Phượng cũng như nhiều cầu thủ của lứa U.19 năm 2014 đã cho thấy cách đánh giá và định hướng phát triển tài năng trẻ của bóng đá Việt Nam có sai lầm về nhận thức. Rất tiếc là điều đó dường như không thay đổi thông qua trận đấu khai xuân sắp diễn ra.

Việt Quang

Tin cùng chuyên mục