Một đề án V-League bị bỏ qua

Chuyện chuyên nghiệp bóng đá Việt Nam và V-League chẳng khác gì cuốn phim nhiều tập, mà còn lâu mới đến hồi kết. Trong câu chuyện dài đó, người ta “cưa” nó ra thành nhiều khúc, rồi thi nhau mổ xẻ. Khi thì mọi người chỉ trích Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), khi thì quay sang đặt vấn đề ông bầu các đội bóng vừa là “nạn nhân”, cũng vừa là “tội đồ”, khi thì người ta lật nó sang lỗi hệ thống trong việc điều hành giải.

Chuyện chuyên nghiệp bóng đá Việt Nam và V-League chẳng khác gì cuốn phim nhiều tập, mà còn lâu mới đến hồi kết. Trong câu chuyện dài đó, người ta “cưa” nó ra thành nhiều khúc, rồi thi nhau mổ xẻ. Khi thì mọi người chỉ trích Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), khi thì quay sang đặt vấn đề ông bầu các đội bóng vừa là “nạn nhân”, cũng vừa là “tội đồ”, khi thì người ta lật nó sang lỗi hệ thống trong việc điều hành giải.

Mới đây, trong cuộc tọa đàm trên VTV9, có người đặt thẳng vấn đề chuyện làm gì có đề án bóng đá chuyên nghiệp nào được hợp thức hóa, được công nhận chính thức, được Chính phủ duyệt mà vẫn còn tạm mang cái tên “giải chuyên nghiệp thử nghiệm” suốt hơn chục năm trời. Xin chớ xem thường cái gọi là đề án đó (vốn còn nằm trên giấy). Từ nó sẽ vỡ ra nhiều vấn đề cần phải làm theo, các vấn đề liên quan đến luật, quy định… tránh những xung đột lợi ích đang diễn ra ở các tập trong một cuốn phim dài nhiều tập.

Lại nói về chuyện đề án, người viết xin tiết lộ một điều rằng cách đây 2 năm, ông Dương Nghiệp Khôi cũng đã trình một đề án tổ chức V-League na ná “sáng kiến” mà các ông bầu đội bóng vừa nêu tại hội nghị tổng kết V-League 2011 hôm 8-9 và trong cuộc đối thoại “doanh nghiệp làm bóng đá” hôm 15-9, tức vai trò của những cá nhân chuyên nghiệp lo việc tổ chức giải, sự tham gia của các doanh nghiệp trong quá trình tổ chức…

Đáng tiếc, vì lý do nào đó, đề án không được chấp thuận. Có thể, vì ai đó ngại sẽ mất vai trò trong việc điều hành một giải đấu cao nhất quốc gia, hoặc vì những lý do tế nhị nào khác. Đề án do ông Khôi thai nghén bị xếp xó! Vào thời điểm ấy, ý tưởng của ông Khôi cũng nhận được sự đồng tình, ủng hộ của một số chuyên gia trong và ngoài ngành thể thao. Tiếc rằng, đến tận hôm nay, một số người biết chuyện mới “xì” ra như một sự cảm thông, chia sẻ… Thôi thì may nhờ, rủi chịu vậy!
 
Nhân tiện nói đến việc tổ chức V-League, thời hạn trưng cầu ý kiến chọn trưởng ban tổ chức giải đã hết. Nghe nói trong danh sách đề cử mà các câu lạc bộ đưa ra ngoài những cái tên quen thuộc như ông Trần Quốc Tuấn, Tổng thư ký VFF; Nguyễn Hữu Bàng, Phó Tổng thư ký phụ trách phía Nam, có cái tên mới như Vũ Công Lập, chuyên gia bóng đá và cũng có nhân vật cũ được tín nhiệm trở lại là Dương Nghiệp Khôi, Phó Tổng thư ký VFF. Việc đó nói lên điều gì?

Khi các đội được trao quyền đề cử, bản thân họ cũng lúng túng, không biết đề cử ai, chọn ai vào chiếc ghế nóng, dù rằng khi phát biểu trước báo giới, họ luôn sang sảng, hùng hồn. Người nói nhiều, phán hay thì được khen nhưng rốt cuộc cũng lao vào cuộc đua nâng giá “khủng” để tranh mua cầu thủ.

Bóng đá buồn cười là thế. Nếu cần chọn một người ngồi vào chiếc ghế trưởng ban tổ chức giải, việc đầu tiên là người đó phải nhận (chứ không ép), phải trình bày kế hoạch làm việc, đề án tổ chức bộ máy điều hành giải khả thi, lúc đó mới gọi là làm việc chuyên nghiệp, mang tính khoa học được. Chứ không phải ghét ai thì bỏ ra, ưa ai thì mời vào như kiểu đề cử hiện nay. Nếu cứ làm thế, V-League mãi mãi là bộ phim dài, nhiều tập và… không có hồi kết.

MINH HÙNG

Tin cùng chuyên mục