Monte Carlo Masters: Fognini đăng quang, chấm dứt “triều đại” của Nadal

“Triều đại” của Rafael Nadal ở Monte Carlo Masters đã chính thức chấm dứt, sau khi Fabio Fognini đánh bại Dusan Lajovic với điểm số thuyết phục 6-3, 6-4 ở trong trận chung kết đơn nam. Trước đó, Nadal đã bất ngờ bị Fognini loại ở bán kết của giải đấu ẩn chứa quá nhiều bất ngờ, khi 3 ứng viên nặng ký nhất là Nadal Novak Djokovic và Dominic Thiem đều rơi đài…

Fognini chia sẻ niềm vui với các cậu bé nhặt banh
Fognini chia sẻ niềm vui với các cậu bé nhặt banh

Chấm dứt một triều đại?

Kể từ khi Nadal “tiếp quản” ngôi vô địch của giải đấu Monte Carlo Masters từ tay của Guillermo Coria (Argentina) hồi năm 2005, anh đã lập nên một “triều đại” rực rỡ. Ngoại trừ trong các năm 2013 và 2014, khi Djokovic rồi Stan Wawrinka lần lượt thách thức “vương triều” của anh bằng ngôi vô địch, còn lại, Nadal đều lên ngôi ở CLB đồng quê Monte Carlo.

Cụ thể, vào năm 2005, anh đã thắng chính Coria (vô địch Monte Carlo Masters 2004) trong trận đấu chung kết. Trong 3 năm từ 2006-2008, anh đả bại Roger Federer trong cả 3 trận đấu chung kết. Ở giải đấu 2009, anh thắng Djokovic. Ở giải đấu 2010, anh đánh bại tay vợt đồng hương là Fernando Verdasco. Ở giải đấu 2011, anh đã đánh bại một tay vợt đồng hương khác là David Ferrer. Ở giải đấu năm 2012, anh thắng Djokovic lần thứ 2 (đúng 1 năm sau, Djokovic đã “báo thù” Nadal cũng trong trận đấu chung kết).

Ở giải đấu năm 2015, Nadal xuất sắc quay trở lại, khuất phục được Gael Monfils. Anh tiếp tục đánh bại tay vợt đồng hương Albert Vinolas Ramos và Kei Nishikori trong các trận chung kết của giải đấu các năm 2017 và 2018. Còn năm nay, anh đã thua Fognini ngay từ bán kết, “vỡ mộng” lên ngôi lần thứ 12 ở Monte Carlo Masters.

Thất bại của Nadal, đồng nghĩa với việc phải vinh danh Fognini. Chiến thắng của tay vợt người Ý đã đặt dấu chấm hết tạm thời cho “triều đại” của Nadal ở Monte Carlo Masters “cổ kính” (giải đấu đã có… 112 năm tuổi, xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1897). Nhưng biết đâu đó, đây chính là điềm báo cho thấy, Nadal đã chính thức “xuống thang”, không còn nắm giữ uy quyền ở sân đất nện?

Ngay đầu mùa, sau khi Nadal khởi đầu giai đoạn mùa Xuân của mùa giải sân cứng không được tốt, đặc biệt với trận thua thảm trước Djokovic ở chung kết Australian Open, người ta hoài nghi việc anh có thể giữ ngai vàng ở mùa giải sân đất nện mùa này, với tuổi tác ấy, với tình trạng thể lực ấy (thứ đã được ông chú Toni Nadal miêu tả khá… “trần trụi” gần đây, để rồi ông này phải lên tiếng xin lỗi Nadal).

Thất bại trong việc lên ngôi lần thứ 12 ở Monte Carlo Masters, Nadal vẫn còn Barcelona Open, rồi Madrid Masters, Rome Masters để “sửa sai” trước khi đến với Roland Garros. Tuy vậy, nếu Nadal đã thua Fognini một cách quá rõ ràng (thua mà không thắng nổi ván đấu nào), thì rất có thể, sự chấm dứt của “triều đại” ở Monte Carlo Masters, sẽ là sự chấm dứt của mọi thứ.

Fognini lên ngôi – chiến thắng của “những người khác”

Đây là lần đầu tiên ở trong mùa giải năm nay, người lên ngôi vô địch ở “một giải đấu lớn” – có đẳng cấp ít nhất từ Masters 1.000 trở lên – không phải thuộc nhóm “bộ 3 quyền lực” là Federer, Nadal và Djokovic, chiến thắng đó cũng không phải thuộc về lứa “Next Gen”, mà đó là chiến thắng của “những người khác”.

Fognini năm nay đã 31 tuổi. Anh chưa bao giờ là 1 tay vợt vĩ đại như kiểu của Federer, Djokovic hay Nadal, anh cũng hơn Dominic Thiem – người đã lên ngôi ở Indian Wells và thuộc hạng “đại ca” của lứa “Next Gen” đến 6 tuổi. Fognini thuộc kiểu tay vợt “sống lâu lên lão làng”, nhưng đến khi về già lại bắt đầu chứng minh được năng lực của mình.

Riêng việc anh phải sống cùng thời với những Federer, Nadal, Djokovic, cũng đã là 1 áp lực lớn lao, và giờ đây, với làn sóng trỗi dậy của những Thiem, Daniil Medvedev, Alexander Zverev, rồi cả Stefanos Tsitsipas… những tay vợt “chưa quá già, nhưng đã không còn trẻ” như Fognini, rồi sẽ đi đâu, về đâu?

Anh không đi đâu cả, đơn giản chỉ đứng trên bục cao nhất của Monte Carlo Masters sau khi đánh bại Lajovic của Serbia (một tay vợt có thân phận na ná như anh) trong “trận chung kết lớn đầu tiên không có sự hiện diện của bất kỳ đại biểu nào thuộc Next Gen hay bộ 3 quyền lực”. Quần vợt, trong một ngày khó lường, lại chứng tỏ sự kỳ diệu của nó, rằng "những người khác", nếu dám nỗ lực, sẽ có chỗ đứng của mình.

Chiến thắng của Fognini không chỉ biến anh trở thành người Ý đầu tiên giành được một danh hiệu đẳng cấp Masters 1.000, mà nó còn giúp anh trở thành tay vợt thứ 3 trong lịch sử, sau Andy Murray và “Next Gen đệ nhất nhân” – tay vợt trẻ người Đức gốc Nga, Zverev – giành được ít nhất 1 giải Masters 1.000 trên mặt sân đất nện dù vẫn chưa lên ngôi ở French Open.

“Tôi sinh ra ở San Remo (một địa điểm cách Monte Carlo khoảng 40 phút đi xe) và tôi đã lập luyện ở đây khi còn rất trẻ. Tôi biết rất rõ CLB quần vợt này. Gia đình tôi, bạn bè tôi đang rất hạnh phúc, vì tên của tôi đã được đề tựa lên giải đấu và đó là thứ mà tôi từng mơ mộng đến khi còn rất, rất trẻ”, Fognini hạnh phúc sau chiến thắng 2 ván đấu trước Lajovic.

“Quả là một tuần lễ thật không thể tin nổi. Tôi sẽ tiếp tục làm việc. Tôi đã khởi đầu mùa giải năm nay khá tệ hại, thế nên, điều này thật quá tuyệt vời. Tôi rất mệt mỏi về mặt tâm lý, nhưng thật sự hạnh phúc vì đã thắng một giải đấu lớn vốn luôn là mục tiêu trong sự nghiệp của tôi. Chúng ta đang nói về hệ giải Masters 1.000 và tiếp theo sẽ là Grand Slam”, Fognini cho biết.

Tin cùng chuyên mục