Mở rộng cửa đón người tài

Bên cạnh quần vợt, một số đội tuyển như bơi lội, bắn súng và có thể tới đây là thể dục cũng đã và sẽ tạo điều kiện cho các VĐV Việt kiều thể hiện tài năng và mong muốn trở về phục vụ quê hương.
Tay vợt nữ xinh đẹp Alize Lim sẽ khoác áo tuyển Việt Nam dự SEA Games 30
Tay vợt nữ xinh đẹp Alize Lim sẽ khoác áo tuyển Việt Nam dự SEA Games 30

Sự kiện nữ tay vợt Việt kiều Alize Lim, người từng xếp hạng 135 thế giới sẽ đầu quân cho đội tuyển TPHCM dự giải VTF Pro Tour 2018 và xa hơn là khoác áo đội tuyển Việt Nam dự SEA Games 30 vào năm sau, thêm một lần nữa minh chứng cho chuyện quần vợt Việt Nam rất nỗ lực kêu gọi các tài năng Việt kiều ở khắp nơi trên thế giới trở về cống hiến cho thể thao nước nhà.

Tổng thư ký Liên đoàn Quần vợt Việt Nam (VTF) Đoàn Quốc Cường cho hay: “Chúng tôi đã thuyết phục Alize Lim đầu quân cho đội tuyển nữ Việt Nam từ hồi năm ngoái, sau khi chứng kiến cô thi đấu đầy ấn tượng ở giải Việt Nam Challenger 2017. Đấy là một tay vợt đẳng cấp. Rõ ràng, sự có mặt của Alize Lim mở ra cơ hội cho quần vợt Việt Nam tự tin hơn khi đặt mục tiêu tranh chấp tấm HCV đầu tiên ở đấu trường SEA Games 2019”.

Alize Lim là nữ tay vợt xinh đẹp có bố là người Việt Nam và mẹ là người Pháp, từng 4 lần liên tiếp góp mặt ở vòng đấu chính của giải Roland Garros danh tiếng trong hệ thống Grand Slam giai đoạn từ 2014 - 2017. Thời điểm đó, cô gái sinh năm 1990 đạt thứ hạng cao nhất trong sự nghiệp là 135 vào tháng 5-2014. Hiện tại, Alize Lim đang xếp ở vị trí thứ 321 trên bảng tổng sắp WTA.

Cũng theo ông Đoàn Quốc Cường, phải mất một thời gian dài thuyết phục, Alize Lim và gia đình cô mới đồng ý trở về phục vụ đội tuyển quần vợt Việt Nam, tiếp tục tạo nên một trào lưu sử dụng các tay vợt Việt kiều cho những sân chơi quốc tế, sau khi các tay vợt nữ khác như Fodor Csilla, Savanna Lý Nguyễn hay Tifanny Linh Nguyễn đã chọn quê hương là nơi tạo dựng sự nghiệp.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, đẳng cấp và kinh nghiệm của Alize Lim hoàn toàn có thể giúp đội tuyển quần vợt nữ Việt Nam tranh ngôi vô địch đơn nữ ở SEA Games 30, ngay cả khi phong độ của cô không còn mạnh như cách đây 4 năm.

Trên thực tế, do “nguồn cung” trong nước thời gian gần đây không ổn, nên quần vợt nữ Việt Nam mới tìm chỗ dựa là các tay vợt Việt kiều được đào tạo khá bài bản ở nước ngoài để cải thiện thành tích và hình ảnh của mình khi xuất hiện ở các giải đấu quốc tế.

Ngược lại, ở đội tuyển quần vợt nam, tay vợt chủ lực Lý Hoàng Nam đang được đầu tư quyết liệt để sớm cụ thể hóa giấc mơ góp mặt ở sân chơi Grand Slam. Cũng có một số tay vợt Việt kiều được để ý như Maxime Tabatruong, Daniel Nguyễn nhưng vì tiềm năng của Hoàng Nam vẫn còn khá lớn nên nhất thời tay vợt của Becamex Bình Dương vẫn được xem là khó thay thế ở đội tuyển nam dự SEA Games, Adiad hay các giải quốc tế khác.

Bên cạnh quần vợt, một số đội tuyển như bơi lội, bắn súng và có thể tới đây là thể dục cũng đã và sẽ tạo điều kiện cho các VĐV Việt kiều thể hiện tài năng và mong muốn trở về phục vụ quê hương.

Kình ngư Lê Nguyễn Paul đang thi đấu khá ổn định ở đội tuyển bơi lội Việt Nam, trong khi xạ thủ Ali Iwaki hay golf thủ Hanako Kawasaki (Việt kiều Nhật Bản) đã được đánh giá khá cao về chuyên môn, VĐV môn thể dục nghệ thuật Trương Mai Nhật Linh (tức Linda Trương, người Ucraina gốc Việt), 3 cầu thủ bóng rổ Việt kiều là Nguyễn Tuấn Tú (còn gọi là Stefan Nguyễn), Horace Nguyễn (Horace Nguyễn Tâm Phúc) và Tâm Đinh (Đinh Thanh Tâm) từng khoác áo đội tuyển Việt Nam dự SEA Games 29.

Tin cùng chuyên mục