Mạnh dạn thay đổi

Hôm nay, 6-9, bóng đá châu Âu sẽ chứng kiến sự ra đời của một giải đấu mới mang tên UEFA Nations League. 

Về bản chất thì đây chỉ là giải đấu thay thế cho các trận đấu giao hữu vốn vẫn thường diễn ra định kỳ 2 tháng/lần tại châu Âu giữa các đội tuyển. Dù chỉ “đá chơi” nhưng “phần thưởng” thì lại rất thật khi giải đấu này có đến 4 suất dự Euro 2020 cho những đội không giành được suất chính thức thông qua vòng loại Euro như thông lệ. Với một thể thức tương đối rắc rối, UEFA Nations League được tạo ra để nâng cao chất lượng các trận đấu giao hữu. Người được hưởng lợi cuối cùng vẫn là người hâm mộ. 

Trong một thập kỷ qua, bóng đá châu Âu có nhiều “phát kiến” mà một CĐV bình thường khó mà nhớ cho hết. Từ chỗ mở rộng số lượng các CLB hàng đầu dự Champions League, cho đến việc tổ chức Euro 2020 trên nhiều quốc gia cùng lúc, bây giờ là “giải đấu giao hữu” UEFA Nations League. Trên tinh thần “cái gì có lợi thì làm”, những thay đổi ấy dần dần thay thế các quy định mang tính truyền thống trong việc tổ chức các giải đấu. Đồng thời, sự tiên phong của châu Âu cũng tác động đến nhiều nơi khác, tiêu biểu như giải vô địch Đông Nam Á - AFF Cup 2018 sắp đến cũng sẽ tổ chức với một thể thức mới mẻ. 

Nói chuyện bên ngoài để nhắc đến sự trì trệ của bóng đá Việt Nam. Bao nhiêu năm qua, chúng ta đã nói rất nhiều về cách thức mô hình “đầu to, đế teo” giữa V-League và giải hạng nhất khiến cho chất lượng của nhiều trận đấu rất kém bởi tính chất “vô thưởng, vô phạt”. Ví dụ như V-League hiện nay, mới đá xong lượt đi đã thấy rõ Hà Nội FC nắm chắc chức vô địch cũng như xác định luôn nhóm các đội phải tranh suất trụ hạng. Có đến phân nửa số CLB hiện không biết mình đá để làm gì. Khán giả không muốn đến sân, truyền hình cũng chẳng muốn trực tiếp. Hoặc như Cúp quốc gia, giải đấu mà nếu vô địch thì tiền thưởng không bù đủ chi phí thi đấu, trong khi đó còn phải đại diện Việt Nam đá ở AFC Cup thêm phần tốn kém. Nói cách khác, có khá nhiều CLB rơi vào tình trạng mỗi năm chỉ đá hơn chục trận là nỗ lực, phần thời gian còn lại có thắng hay thua thì cũng chẳng sao cả.

Ai cũng biết, chất lượng của các trận đấu cấp CLB sẽ quyết định đến năng lực của đội tuyển quốc gia. Càng nhiều trận đấu hấp dẫn thì cầu thủ càng có cơ hội phô diễn tài năng, tạo ra sự cạnh tranh chất lượng trên con đường lên tuyển, chưa kể các lợi ích khác từ khán giả, tài chính… Không thể hy vọng các CLB “tự giác” chơi trận nào cũng 100% phong độ, cần phải có những yếu tố buộc họ phải đá hết mình.  Tuy nhiên, các nhà quản lý bóng đá Việt Nam lại thụ động trong việc nghiên cứu thay đổi những thể thức thi đấu. Hoàn toàn có thể giảm bớt số lượng các CLB đang đá V-League để tăng sự cạnh tranh cho chức vô địch cũng như việc trụ hạng. Hoàn toàn có thể tăng chất lượng Cúp quốc gia nếu “ưu đãi” cho đội bóng tham gia cúp này những quyền lợi thăng hạng hay cộng điểm ở V-League. Những quy định kiểu như vậy nằm trong tay của VFF, nơi đang chịu trách nhiệm về thành tích thi đấu của đội tuyển quốc gia và nếu họ tạo ra sự thay đổi với tiêu chí “có lợi thì làm”, hẳn người hâm mộ hay các CLB cũng chẳng có lý do gì để phản đối.

Không phải tự nhiên mà bóng đá châu Âu đang thống trị các kỳ World Cup gần đây, phần nào đó đến từ những mạnh dạn thay đổi của họ trong bối cảnh phần còn lại của thế giới vẫn theo lối mòn.

Tin cùng chuyên mục