Lỗ hổng trách nhiệm và tâm huyết

Các đội tuyển quốc gia thất bại, giải vô địch quốc gia sa sút về chất lượng, người hâm mộ quay lưng với bóng đá nội… Nguyên nhân, trách nhiệm hết thảy đều đổ hết cho Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF). 
Thất bại của đội tuyển U.22 tại SEA Games 2017 là nỗi đau của cổ động viên . Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Thất bại của đội tuyển U.22 tại SEA Games 2017 là nỗi đau của cổ động viên . Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Nhiều vẫn không đủ 
VFF thực ra chỉ là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, được hình thành thông qua quá trình bầu bán của cộng đồng bóng đá mà cụ thể là các CLB, các tổ chức bóng đá cấp thấp. VFF hoạt động và đưa ra quyết định đều dựa trên nguyên tắc đồng thuận số đông của Ban chấp hành vốn được bầu từ đại hội nhiệm kỳ 4 năm/1 lần và các đại hội ban chấp hành tổ chức hàng năm. Những vị trí lãnh đạo của tổ chức này đều được thông qua bởi những đại hội như vậy. Nói cách khác, VFF là một trong những tổ chức xã hội nghề nghiệp ít ỏi ở Việt Nam gần như không chịu sự tác động của cơ quan quản lý nhà nước, mà hoàn toàn chịu sự chi phối từ chính những thành viên của mình. Hơn 80% ủy viên BCH của VFF hiện nay không phải là viên chức, 3/5 vị trí lãnh đạo cao nhất của VFF là doanh nhân, đã nói lên tất cả.
Vì vậy, khi đối diện với các vấn đề của nền bóng đá, sẽ thiếu công bằng khi quy toàn bộ trách nhiệm cho một vài cá nhân lãnh đạo mà bỏ quên sự liên quan của cả bộ máy. Ví dụ như trường hợp thất bại của U.22 Việt Nam tại SEA Games vừa qua, HLV trưởng đã được giao toàn bộ quyền hạn, thậm chí thể hiện rõ trong hợp đồng. Các bộ phận có liên quan của VFF chỉ “chạy theo” kế hoạch của HLV.
Cần thêm sự chung tay
Còn nhớ, khi diễn ra đại hội VFF nhiệm kỳ 7 hồi năm 2014, trong 4 vị trí quan trọng nhất (chủ tịch và 3 phó chủ tịch) thì chỉ có đúng một chỗ là có 2 ứng cử viên để tạo ra sự cạnh tranh trong bầu bán. Như vậy, cái dễ thấy nhất chính là cộng đồng bóng đá Việt Nam đang thiếu người có tài, có tâm sẵn sàng tham gia vào bộ máy VFF. Chi tiết hơn, Ban chấp hành VFF có hơn 70% thành viên là những người đang làm công tác chuyên môn tại các CLB, rất ít những thành phần xã hội khác tham gia so với những nhiệm kỳ trước. Rõ ràng, một tổ chức nặng tính nghề nghiệp, thiếu tầm ảnh hưởng ngoài xã hội như vậy thì khó tạo ra một sức bật cho bộ máy nói riêng và nâng tầm bóng đá Việt Nam nói chung.
Thực tế hiện nay, thông qua V-League - tấm gương phản ảnh nội lực của nền bóng đá, cũng giải thích phần nào sự thiếu hụt “chất xã hội” tại VFF. 60% CLB V-League hiện nay không thể xác định là của tư nhân hay quốc doanh? Các ông chủ thực sự của những đội bóng đều không thể hiện vai trò của mình như một nhà đầu tư bóng đá thực thụ. Trong 3 năm qua, chỉ có 1 doanh nghiệp có tiếng tăm “nhảy vào”, trong khi có đến 5 doanh nghiệp khác “nhảy ra”. Số CLB đặt chỉ tiêu vô địch chỉ đếm trên đầu ngón tay và đều quen thuộc từ mùa này sang mùa khác. Với một V-League thiếu sức sống, nguồn lực và khả năng đầu tư như vậy thì sẽ kéo theo các hệ lụy như công tác đào tạo tại chỗ manh mún, nhân sự tham gia quản lý cũng nghiệp dư và thiếu chất lượng.

Tin cùng chuyên mục