Lee Duck-hee: Tay vợt bị điếc đầu tiên giành được 1 trận thắng ở ATP Tour

Cái tên Lee Duck-hee đang trở thành hiện tượng của làng quần vợt nam thế giới. Chàng trai 21 tuổi người Hàn Quốc, quê ở Jecheon, bị khiếm khuyết về mặt cơ thể khi không thể nghe được, mới vừa tạo ra một chiến công “vô tiền khoáng hậu” khi đánh bại đối thủ hoàn toàn khỏe mạnh là Henri Laaksonen (Thụy Sỹ, hạng 120 ATP) với điểm số 7-6 (7-4), 6-1 ở Winston-Salem Open.

Lee Duck Hee
Lee Duck Hee

Ngay từ khi còn nhỏ xíu, Lee đã bị những người khác phản đối khi cố gắng theo đuổi giấc mơ trở thành một tay vợt chuyên nghiệp. Tuy vậy, tay vợt sinh năm 1998 này vừa chứng minh cho những kẻ bất đồng chính kiến rằng, họ đã sai lầm, khi giành chiến thắng trước một đối thủ có sức khỏe, hình thể và cả thứ hạng vượt trội hơn hẳn là Laaksonen (tay vợt người Thụy Sỹ xếp trên Lee đến 92 bậc trên bảng điểm xếp hạng của ATP).

Chàng trai bị điếc từ 2 tuổi, trên sân bóng chỉ nghe được những sự rung động và phải cần nhìn vào những cử chỉ bàn tay để nhận diện các quyết định từ các giám biên và trọng tài chính điều hành trận đấu, đã xuất sắc gỡ lại 1 break-point ở game đấu thứ 7 của ván đấu mở màn, sau khi để thua trước 1 break-point ở game đấu thứ 4. Sau đó, anh đã “lôi” Laaksonen đến loạt đánh tie-break và giành chiến thắng cuối cùng có điểm số 7-4.

Ở ván đấu thứ 2, anh lại liên tục đe dọa các game cầm giao bóng của đối thủ vốn là đồng hương của huyền thoại Roger Federer (nhưng kém tiếng hơn), có đến 8 cơ hội thắng break-point và đã tận dụng tốt 2 cơ hội trong số này (để lần lượt vượt lên dẫn trước 3-1 và 5-1). Lee đã đặt dấu chấm hết cho trận đấu sau một chút trục trặc ở game đấu thứ 7, lúc đó bảng điểm cho ra kết quả 40-15, trong khi đúng ra Lee chỉ đang dẫn trước 30-15.

Lee cảm thấy rất khó hiểu và không thể tiếp tục thi đấu, nhưng anh không thể truyền tải câu hỏi của mình cho trọng tài điều hành và cũng không hiểu phản ứng từ ông này. Cả 2 người đều bị “đứng hình”, không biết nên tiếp tục như thế nào, cho đến khi một tình nguyện viên của BTC giải đưa ra 3 ngón tay để giải thích về điểm số thật sự của game đấu. Lee quay trở lại với trận đấu, bị gỡ 30-30, nhưng thắng 40-30 và thắng luôn match-point.

“Người ta thường lấy làm vui vì khuyết tật của tôi. Họ nói với tôi rằng, tôi không nên thi đấu quần vợt chuyên nghiệp. Rõ ràng, chuyện này thật sự khó khăn. Nhưng gia đình tôi, rồi bạn bè tôi, đã giúp đỡ để tôi vượt qua các thách thức. Tôi muốn chứng tỏ cho mọi người thấy tôi có thể làm được chuyện này. Thông điệp của tôi dành cho những người bị khiếm thính là đừng nản lòng. Nếu cố gắng, bạn có thể làm được mọi thứ”, Lee nói.

Chiến thắng mang tích lịch sử và nhăn văn của Lee khiến người người, nhà nhà cảm thấy phấn khích và xúc động. Ai cũng nể phục sự kiên cường và ý chí mạnh mẽ của chàng trai bị điếc bẩm sinh này. Tay vợt người Mỹ Tennys Sandgren nhớ lại: “Tôi từng đánh bại cậu ấy vài năm về trước. Sau trận đấu đó, cậu ấy đến gặp tôi với một công cụ dịch qua Google và hỏi rằng: “Điểm yếu của tôi là gì? Với một người bị điếc và không giỏi tiếng Anh, để đặt bản thân của bạn trong trường hợp đó… Tôi sẽ không làm được. Thật sự rất dễ thương”.

“Bạn phải học hỏi rất nhiều về việc đối thủ của bạn đánh bóng như thế nào, dựa trên âm thanh của các cú đánh. Nếu bạn không thể nghe được những âm thanh đó… Bạn phải có một kỹ năng thật là khùng điên, và kèm theo cả một tài năng điên rồ”, Sandgren đưa ra kết luận về “trường hợp quá dị biệt” của tay vợt bị điếc bẩm sinh người Hàn Quốc.

Andy Murray cũng đưa ra đánh giá: “Nếu tôi phải thi đấu với 2 tai nghe headphone, thì rất khó tin tôi có thể dò ra được tốc độ của quá bóng, độ xoáy mà cây vợt tạo ra với bóng. Chúng tôi sử dụng đôi tai để chọn lọc rất nhiều thứ. Rõ ràng, đó là một bất lợi vô cùng to lớn của Lee, thế nên, có thể những gì mà cậu ấy đang làm là những nỗ lực rất lớn”.

Lee không biết ngôn ngữ ký hiệu (dành cho những người điếc) vì anh đã được dạy đọc khẩu hình miệng bằng tiếng Hàn khi còn nhỏ. Tuy nhiên, những phát biểu của Lee lại không rõ ràng với người nghe. Trong những lần trả lời phỏng vấn, một tình nguyện viên của BTC giải đấu phụ trách dịch từ tiếng Anh sang tiếng Hàn cho Soopin, hôn thê của Lee, và cô này sẽ diễn giải cho Lee hiểu. Sau đó là công đoạn ngược lại của quá trình, Lee sẽ trả lời cho Soopin, rồi Soopin nói lại cho tình nguyện viên để người này diễn giải sang tiếng Anh.

Trả lời phỏng vấn phải va vấp qua bao nhiêu công đoạn, Lee lại càng thi đấu mạch lạc bấy nhiêu. Từ khi chơi giải ATP Challenger Tour đầu tiên ở tuổi 14, sau một thời gian chỉ quanh quẩn ở châu Á, Lee đã “hành quân” sang nước Mỹ và tham gia nhiều giải đấu ở đây. Hồi tháng 6 rồi, anh lọt đến trận chung kết ATP Challenger Tour đầu tiên ở Little Rock. Và giờ đây, là thành tích giành trận thắng đầu tiên ở đấu trường đẳng cấp ATP Tour.

“Tôi đã ăn món mì spaghetti ở đây và yêu mến nó. Tôi nghĩ rằng, nước Mỹ là một môi trường phát triển rất tốt. Mọi thứ dường như là rất phù hợp đối với bản thân tôi. Vì thế, tôi đang bắt đầu cảm thấy rất vui vẻ và có cảm giác thoải mái”, Lee cười tươi nói. Sự thú vị sẽ còn tiếp diễn khi anh đấu với Huber Kurkacz (Ba Lan) trong trận đấu vòng 2 giải Winston-Salem Open sẽ diễn ra vào rạng sáng mai. “Nhưng tôi sẽ bước vào trận đấu với một thái độ tương tự. Tôi sẽ làm hết sức và chờ xem điều gì sẽ xảy ra”.

Tin cùng chuyên mục