Lại khổ vì vé

Phương án bán vé qua mạng của VFF cho trận bán kết lượt về đã gặp ngay rắc rối ngay từ những phút đầu tiên. Toàn bộ 4 địa chỉ bán vé online mà VFF tạo ra đều dễ dàng bị “sập” khi lượng người truy cập quá lớn cùng một thời điểm, chưa nói đến những vấn đề nảy sinh trong thanh toán, dẫn đến sự bức xúc tăng cao suốt hôm qua. Rồi sau đó, trụ sở VFF “bị vây” bởi những người cho biết mình không thể mua bằng đường online. 
Người hâm mộ Việt Nam luôn gặp khó khăn khi mua vé xem bóng đá.
Người hâm mộ Việt Nam luôn gặp khó khăn khi mua vé xem bóng đá.

Công bằng mà nói, bán vé online là một phương thức tối ưu, tạo được sự minh bạch tương đối, có sự công bằng nhất định cho mọi người. Chỉ có điều, thời điểm VFF tổ chức bán vé online không hợp lý tí nào, nếu không nói là sai lầm nghiêm trọng. 

Để biết cái sai của VFF, hãy thử đặt mình vào trường hợp một doanh nghiệp sản xuất lâu năm, vừa ra mắt sản phẩm độc đáo theo “phiên bản giới hạn”, rất hiếm. Doanh nghiệp đó sẽ hướng đến những khách hàng trung thành của mình là chủ yếu. Như vậy, để đưa được những sản phẩm ấy đến đúng tay các khách hàng như vậy thì phải có dữ liệu về khách hàng, đồng thời cũng cần thông qua những đại lý lâu năm của mình. 

Vé xem trận Việt Nam - Malaysia cũng có thể xem như những sản phẩm “phiên bản giới hạn” ấy. Có hàng triệu người được cho là hâm mộ bóng đá, hàng trăm ngàn nhu cầu, nhưng số lượng vé thì lại giới hạn và về lý thuyết, nó nên dành cho những người thường xuyên đến sân xem đội tuyển thi đấu trong nhiều năm qua mà không thuộc hệ thống những tập thể đã được đăng ký trước (hội CĐV, các đối tác …).

Nếu như VFF triển khai việc bán vé qua mạng từ nhiều năm trước, bắt đầu từ các trận đấu ít được quan tâm, thì bây giờ họ đã có cơ sở dữ liệu của những ai thường xuyên mua vé và sử dụng. Kể cả trong số đó có cả những “phe vé” cũng không sao, bởi vì đó cũng là những người đã tiêu thụ một lượng vé lớn cho VFF trong một thời gian dài. 

Kế đến, nếu bán vé online từ sớm, bây giờ VFF cũng đã có hệ thống đại lý của mình. Đó có thể là những “sàn” bán vé chuyên nghiệp, các công ty thương mại điện tử, những đối tác đã chia sẻ rủi ro với VFF một thời gian dài. Chính họ cũng đã có trong tay những khách hàng mua vé trung thành.

Ở các sự kiện như World Cup, Euro hay Champions League…, vé chủ yếu được phân phối qua các “đại lý” như những liên đoàn bóng đá, công ty du lịch, đội bóng, “sàn” chuyên nghiệp… Nói chung là đều “mối quen”, “đầu có tóc” cả.

Với 2 nền tảng ấy, dù sự phức tạp trong trường hợp của trận Việt Nam - Malaysia khó giảm, nhưng quá trình phân phối vé của VFF sẽ ít gây tranh cãi hơn. Đồng thời cũng tạo sự công bằng cho những cổ động viên thực thụ, luôn sát cánh bên đội tuyển dù ở hoàn cảnh nào.

Rất tiếc, dù chưa có những hệ thống ấy, VFF lại thử nghiệm bán online ngay ở thời điểm rủi ro cao nhất. Nó khiến phương thức tiên tiến này trở nên tệ hơn bán vé truyền thống. Những người ở Hà Nội, thường đến sân xem đội tuyển đá, có khi lại không thể mua vé. Ngược lại, một anh chàng nào đó ở… Cà Mau, chưa từng đến sân bóng lần nào, lại sở hữu các tấm vé quý giá để rồi rao bán trên mạng để kiếm lời khi ra Hà Nội. 

Tóm lại, xem như VFF tự hại mình, một lần nữa. Và người hâm mộ, cũng có quyền một lần nữa nghi ngờ năng lực của VFF. Nói cho cùng, nếu xét VFF ở góc độ một doanh nghiệp, thì một sản phẩm cụ thể, dễ quản lý như vé mà còn bán không xong thì làm sao có thể bán được những sản phẩm có giá trị cao hơn như thương quyền đội tuyển?! 

Tin cùng chuyên mục