Lạ như V-League

V-League 2017 có một chi tiết rất đặc biệt: Đây là mùa bóng có thời gian thi đấu dài nhất lịch sử bóng đá Việt Nam, từ đầu năm 2017 cho đến tận tháng 11 mới kết thúc. 
Trải dài như thế không có nghĩa là người hâm mộ Việt Nam được xem nhiều trận bóng hơn. Vẫn chỉ có 26 vòng, tuy nhiên lịch thi đấu lại bị ngắt quãng. Sau lượt đi, giải sẽ nghỉ đến 2 tháng rưỡi, được cho là “né” chiến dịch U.20 World Cup của đội tuyển U.20. Sau đó, lượt về sẽ đá dồn 3 vòng đấu đầu tiên trong vòng 8 ngày (từ 24-6 đến 2-7) trước khi nghỉ tiếp hơn 2 tháng nữa, lần này là để “né” SEA Games năm nay, diễn ra sớm hơn thường lệ (tháng 8).

Về mặt lý do để V-League kéo dài thì có vẻ hợp lý, tạm xem như là “vì cái chung”, tạo cơ hội cho người hâm mộ tập trung vào các sự kiện quan trọng của bóng đá nước nhà. Tuy nhiên, nếu chúng ta đặt góc nhìn ở phía các CLB thì mọi chuyện lại không hay ho đến vậy.

Cần phải thấy rằng, một giải đấu bị cắt vụn như thế hoàn toàn phi khoa học. Nếu tính từ sau lượt đi (giữa tháng 4) cho đến lúc bắt đầu lại sau SEA Games (đầu tháng 9) thì các đội bóng V-League sẽ nghỉ đến gần 5 tháng nhưng lại vẫn ra sân thi đấu 3 vòng (cuối tháng 6). Không thể có một giáo án tập luyện nào phù hợp cho kế hoạch thi đấu kỳ quặc đến như vậy. Không lẽ sau lượt đi, các đội thả lỏng 2 tháng, rồi tập căng trở lại để đá 3 trận, rồi lại thả lỏng tiếp 2 tháng nữa? Đó là chưa nói, với ngân sách hạn chế của nhiều CLB, phần lớn thời gian đó là “tập chay”, rất khó để duy trì phong độ cầu thủ.
Kế đến, việc trải dài thời gian thi đấu khiến phần cuối V-League rơi vào những tháng mưa bão. Không phải tự nhiên mà giải vô địch quốc gia Việt Nam thường tổ chức từ tháng 1 đến tháng 9 hàng năm, không thi đấu theo mô hình “vắt” qua 2 năm, có thời gian nghỉ hè  như nhiều nơi trên thế giới. Nó xuất phát từ việc tránh đá bóng trong mùa mưa bão vốn dồn dập từ tháng 8 trở đi tại nước ta trong bối cảnh cơ sở vật chất hiện nay của các sân bóng đều rất kém. Đây là vấn đề thuộc về quy luật, chính vì vậy, việc kéo dài V-League đến tận tháng 11 là một cách tổ chức vừa thiếu khoa học vừa phản ánh tính “tùy hứng” của những nhà quản lý. Nếu vướng SEA Games, thì cũng hạn chế nghỉ quá lâu ở giai đoạn U.20 World Cup khiến mùa giải trở nên… lê thê.

Sau lượt đi V-League, chính Trưởng ban tổ chức giải, ông Nguyễn Minh Ngọc, phải thừa nhận khán giả đến sân giảm một cách đột biến, từ mức 8.000 - 9.000 người/trận ở những mùa trước nay chưa đến 6.000 người/trận. Người hâm mộ đang bỏ thói quen đến sân xem bóng đá trước tính bạo lực và những sự cố trọng tài, nay họ còn có thể chẳng muốn đến sân khi mà giải đấu bị ngắt vụn, làm ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền, quảng bá cũng như thói quen bấy lâu nay của họ.

Một trong những yếu tố nói lên tính chuyên nghiệp của một giải đấu, đó chính là tính khoa học của lịch thi đấu, bởi nó ảnh hưởng đến những hoạt động của báo chí, truyền hình và yếu tố sinh hoạt của xã hội. Thế mới nói, bóng đá Việt Nam luôn có những điều rất “lạ” trong nỗ lực tiếp cận với làng cầu chuyên nghiệp thế giới.

Tin cùng chuyên mục