Kỳ cuối: Không sát sao không được

>> Kỳ 1: Mạo hiểm với cuộc chơi

Doping - nỗi ám ảnh trước thềm Olympic

>> Kỳ 1: Mạo hiểm với cuộc chơi

Vấn đề đảm bảo không dính doping, tăng cường dinh dưỡng cho VĐV, nhất là VĐV trọng điểm chuẩn bị tranh vé Olympic và thi đấu Olympic là điều ngành TDTT đặc biệt quan tâm lúc này. Thêm một lần nữa, Thể thao Việt Nam phải giải quyết nhiều khâu trước thềm Olympic 2016…

1. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn cho rằng: “Việc kiểm tra doping là theo quy định của Cơ quan phòng chống doping quốc tế (WADA). Với những tuyển thủ đang trong giai đoạn chuẩn bị Olympic 2016, chúng ta đều có kiểm soát nghiêm ngặt. Họ được dự các vòng tuyển chọn Olympic trước khi giành vé nên cũng có sự kiểm tra thông qua thi đấu trên. Tới đây, chúng tôi vẫn còn rà soát để đảm bảo không VĐV nào sử dụng chất cấm trong danh mục”.

Ảnh: T.L

Quả thật, kiểm tra doping với một đoàn thể thao sẽ khó. Tất cả đúng như lãnh đạo Tổng cục TDTT chia sẻ, tức là phải tuân thủ quy trình của WADA. Mặc nhiên, khi VĐV nhập làng VĐV tại Olympic, công tác kiểm tra của Ban tổ chức cũng rất chặt chẽ.

Trao đổi với nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT đồng thời từng là Trưởng đoàn thể thao Việt Nam dự Olympic 2012 - ông Lâm Quang Thành - cho biết: “Việc kiểm tra doping tại Olympic có những quy định riêng không giống các giải bình thường. Trong mỗi cuộc thi đấu đều có kiểm tra và là lấy theo chỉ định (đối với VĐV đoạt huy chương) hoặc VĐV ngẫu nhiên. Trước khi thi đấu năm đó, đoàn Thể thao Việt Nam không lấy mẫu thử các VĐV. Tuy nhiên, chúng tôi có cách kiểm tra để nắm bắt sự trong sạch của các tuyển thủ. Về cơ bản, chúng ta đều kiểm soát được VĐV của mình”.

Được biết, trong quá trình chuẩn bị dành cho Olympic 2016 này, thuốc men y tế dành cho VĐV cùng thực phẩm dinh dưỡng được từng bộ môn kiểm tra gắt gao nhằm không để có sự cố đáng tiếc nào xảy tới.

 

Chúng ta có Trung tâm Doping và Y học thể thao. Tuy nhiên, cơ quan này chưa thể tham gia công tác kiểm tra doping mà chỉ được làm nhiệm vụ giám sát lấy mẫu thử. Để có chứng nhận đủ tiêu chuẩn quốc tế từ WADA, chúng ta phải có trang bị thiết bị đầy đủ cũng như con người đủ trình độ. Về điều này, hiện trung tâm chưa đáp ứng được do kinh phí hạn hẹp. .

 

2. Là môn giành tới 3 suất Olympic chính thức, đấu kiếm cũng rất đề cao công tác “trong sạch” trong thi đấu. Trưởng bộ môn đấu kiếm Phùng Lê Quang cho hay tại vòng loại Olympic đồng thời cũng diễn ra Giải vô địch châu Á 2016 mới đây ở Trung Quốc, Ban tổ chức có lấy mẫu thử doping. Tuy vậy, mẫu thử lấy ngẫu nhiên và VĐV của Việt Nam không ai phải tham gia lấy. “Tuy nhiên, chúng tôi biết được VĐV của mình không ai dùng chất cấm vì có sự sâu sát ngay từ trong tập luyện”, ông Quang cho biết.

Mặc dù vậy, sự kiểm soát không thừa. Phó Tổng cục trưởng Trần Đức Phấn nói thêm: “Cử tạ là môn được quan tâm. Kim Tuấn, Quốc Toàn là những tuyển thủ đã dự nhiều giải quốc tế nên họ đã được sự hướng dẫn đầy đủ, ý thức công việc của mình. Chắc chắn không thể sử dụng doping”.

Đây là thời điểm quan trọng để VĐV bước vào thời kỳ tập luyện tập trung nhất trước khi thi đấu Olympic 2016. Chúng ta có thể kiểm soát tối đa được từ VĐV. Thế nhưng, nhiều lãnh đạo bộ môn và quản lý ngành cũng e ngại câu chuyện thực phẩm không hề nhỏ. Nhiều trường hợp VĐV trên thế giới vô tình bị phát hiện trong mẫu thử có chất cấm và tất cả vỡ lẽ do ăn uống.

Hiện ở Việt Nam, câu chuyện" thực phẩm bẩn" đang là hồi chuông cảnh báo toàn xã hội. Bằng mắt thường khó ai phân biệt được đâu là thực phẩm đảm bảo hay không. Tất cả là tin ở nơi cung cấp. Nhưng không loại trừ, hóa chất trong thực phẩm vô tình khiến VĐV có thể bị dính doping. “Đầu vào là thức ăn cũng được kiểm soát rất mạnh mẽ”, ông Phấn khẳng định.

NGUYỄN ĐÌNH

***

Ông Đỗ Đình Kháng - Phó Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao 2: VĐV phải ý thức được trách nhiệm

Ông Đỗ Đình Kháng (ảnh) đã trò chuyện với SGGP Thể Thao về công tác doping với môn cử tạ mà ông phụ trách. Đây là một trong những môn được nhiều người quan tâm, đặc biệt là trong công tác kiểm tra doping…

Kỳ cuối: Không sát sao không được ảnh 2

* Cử tạ là môn được quan tâm đáng kể, hàng năm, ông có thể cho biết chúng ta sẽ phải làm gì với công tác đảm bảo VĐV không sử dụng chất cấm (doping) do thế giới ban hành?

- Cử tạ là môn có quy định khá nghiêm ngặt về phòng chống chất cấm. Bình thường do chi phí, chúng ta không thể kiểm tra thường xuyên VĐV bằng lấy mẫu thử. Tuy nhiên, hàng năm, chúng tôi đều phải có báo cáo với Liên đoàn Cử tạ thế giới về những VĐV của mình. Nghĩa là, VĐV của chúng ta gồm những ai sẽ tập huấn ở quốc gia nào. Khi nắm được thông tin trên, Liên đoàn Cử tạ thế giới có thể kiểm tra lấy mẫu thử bất ngờ tại điểm tập huấn thông qua sự giám sát của các chuyên gia.

* Tại Olympic London 2012, VĐV cử tạ Việt Nam có phải lấy mấu thử hay không?

- Chuẩn bị cho năm 2012, VĐV Trần Lê Quốc Toàn đã được tập huấn tại Bulgaria và lúc đó cháu đã được Liên đoàn Cử tạ thế giới lấy mẫu kiểm tra ở địa điểm trên. Tới khi có mặt thi đấu tại Olympic 2012, Toàn cũng được lấy mẫu thử. Kết quả đều âm tính. Theo tôi biết, việc chọn VĐV hoàn toàn là ngẫu nhiên chứ cử tạ thế giới không chỉ định ai cả.

* Ông có thể chia sẻ ở sự chuẩn bị Olympic 2016 này, một số VĐV sẽ được lấy mẫu thử hay không?

- Các VĐV không lấy mẫu thử lúc này vì tất cả vẫn đang tập luyện. Khi tới Brazil trước thi đấu, việc lấy mẫu thử kiểm tra là do Ban tổ chức quy định.

* Các giải cử tạ thế giới đều có VĐV dính doping bị phát hiện. Cử tạ Việt Nam từng có trường hợp Hoàng Anh Tuấn cũng dính doping. Theo ông, chúng ta đã rút ra bài học gì từ những trường hợp trên?

- Đó là điều đáng tiếc. Việc rút kinh nghiệm cũng như giáo dục ý thức cho VĐV là điều mà chúng tôi vẫn luôn thực hiện. Nhưng mọi người phải thấy rằng, VĐV từ cơ sở đi lên luôn phải ý thức bản thân mình. Tại cơ sở, nhiều bác sĩ có khi cho VĐV uống thuốc (trong chữa chấn thương hay hồi phục) không đảm bảo và khi lên tập trung đội tuyển mà không chia sẻ thì rất khó kiểm soát. Tuy nhiên, chúng tôi luôn có sự giám sát chặt chẽ cũng như để VĐV phải ý thức nghề nghiệp ở việc mình đang làm.

* Còn tại các cuộc đấu ở giải quốc gia thì sao thưa ông?

- Đúng là chưa lần nào kiểm tra doping. Vì điều này là thuộc Trung tâm Doping và Y học thể thao nên công tác lấy mẫu vẫn chưa thể.

MINH CHIẾN (thực hiện)

Không kiểm tra doping trong nước

Lấy mẫu thử và thực hiện kiểm tra mẫu thử ấy sẽ khá tốn kém. Mỗi mẫu trên tiêu tốn không dưới 300 USD/mẫu. Nguyên do, chúng ta phải gởi mẫu ra nước ngoài để thử (gần nhất có Trung Quốc, Nhật Bản…). Tuy nhiên, từng phòng kiểm tra doping (đủ tiêu chuẩn của WADA) tại từng quốc gia ở châu Á có chi phí giá thành khác nhau. Đây là nguyên nhân quan trọng để nhiều giải vô địch quốc gia ở các môn thể thao tại Việt Nam không làm công tác kiểm tra doping.

Trên thực tế, những người làm chuyên môn đều biết, không loại trừ khi kiểm tra, nhiều “cú sốc” gây tác động mạnh tới dư luận. Những môn được quan tâm đặc biệt như bóng đá, bóng chuyền, điền kinh, bơi lội, cử tạ, xe đạp… thi đấu trong nước vẫn chỉ được biết kết quả qua chỉ số ghi nhận và VĐV có trong sạch hay không thì không ai rõ.

Lần gần nhất một giải quốc gia có tổ chức lấy mẫu thử kiểm tra doping là Đại hội TDTT toàn quốc 2014. BTC cùng Tổng cục TDTT đã thông báo cụ thể từ ban đầu là lấy 30 mẫu thử nhưng chỉ định cụ thể VĐV ở trong 4 môn gồm điền kinh (10 mẫu), cử tạ (5 mẫu), bơi lội (10 mẫu), TDDC (5 mẫu). Các mẫu trên sau khi mang ra nước ngoài kiểm tra đều cho kết quả âm tính. Tuy vậy, việc thử và định sẵn trước như vậy đã không mang lại tính bất ngờ dù không ai mong mẫu thử phải dương tính thì việc kiểm tra mới là thành công.

NGUYỄN ĐÌNH

Tin cùng chuyên mục