Khúc cua tử thần

Khúc cua tử thần

Khi VPF ra đời, người ta kỳ vọng công ty này sẽ tạo ra bước ngoặt cho bóng đá Việt Nam. Càng về sau lại càng thấy, cái bóng của các ông bầu quá lớn. Lớn đến mức, nếu chẳng nghe các ông lên tiếng thì lại không biết VPF đang và sẽ làm gì để tạo nên bước ngoặt. Không khéo, cứ tình trạng xếp hàng mà chạy kiểu này, đang có một khúc cua tử thần trước mặt VPF.

Dư luận đã từng đánh giá, việc VPF “tấn công” vào địa hạt truyền hình như là một trong những công việc chủ đạo của mình ở bước đầu đã cho thấy cái bóng của các ông bầu lớn hơn quyền lực thật sự của VPF. Việc bản quyền truyền hình đúng là có quan trọng nhưng lại hoàn toàn có thể điều chỉnh vào thời điểm khác. AVG vẫn giúp cho bóng đá có thêm thời gian trên truyền hình suốt năm vừa rồi kia mà, tức là chưa đến mức phải xử lý ngay.

Mùa bóng mới sắp khởi tranh, có nhiều việc quan trọng cần VPF giải quyết hơn là vấn đề bản quyền truyền hình. Ảnh: Quang Minh

Mùa bóng mới sắp khởi tranh, có nhiều việc quan trọng cần VPF giải quyết hơn là vấn đề bản quyền truyền hình. Ảnh: Quang Minh

Việc quan trọng của VPF đó là cho ra một lộ trình hoặc một kiểu như “cương lĩnh hành động” nhằm đưa ra một cái nhìn xán lạn hơn về bóng đá Việt Nam. Nếu các trận đấu được nâng cấp, khán giả đến sân nhiều hơn, mọi người quan tâm đến bóng đá nội hơn, lúc đó, gây sức ép với AVG cũng không muộn nếu không nói, chính khi ấy VPF mới thực sự “nắm đằng chuôi”.

Đằng này, ngay cả bộ máy tổ chức của VPF còn chưa hoàn thiện. Tất cả cũng chỉ mới là những lời hứa và khổ nỗi, khi lời hứa chưa lâu thì các CLB của những ông bầu “khởi nghĩa” lại “văng” khỏi Cúp Quốc gia sau những trận đấu có vấn đề, gây phản ứng trong khán giả. Vấn đề nằm ở chỗ đó. Các ông bầu có thể tự hào về tiềm lực tài chính, năng lực kinh doanh nhưng sự thật là trong bóng đá, những gì diễn ra trên sân mới là quan trọng.

Và sân cỏ Việt Nam thì dù chưa bắt đầu thực sự, đã nóng như thiêu đốt. Hai trọng tài bị “trảm”, 3 trận đấu có chuyện. Chừng ấy thôi cũng đủ để dự báo mùa tới, khốc liệt vô cùng. Một người có thâm niên trong làng bóng Việt Nam nhận xét: “Làm gì thì làm, rốt cuộcngười ta cũng đá bóng để có thành tích. Mà đã như thế, phải căn cứ trên thực tế để xứ lý chứ không thể nói khơi khơi là phải thế này, phải thế kia”. Nghe thật chí lý.

o0o

Thật ra, không thể trông đợi có cái gì đó chuyển biến to tát trong năm đầu tiên của “đế chế” VPF, bởi bóng đá Việt Nam vốn phức tạp triền miên và VPF ra đời cũng chẳng phải do xu thế của thời cuộc mà là kết quả của một quá trình tích tụ bức bối. Phải thấy như vậy để tự hạ bớt kỳ vọng nơi công ty này.

Hơn thế, VPF chưa có thấy những điều chỉnh có lý nào. Việc giảm quo-ta ngoại binh, tăng cầu thủ trẻ là kiểu làm mang tính đường dài. Ngược lại, chẳng ai thấy VPF nói về chuyện cách gì để tăng khán giả, những biện pháp kích thích sự thi đấu sáng tạo hơn thông qua thể thức thi đấu hay giải thưởng. Hô hào bóng đá sạch mà quên mất việc phải tìm ra chỗ nào “bẩn” để làm sạch trước chứ không thể nói chung chung như vậy. VPF quên mất rằng, cứ trận nào đá căng, nhiều pha bóng quyết liệt giữa 2 đội là các CLB lại bảo đó là do “đá sạch”!

Ngay như việc xử 2 trọng tài mới đây cũng thế. Xử thì không khó nhưng nếu thẳng tay thì dám Việt Nam sẽ không còn trọng tài giỏi để thổi tại giải Ngoại hạng. Cúp Quốc gia thuộc dạng “đá chơi chơi” mà còn gặp vấn đề trọng tài thì đừng nói gì đến Ngoại hạng. Xin nhớ là nền tảng của các CLB không như nhau, mục đích của các CLB cũng chẳng giống nhau.

Đấy là chưa nói, việc các ông bầu tham gia vào công tác tại VPF cũng khiến không ít lời dị nghị bởi chẳng đâu như ở ta, có chuyện “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Không bi quan, nhưng nếu cứ nói mà không có cái gì cụ thể thì quá khó cho VPF.

Hồ Việt

Tin cùng chuyên mục