Khu vực bắn súng của Trung tâm HLTTQG Hà Nội: Hàng chục tỷ đồng sắp biến thành phế liệu

Lẽ ra giải bắn súng trẻ quốc gia 2009 vừa khai mạc sáng qua (3-8) có đến 16 nội dung bắn đĩa bay, thế nhưng, những người có mặt tại giải đã tá hỏa khi các nội dung này không thể thi đấu. Lý do sau trận mưa lớn hồi tuần trước, 2 hầm bắn đĩa bay ở Trung tâm HLTTQG Hà Nội lại bị ngâm trong nước thêm một lần nữa khiến toàn bộ hệ thống bắn đĩa bay có giá trị hàng chục tỷ đồng đã biến thành phế liệu...
Khu vực bắn súng của Trung tâm HLTTQG Hà Nội: Hàng chục tỷ đồng sắp biến thành phế liệu

Lẽ ra giải bắn súng trẻ quốc gia 2009 vừa khai mạc sáng qua (3-8) có đến 16 nội dung bắn đĩa bay, thế nhưng, những người có mặt tại giải đã tá hỏa khi các nội dung này không thể thi đấu. Lý do sau trận mưa lớn hồi tuần trước, 2 hầm bắn đĩa bay ở Trung tâm HLTTQG Hà Nội lại bị ngâm trong nước thêm một lần nữa khiến toàn bộ hệ thống bắn đĩa bay có giá trị hàng chục tỷ đồng đã biến thành phế liệu...

Sự tắc trách đáng kinh hãi

Toàn bộ hầm bắn đĩa bayđã hư hỏng nặng sau khi bị ngập. Ảnh: Quang Thắng

Toàn bộ hầm bắn đĩa bayđã hư hỏng nặng sau khi bị ngập. Ảnh: Quang Thắng

Để xây dựng hệ thống trường bắn đĩa bay, hồi năm 2002, Ủy ban TDTT (cũ) đã thành lập hẳn một Ban tư vấn đi thăm thú, khảo sát tại các trường bắn đĩa bay hiện đại ở Trung Quốc, Thái Lan... để về nghiên cứu việc xây dựng. Thế nhưng, có lẽ do thăm nhiều hơn khảo sát nên các “chuyên gia tư vấn” này đã “quên” một điều hết sức sơ đẳng là chống ngập.

Trong khi các hầm bắn đĩa bay thuộc trường bắn ở các nước thường được xây dựng trên đồi, nhưng Việt Nam (đặc biệt là ở Trung tâm HLTTQG Hà Nội) lại xây ngầm… dưới mặt ruộng! Hậu quả là trong đợt ngập lịch sử hồi cuối năm 2008 tại Hà Nội đã khiến cả 30 máy bắn đĩa bay trị giá khoảng 11 tỷ đồng bị hỏng toàn bộ thiết bị điện tử như máy tính, cáp quang…

Sau đó, lãnh đạo Trung tâm HLTTQG Hà Nội đã cho tháo những bộ phận rời để đưa vào sấy khô cả tháng trời nên đã có thể tạm sử dụng được, nhưng chỉ là hoạt động thủ công để tổ chức giải bắn súng Đông Nam Á 2008 và giải bắn súng doanh nhân. Tuy nhiên mới đây, trận mưa đầu mùa dù lượng nước kém xa năm ngoái, nhưng cũng đủ khiến 2 hầm bắn đĩa bay này tái ngập lần nữa. Và hậu quả lần này nặng nề hơn nhiều: 30 máy bắn đĩa bay trị giá gần 11 tỷ đồng hỏng hoàn toàn, và xem như đã thành sắt vụn. Muốn khôi phục lại hệ thống bắn đĩa bay này sẽ phải tốn khoảng 1 triệu USD tiền thiết bị mua mới (hơn 18 tỷ đồng), cùng với việc xây mới 2 hầm bắn đĩa bay (nhằm chống ngập) cũng tốn nhiều tỷ đồng.

Một số người có trách nhiệm thì đổ lỗi vì hệ thống thoát nước tại khu vực này quá kém nên mưa nhỏ mà trung tâm đã trở thành... đầm lầy. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra, đã bị ngập một lần và suýt hư hỏng toàn bộ thiết bị, nhưng sao lãnh đạo trung tâm HLTTQG Hà Nội vẫn không có biện pháp phòng ngừa? Và hậu quả hàng chục tỷ đồng biến thành sắt vụn như thế, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Tiền đâu mà làm mới?

Hiện nay, Bộ môn bắn súng thuộc Tổng cục TDTT Việt Nam, cũng như lãnh đạo Trung tâm HLTTQG Hà Nội đang lập dự án để xây mới cả 2 hầm bắn đĩa bay trap và skeet, cùng việc mua thêm trang thiết bị, nhưng theo báo giá sơ bộ của hãng Spieth (Đức) thì riêng hệ thống máy phóng đĩa bay, hệ thống điện tử đã tốn kém khoảng 1 triệu USD.

Số máy bắn đĩa bay trị giá hàng chục tỷ đồng được phơi nắng, nhưng trông như đống phế liệu. Ảnh: Q. Th.

Số máy bắn đĩa bay trị giá hàng chục tỷ đồng được phơi nắng, nhưng trông như đống phế liệu. Ảnh: Q. Th.

Đó còn chưa kể tới tiền xây dựng 2 hầm mới cao hơn để tránh ngập cũng sẽ tốn kém nhiều tỷ đồng mà chưa biết bao giờ có kinh phí. Trước mắt, đội tuyển bắn đĩa bay gồm các tuyển thủ từng nhiều lần vô địch SEA Games và Đông Nam Á sẽ phải tập chay vô thời hạn. Vừa qua, Tổng cục TDTT kết hợp với Sở VH-TT-DL Hà Nội đã cử dội tuyển bắn đĩa bay đi tập huấn 2 tháng tại Thái Lan, nhưng khi vừa về nước thì xảy ra chuyện lớn này.

Sau 2 lần ngập nước, toàn bộ hệ thống bắn đĩa bay tại Nhổn xem như đã thành sắt vụn, việc sửa chữa không khả thi vì hãng sản xuất đã chuyển sang chế tạo các thiết bị đời mới hơn, nên không còn phụ tùng thay thế.

Theo đánh giá, dù có còn tốt đi nữa thì hệ thống này cũng phải nâng cấp khá tốn kém để cập nhật những thay đổi hiện đại của luật bắn súng quốc tế. Tuy nhiên, số tiền quá lớn để trang bị mới chưa biết đào đâu ra, vậy nên môn bắn đĩa bay Việt Nam (từng có VĐV giành 3 HCV SEA Games 22 và 2 HCV ở giải vô địch Đông Nam Á 2009) đang đứng trước nguy cơ giải thể vì sự tắc trách đến kinh hãi của những người  có trách nhiệm.

THANH PHONG

Tin cùng chuyên mục