Bóng đá ở Mỹ

Không phải là cuộc dạo chơi cho Beckham

Không phải là cuộc dạo chơi cho Beckham

Đến với Los Angeles Galaxy, nghĩa là David Beckham sẽ trở thành hàng xóm của tài tử điện ảnh Tom Cruise. Đó là một ý tưởng hay! Tuy nhiên, cái ý tưởng đưa bóng đá lên cùng đẳng cấp với bóng đá… Mỹ, bóng chày và bóng rổ dường như là “Điệp vụ bất khả thi” (tên bộ phim lừng danh của điện ảnh Hollywood do Tom Cruise thủ vai chính). Và Beckham dù là bạn thân của Tom Cruise cũng đừng mong có một cuộc dạo chơi (cruise – cuộc dạo chơi – cách chơi chữ của báo giới Mỹ) thảnh thơi cùng bóng đá trên đất Mỹ.

Không phải là cuộc dạo chơi cho Beckham ảnh 1
Tin tức về Beckham được đăng to tướng trên tờ New York Times.

Cầu thủ nổi tiếng nhất thế giới này cho biết anh đến Mỹ không phải vì tiền (cho dù bản hợp đồng 250 triệu USD trong 5 năm của anh với LA Galaxy là khoản tiền lớn nhất trong bóng đá thế giới).

Anh đến đây là để khuyến khích cho giới thanh thiếu niên Mỹ chuyển sang chơi và cổ động cho bóng đá thay vì cứ đắm mình vào những môn thể thao truyền thống của đất nước này. Đó là một mục tiêu mà nếu Beckham muốn “ghi bàn”, anh sẽ phải chiến đấu một cách cật lực.

Khi những cầu thủ bóng đá vĩ đại như Pele, Franz Beckenbauer, Johan Cruyff và George Best – tất cả họ đều là những cầu thủ giỏi hơn Beckham (chắc chắn) – đến với giải nhà nghề Bắc Mỹ (NASL) vào thập niên 70, sự hứng thú của khán giả đã lan toả khắp nơi. Nhưng sự hứng thú ấy đã không đi được đến cuối đoạn đường và NASL phải đóng cửa vào năm 1985.

Ông Milan Mandaric – người đã mang George Best đến với câu lạc bộ San Jose Earthquakes hồi năm 1974 – cho biết: “Tôi đã từng là một phần của giải nhà nghề Bắc Mỹ trong 10 năm và là một trong những thành viên sáng lập giải đấu này – khi người ta muốn giới thiệu bóng đá đến đông đảo người dân Mỹ. Chúng tôi có rất nhiều siêu sao ở thời điểm đó. Tất cả họ đều là những tên tuổi vĩ đại hơn Beckham và chúng tôi cũng vẫn không thành công”.

Ông Mandaric – một thương gia người Mỹ gốc Serbia, Chủ tịch của câu lạc bộ Portsmouth tại Premier League – tin rằng việc chi trả những khoản tiền khổng lồ để mang các ngôi sao về với giải nhà nghề Mỹ (MLS) không phải là cách thức đúng đắn để sản sinh ra sự phát triển của giải đấu này ở thời điểm hiện tại: “Họ đã chọn sai đường. Chúng tôi cũng đã từng cố gắng theo cách ấy và thất bại. Một cái tên trong một đội bóng không thể tạo ra cả một giải đấu. Người ta sẽ chỉ chú ý và hứng thú một lần, sau đó, người ta thấy sẽ chán nản”.

Trong khi chuyến hành trình của Beckham đến Mỹ sẽ gây sự hứng thú với một bộ phận của thế hệ trẻ và có thể thu hút thêm nhiều cổ động viên nữ, vẫn còn một lượng rất lớn cổ động viên thể thao rất khó bị thuyết phục. Steve Hunt – cựu cầu thủ quốc tế người Anh, người từng chơi 3 mùa bóng ở Cosmos với Pele và Beckenbauer – khẳng định: “Không ai có thể thay đổi được các cổ động viên nam người Mỹ, những người chỉ biết khao khát với bóng đá Mỹ, bóng rổ hay bóng chày. Một đại bộ phận lớn chưa hề nghe cả đến tên Beckham”.

Trong mấy ngày gần đây, khi các cuộc phỏng vấn Beckham từ Madrid được phát sóng trên các kênh truyền hình và truyền thanh nước Mỹ, chẳng có mấy người Mỹ nghe được giọng của anh. Beckham cũng không phải là một người giỏi nói chuyện khi cái micro chĩa thẳng vào người. Các phóng viên rất khó tìm ra cách thích hợp để tạo nên một buổi phỏng vấn mỹ mãn.

Mọi chuyện là rất “tuyệt vời” với Beckham. Điều đó, do vậy, không thể giúp Beckham trong công cuộc truyền bá bóng đá đến nước Mỹ. Và người ta cũng sẽ phải chờ rất lâu mới thấy được những đường chuyền dài kinh điển từ khoảng cách giữa sân của anh.

“Pele thay đổi mọi thứ khi ông ấy đến. Đột nhiên, người ta bán được đến 78 ngàn vé”, ông Hunt cho biết: “Nhưng ở năm 1982, năm cuối cùng của tôi, Pele đã đi và mọi thứ đều đi xuống. Ngay cả Pele lẫn World Cup 1994 cũng không khiến dân Mỹ hứng thú dài lâu với bóng đá. Tôi lo rằng trường hợp này cũng sẽ đến khi Beckham kết thúc 5 năm ở đây”.

Hay là ngay chỉ với 5 tháng anh bắt đầu?

TIỂU PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục