Không dễ thêm những Công Phượng…

Một trong những lý do khiến nhiều người không thể “nuốt trôi” được thất bại tại SEA Games 29, là bóng đá Việt Nam đang có thế hệ quá tốt của những Công Phượng, Xuân Trường… nhưng không đoạt HCV!
Lứa Công Phượng còn thời gian
Cách nhìn ấy không sai nhưng lại thiếu toàn diện. Thứ nhất, thất bại tại SEA Games 29 không có nghĩa là lứa cầu thủ ấy mất hết mọi cơ hội thành công. Phía trước họ còn con đường rất dài, rất quan trọng ở cấp độ đội tuyển quốc gia để chinh phục.
Thứ hai, nhóm cầu thủ này dù có xuất sắc thế nào đi nữa, cũng có thể bị thất bại ở những thời điểm cụ thể, và điều đó không phản ảnh đúng những tồn tại cần khắc phục của nền bóng đá. Cuối cùng, không ai đánh giá triển vọng, tương lai của một nền bóng đá chỉ dựa trên nhóm cầu thủ có năng lực nổi trội nào đó.
Không dễ thêm những Công Phượng… ảnh 1 Công Phượng đang là cầu thủ gây sức hút mạnh nhất hiện nay. Ảnh: HOÀNG HÙNG                                                      
Thực tế chứng minh, chức vô địch AFF Cup 2008 của bóng đá Việt Nam là thành công của một đội tuyển được tổng hòa từ nhóm cầu thủ “thế hệ 2003” và những đồng đội khác trưởng thành từ môi trường V-League ở giai đoạn phát triển tốt nhất của giải đấu này.
Đó là một tập thể được sàng lọc dữ dội qua các biến cố như SEA Games 2005 cũng như thành công tại Asian Cup 2007. Tập thể đó cũng là tinh hoa đến từ 14 CLB khác nhau, ở các độ tuổi khác nhau. Nói như vậy để thấy, điều quan trọng không phải là chúng ta sở hữu một nhóm cầu thủ xuất sắc mà là phải có nhiều nhóm cầu thủ như vậy được sàng lọc qua những môi trường thi đấu cụ thể.
Thế nên, cái cần quan tâm mổ xẻ không phải là vì sao U.22 thất bại ở SEA Games 29, mà là làm sao để có thêm những Công Phượng, Xuân Trường… ở các độ tuổi thấp hơn. 
Làm bóng đá trẻ cần kiên nhẫn 
Bóng đá Việt Nam đang có lứa cầu thủ dự U.20 World Cup, nhưng chừng đó cũng là chưa đủ. Quá trình đào tạo trẻ của bóng đá Việt đang rất khả quan nhưng vẫn chưa đủ.
Ví dụ như “lò” HA.GL- Arsenal, sau lứa Công Phượng cũng chưa tìm được đàn em cùng chất lượng. Các “lò” đào tạo tư nhân như PVF hay Hà Nội liên tục thắng lớn ở các giải trẻ nhưng cùng lúc đó, những trung tâm danh tiếng một thời như SLNA, Đồng Tháp hay Viettel lại hoạt động sa sút, không sản sinh ra những lứa cầu thủ tốt hơn trước.
Nói cách khác, hệ thống đào tạo trẻ vẫn chưa phát triển ổn định, đồng đều. Điều này cho thấy thực tế: “Đầu vào” của bóng đá Việt đang có vấn đề. Số lượng “tài năng nhí” không tăng, chỉ là chuyển dời từ “lò” này sang “lò” khác…
Nguồn gốc sâu xa đến từ sự sụt giảm mối quan tâm của toàn xã hội đối với bóng đá. Người dân ít xem bóng đá nội, lẽ tự nhiên sẽ không khuyến khích con em đi vào sự nghiệp “quần đùi- áo số”. Làng cầu nội địa thiếu sức hút, tương lai cầu thủ bấp bênh, làm sao có thể duy trì lâu dài và chất lượng các lò đào tạo khi đầu vào lẫn đầu ra đều kém chất lượng. 
Càng sa đà vào việc chỉ trích, càng quan trọng hóa thất bại ở SEA Games 29, càng nuối tiếc cho lứa Công Phượng, Xuân Trường… sẽ càng dễ bị chệch hướng. Làm bóng đá trẻ cần nhất sự kiên nhẫn.
Để có thêm những Công Phượng, Xuân Trường…, phải bằng hành động cụ thể ở việc quảng bá hình ảnh, tuyển chọn cầu thủ, kết nối giữa đào tạo và thi đấu cũng như bằng mọi giá, phải nâng cấp nhanh chóng chất lượng của V-League.

Tin cùng chuyên mục