Khởi động một giấc mơ

Đấu trường Olympic danh giá là đích ngắm của kình ngư Nguyễn Diệp Phương Trâm trong chuyến tu nghiệp kéo dài đến 9 năm ở xứ cờ hoa. Hôm qua 3-6, Tổng cục TDTT, Sở VH-TT TPHCM và Công ty NutiFood đã làm lễ tiễn cô trò Phương Trâm lên đường, bắt đầu cuộc hành trình gian khó nhưng chất chứa đầy kỳ vọng…

Kình ngư Phương Trâm sang Mỹ tu nghiệp

Đấu trường Olympic danh giá là đích ngắm của kình ngư Nguyễn Diệp Phương Trâm trong chuyến tu nghiệp kéo dài đến 9 năm ở xứ cờ hoa. Hôm qua 3-6, Tổng cục TDTT, Sở VH-TT TPHCM và Công ty NutiFood đã làm lễ tiễn cô trò Phương Trâm lên đường, bắt đầu cuộc hành trình gian khó nhưng chất chứa đầy kỳ vọng…

Khởi động một giấc mơ ảnh 1

Lãnh đạo Tổng cục TDTT, Sở VH-TT TPHCM và NutiFood trong buổi lễ tiễn Phương Trâm lên đường. Ảnh: Dũng Phương

Nói như bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt - Phó Chủ tịch HĐQT của NutiFood - chuyến xuất ngoại của kình ngư Phương Trâm mang theo nhiều hoài bão, vì điều đó mở ra một tiền lệ cho cuộc xã hội hóa toàn diện vì danh tiếng của bơi lội nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung. Tổng cục TDTT, bộ môn bơi lội TPHCM và công ty NutiFood sẽ dõi theo những bước tiến của cô trong suốt quá trình tập huấn và thi đấu ở Mỹ kể từ hôm nay. “Tôi chỉ mong Phương Trâm sớm thành tài và làm rạng danh cho thể thao nước nhà, đồng thời trở thành một cô gái bản lĩnh, là biểu tượng về nghị lực cũng như lối sống của giới trẻ Việt Nam. Vì điều đó, sự nỗ lực và ý chí vươn lên là những yếu tố quan trọng nhất giúp Trâm bước vào cuộc thử thách thực sự”, bà Nguyệt nhấn mạnh.

Olympic đương nhiên là đấu trường mà Phương Trâm tập trung hướng đến, nhưng sơ khởi vẫn là cải thiện thành tích, nâng cao chuyên môn lẫn thể lực để tìm kiếm HCV lần lượt ở các đấu trường SEA Games, Asian Games, giải vô địch châu Á và thế giới, trước khi nghĩ đến chuyện tạo cú đột phá thực sự vào Olympic.

Với kinh phí đầu tư từ NutiFood (khoảng 2 tỷ đồng/năm), Phương Trâm sẽ được dẫn dắt bởi các chuyên gia hàng đầu tại CLB bơi lội Pleasanton Seahawks (Bắc California). Tất nhiên, bên cạnh đó cô còn được Sở VH-TT TPHCM hỗ trợ về nhiều mặt, trong đó có cả kinh phí thuộc chương trình đầu tư cho tài năng đặc biệt. Chưa kể, Tổng cục TDTT hôm qua cũng khẳng định tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho Phương Trâm vì cô đang thuộc biên chế ở Đội tuyển quốc gia, đồng thời cũng nằm trong nhóm VĐV tài năng đặc biệt mà ngành đang đầu tư dài hạn cho Olymic 2024.

Cam kết đồng hành cùng NutiFood và Sở VH-TT TPHCM trong nỗ lực chăm lo cho Phương Trâm, Tổng cục TDTT thậm chí còn bày tỏ thiện chí đối với gia đình của VĐV nhằm giúp xóa tan mối quan ngại về tương lai của cô. Đấy là liệu pháp tinh thần cần thiết, nhất là khi Phương Trâm còn khá nhỏ tuổi, chưa quen với cảnh sống xa gia đình, cha mẹ trong một thời gian dài như thế.

Ở Mỹ, Phương Trâm ngoài việc thực hiện các giáo án chuyên môn với khối lượng nặng, sẽ được thi đấu thường xuyên tại các giải nội bộ, giải liên bang hoặc theo chỉ định của các chuyên gia của CLB Pleasanton Seahawks. Mỗi năm, Phương Trâm sẽ trở về Việt Nam thi đấu khoảng 2 giải, đồng thời cùng đội tuyển bơi lội dự tranh các sự kiện quan trọng cấp khu vực, châu lục và thế giới, nhưng không bắt buộc phải trở về tập trung dài ngày.

 NutiFood đã tưởng thưởng cho thành tích giành 19 HCV ở giải bơi các nhóm tuổi Việt Nam 2016 của Phương Trâm với số tiền 2.000 USD, đồng thời thưởng cho HLV Thu Trang 1.000 USD trong buổi tiễn cô trò họ lên đường sang Mỹ tập huấn. Ngoài ra, bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt còn tặng cho cô trò Phương Trâm cuốn “Cẩm nang dinh dưỡng cho VĐV bơi lội” do chính các chuyên gia của NutiFood biên soạn riêng cho Phương Trâm, trong đó có những chỉ dẫn cụ thể về chế độ dinh dưỡng hàng ngày nhằm giúp VĐV phát triển về thể lực, thể hình…

THANH LÂM


HLV Võ Thị Thu Trang: Áp lực chính là động lực


Giống như “bảo mẫu” của cô học trò Nguyễn Diệp Phương Trâm trong chuyến tập huấn dài hạn ở Mỹ, HLV Thu Trang thừa nhận trách nhiệm của mình là rất lớn, vì Trâm chính là tài sản không chỉ của bơi lội TPHCM mà còn của cả nước nhà…

HLV Thu Trang (giữa)  Ảnh: Nhật Anh

° Chị có cảm thấy áp lực với trách nhiệm lớn đối với sự nghiệp của cô học trò Phương Trâm?

- Cũng có, nhưng tôi lại nghĩ rằng điều đó lại là động lực buộc cô trò chúng tôi phải nghiêm túc hơn trong tập luyện và sinh hoạt ở xứ người. Phía sau là sự kỳ vọng lớn của ngành TDTT, của TPHCM, công ty NutiFood cũng như của người hâm mộ, thế cho nên mọi thứ phải thật chỉnh chu và cả cô lẫn trò cùng xác định luôn nỗ lực hết mình để không phụ lại sự trông đợi của tất cả.

° Ngoại ngữ vốn là trở ngại đối với các HLV và VĐV Việt Nam, chị giải quyết vấn đề này ra sao?

- Nếu chỉ tập trung cho công tác huấn luyện chuyên môn, tôi nghĩ là mình ổn. Tuy nhiên, tập huấn ở Mỹ và hàng ngày phải giao tiếp với các chuyên gia nước ngoài thì đương nhiên cả cô lẫn trò phải lao vào học tiếng Anh cho tốt. Phương Trâm nghe tốt, nhưng vẫn còn ngại giao tiếp, thành thử ngoài việc hoàn thành các giáo án trong ngày, cháu cần nỗ lực hơn trong chuyện học ngoại ngữ lẫn văn hóa. Trâm cũng sẽ về nước để thi học kỳ giống như chương trình mà đàn chị Nguyễn Thị Ánh Viên đang thực hiện.

° Chuyến đi này khá dài và chị phải để lại cả gia đình nhỏ phía sau. Điều đó có khiến chị băn khoăn?

- Tôi may mắn là được chồng ủng hộ, con cái cũng động viên nhiều, và bản thân cũng xác định đây là nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp của mình nên tôi đã thu xếp ổn thỏa mọi thứ. Đôi khi, để thành công trong thể thao, con người ta cần phải biết gác lại những thú vui và biết cách điều chỉnh sinh hoạt của bản thân.

° Ở Mỹ, Phương Trâm sẽ tập trung chuyên biệt cho cự ly nào thưa chị?

-Bây giờ thì chưa, bởi lẽ Trâm còn ở lứa tuổi nhỏ, cần phải tập nhiều cự ly bơi, từ tự do, ngửa, bướm cho đến ếch, đồng thời tích lũy thể lực và phát triển thể hình để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển cao hơn trong một vài năm tới. Nếu ép Trâm vào một cự ly thì có thể không khai thác hết tiềm năng của VĐV.

° Xin cảm ơn chị.

LÊ QUANG (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục