Khó chịu thật!

Nếu công việc của giải V-League và hạng Nhất đã chuyển giao cho Công ty VPF thì VFF sẽ làm gì? Câu hỏi này vừa dễ mà cũng rất khó trả lời. Nhưng nếu không trả lời được thì sẽ đặt cả làng bóng vào một tình trạng vô cùng khó chịu với sự tồn tại của VFF.

Bảo là dễ bởi gần như VFF chẳng làm gì nhiều cả. Việc tổ chức các giải U hay phong trào, nói thật, các địa phương hay những đơn vị tổ chức như các cơ quan truyền thông cũng làm được cả. Thậm chí, ngay ở giải U-21 Báo Thanh Niên, tự các nhà tổ chức còn thành lập đội tuyển U21 và làm luôn cả giải quốc tế hoành tráng. Trong hệ thống thi đấu cấp quốc gia hiện nay, có lẽ VFF chỉ còn chỉ phải làm Cúp Quốc gia, một giải đấu “sao cũng được”.

Thế nên, việc VPF đảm đương các “trận địa” quan trọng nhất của bóng đá Việt Nam khiến cho VFF có nguy cơ trở thành một nơi “ăn không ngồi  rồi”. Theo thông lệ quốc tế, các liên đoàn quốc gia chủ yếu là lo cho các đội tuyển quốc gia, một việc không hề nhẹ nhàng. Thế nhưng, cứ chiếu theo kế hoạch năm 2012 vừa được VFF công bố thì chẳng hiểu VFF có những hoạt động gì? Cơ ngơi thật to ngoài Mỹ Đình, Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ để làm gì?

Nhưng cũng thật khó trả lời cho những câu hỏi trên. Tất nhiên, dư luận không yêu cầu các vị ấy phải từ chức nếu họ dám nhận trách nhiệm và chứng minh nếu ngồi lại thì sẽ làm được vô số việc cho bóng đá nước nhà. Đằng này, đếm tới đếm lui, VFF chẳng còn bao nhiêu việc khi đã bàn giao hết cho xã hội và “bắt” xã hội chịu trách nhiệm về thất bại tại SEA Games 26.

o 0 o

Chính vì thế, sẽ rất khó chịu khi chưa trả lời xong câu hỏi “VFF sắp đến sẽ làm gì?” mà một loạt quan chức của tổ chức này lại chuyển sang làm cho VPF. Nếu nói VFF chẳng làm gì cả thì hóa ra, sang VPF là để “có việc mà làm sao?”. Còn nếu VFF có khối việc để làm ở cấp độ đội tuyển hay chiến lược phát triển vĩ mô thì họ sang VPF để làm gì cho mất tập trung. Đấy là chưa nói, mang tiếng là VFF chứ quanh đi, quẩn lại cũng chẳng có ai khác. Nghĩa là hoặc VFF khá rỗi việc hoặc tổ chức này thừa người ngồi không, thiếu người làm việc.

Theo chúng tôi, với sự tinh giảm khá lớn tại VFF hiện nay, họ còn không đủ người để theo đuổi vài công việc hệ trọng khác thay vì phải lao tâm khổ tứ ở VPF đến mức còn không lên nổi kế hoạch cho các đội tuyển. Từ việc hợp tác quốc tế hòng tạo thêm nhiều trận đấu ở cấp độ đội tuyển, thu hút thêm các nguồn tài chính thông qua thương hiệu đội tuyển cho đến chiến lược phát triển bóng đá trẻ một cách căn cơ hơn, không ai ngoài VFF có thể xúc tiến được việc này với các liên đoàn hoặc cơ quan quản lý địa phương. Nói cách khác, VFF còn vô số việc chưa làm xong.

Mặt khác, khi uy tín họ đang xuống thấp, chẳng hiểu sự có mặt của họ tại VPF tạo được nét tích cực gì? Mấy ai tin ở cương vị mới, họ sẽ làm tốt công việc hay lại cứ “từ từ chuyển đổi công năng”. Thú thật, đến bây giờ vẫn chưa có sức ép nào của dư luận “buộc” VPF phải ra đời thật sớm và tổ chức các giải đấu thật nhanh cả. Bóng đá Việt Nam đã từng có một mùa giải “đá tập huấn” trước khi chuyển sang mô hình chuyên nghiệp, thế thì tại sao cứ phải vội vã khi chưa rành mạch mọi việc.

Cứ như thế này, thì thật là khó chịu!

Hồ Việt

Tin cùng chuyên mục