Khi V-League “không World Cup”

Trong suốt thời gian diễn ra World Cup 2018, V-League không những vẫn thi đấu mà còn ở một mật độ dày đặc hơn. Có đến 6 vòng đấu diễn ra trong hơn 1 tháng World Cup, trung bình cứ 5 ngày cầu thủ sẽ lại ra sân. Như vậy, đây là lần đầu tiên V-League sẽ “không World Cup”.
Sở dĩ có trường hợp này là bởi V-League rơi vào hoàn cảnh không thể hoãn hay lùi lịch thi đấu do những sự kiện quốc tế. Mùa giải V-League 2018 đã phải bắt đầu trễ do vướng Giải U.23 châu Á hồi đầu năm, sắp đến sẽ nghỉ trọn tháng 8 để nhường sân cho đội Olympic tham dự Asiad và V-League buộc phải kết thúc vào tháng 10 để đội tuyển quốc gia tập trung cho AFF Cup và Asian Cup. Nếu phải nghỉ vì World Cup thì sẽ lâm vào cảnh đá dồn sau đó, mọi thứ còn rắc rối hơn.
Việc phải đá V-League trong dịp World Cup đương nhiên gây nhiều hệ lụy. Giới bóng đá đã lên tiếng than phiền bởi chắc chắn là họ sẽ phải bỏ qua nhiều trận đấu đỉnh cao mà 4 năm mới được một lần xem. Mật độ thi đấu như vậy không cho phép cầu thủ thức đêm xem bóng đá. Kế đến, lượng khán giả đến sân và hoạt động truyền thông của V-League ảnh hưởng nghiêm trọng trong khoảng thời gian mà giới hâm mộ chỉ nhắc đến tên những ngôi sao thế giới. Rõ ràng V-League đã “hy sinh” nhiều quyền lợi của mình trong mùa World Cup 2018.
Nhưng xét ở góc độ rộng hơn, có thể xem đây là một bài “test” cho tính chuyên nghiệp cũng như khả năng “vượt khó” của bóng đá nội địa Việt Nam. Thực tế ở những lần ngưng V-League để “nhường sân” cho World Cup, Euro trước đây, cái lợi ít hơn những tác hại. Các kết quả của V-League sau những sự kiện như vậy bị biến động lớn do cầu thủ đánh mất phong độ cũng như thể lực vì thức đêm quá nhiều. Việc để cầu thủ xem bóng đá quốc tế một cách thoải mái cũng là một lý do không thể không đề cập khi nhắc đến chuyện tiêu cực trong các trận đấu V-League sau những sự kiện đó. “Nhàn cư vi bất thiện”, các dịp World Cup, Euro thường thì việc quản lý cầu thủ cũng không thể tốt so với việc tập trung tối đa cho công tác thi đấu như năm nay. Ngay sau World Cup 2018, đội tuyển Olympic sẽ tập trung cho Asiad nên chắc chắn các cầu thủ sẽ phải nỗ lực chứng tỏ mình nhiều hơn để được HLV Park Hang-seo chọn lựa, đó cũng là một động lực không nhỏ để cầu thủ gác đi tiếc nuối không xem World Cup. Tính chuyên nghiệp của cầu thủ Việt Nam sẽ được thử thách trong thời gian này.
Với V-League nói chung cũng vậy. Có tập trung để xem World Cup, thì những gì có thể học được từ sự kiện lớn này cũng chẳng được là bao do sự chênh lệch về đẳng cấp chuyên môn lẫn tổ chức. Trong khi đó, với các khó khăn dễ nhận thấy từ việc đá chung với World Cup, từ các nhà tổ chức cho đến cầu thủ phải nỗ lực nhiều hơn trong thi đấu để giữ lại khán giả cho bóng đá nội địa. Khả năng “mất” khán giả là rất rõ ràng, nhưng nếu không để sụt giảm quá nhiều, đó sẽ là thành công của bóng đá Việt Nam. Bởi nói cho cùng, World Cup ở rất xa, trong khi Asiad, AFF Cup đã vô sát ngay bên cạnh.
Hy vọng, “nỗi khổ” của giới bóng đá Việt Nam sẽ được chia sẻ bởi người hâm mộ để khán đài V-League vẫn nhộn nhịp trong dịp World Cup.

Tin cùng chuyên mục