Hợp nhất võ Việt, chuyện chẳng dễ!

Hợp nhất võ Việt, chuyện chẳng dễ!

Những ngày qua, làng võ Việt Nam và trên diễn dàn của các trang web võ thuật, bỗng tranh cãi ồn ào (thậm chí là đả kích nhau), chỉ vì Bộ GD&ĐT có công văn đề nghị phổ biến môn vovinam rộng rãi trong trường học vào hồi cuối tháng 7 vừa qua. Từ sự việc trên, càng lộ thêm nhiều vấn đề của làng võ Việt.

  • Ai cũng là số 1

Đầu tháng 8 vừa qua, tại Bình Định đã diễn ra Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ 3 với sự góp mặt của hàng ngàn võ sư và võ sinh các môn phái võ Việt cả trong nước lẫn hải ngoại. Chẳng phải tự dưng mà những nhà tổ chức lại đưa liên hoan võ cổ truyền về Bình Định suốt 3 kỳ vừa qua, bởi đấy cũng là cách để những người yêu võ thuật Việt Nam từ khắp nơi trên thế giới có dịp hành hương về miền đất võ, và có thể xem là đất tổ của võ cổ truyền, cũng như để hiểu về một quá trình xây dựng và phát triển võ Việt qua bao thế hệ.

Việc đưa vovinam vô trường học đang gặp nhiều phản ứng từ các môn võ khác của Việt Nam.
Việc đưa vovinam vô trường học đang gặp nhiều phản ứng từ các môn võ khác của Việt Nam.

Cũng tại liên hoan vừa qua, một lần nữa, chuyện hợp nhất các môn võ Việt lại được đặt ra. Và việc đi tới thành lập Liên đoàn quốc tế võ cổ truyền Việt Nam cũng chính là một trong những bước để chuẩn hóa lẫn hợp nhất các môn võ Việt, nhằm có thể phát dương quang đại ở trường quốc tế trong tương lai, như những gì mà vovinam hiện đã và đang bắt đầu làm được. Tuy nhiên, nói thì dễ, còn để làm được điều đó chẳng đơn giản chút nào, nhất là ở các môn phái võ cổ truyền.

Hơn 13 năm trước, những ngày mới bước chân vào làng báo, vì quá bức xúc trước việc ngành thể thao Việt Nam cứ mãi đi phát triển những môn võ của xứ người như wushu, pencak silat, muay... để kiếm thành tích ở “ao làng” SEA Games, người viết đã đi gặp ông Lê Kim Hòa (khi ấy là Chủ tịch Hội Võ cổ truyền TPHCM), cùng một số chưởng môn phái võ cổ truyền đang hoạt động tại TPHCM để nêu câu hỏi: tại sao chúng ta không hợp nhất và chung tay phát triển, nhằm đưa võ Việt ra quốc tế, thay vì cứ lo phát triển võ người?

Thế nhưng, sau những ngày đi tìm hiểu, người viết đã “ngộ” ra lý do tại sao võ cổ truyền chỉ phát triển manh mún và tự phát, chứ không thể thống nhất và phát triển mạnh mẽ như taekwondo, karatedo, judo, wushu... là bởi ở những người đứng đầu các môn phái võ cổ truyền hầu như chẳng ai chịu ai, và ai cũng nghĩ mình là số 1. Đó là một thực trạng, mà ngay chính ông Lê Kim Hòa phải thừa nhận và cho biết rất khó để thống nhất võ Việt, dù ông là người rất tâm huyết và đang làm hết sức vì điều đó.

Cũng vì điều này, nên trong cuộc trò chuyện nhân dịp về Bình Định dự liên hoan võ cổ truyền mới đây, chưởng môn Cửu Long võ đạo Trần Hoài Ngọc (đang hoạt động tại Pháp) đã bày tỏ: “Tôi rất mong võ cổ truyền Việt Nam sẽ ngày càng lớn mạnh hơn nữa trên thế giới. Muốn vậy, các bậc võ sư của những môn phái cần phải ngồi lại cùng nhau để cùng nhau để tìm một sự thống nhất chung, và nhất là phải bỏ qua tất cả những cái tôi cá nhân để đạt được cái mục đích chung là: nâng tầm võ Việt…”

  • Từ Vovinam đến chuyện võ cổ truyền

Ngay tại liên hoan võ cổ truyền quốc tế vừa qua, chuyện vovinam được đưa vào trường học (dù chỉ là ngoại khóa) đã được một số nhân vật chức sắc của võ cổ truyền mang ra bàn tán lúc trà dư tửu hậu, họ cho rằng vovinam không thể đứng ra đại diện cho võ Việt Nam để được quảng bá một cách rộng rãi như thế. Sự phản ứng thậm chí còn được tung hê trên các phương tiện thông tin đại chúng, lẫn trên các diễn đàn điện tử, khiến ông Ngũ Duy Anh – Vụ trưởng Vụ công tác học sinh, sinh viên Bộ GD&ĐT (người đã ký quyết định) cũng phải phát hoảng, nên đã bày tỏ với báo chí rằng, đó chỉ là khuyến khích chứ không bắt buộc...

Từ vấn đề trên, thêm một lần nữa lộ ra sự cục bộ của một số người trong làng võ Việt Nam, và chính cái tư tưởng cục bộ cùng tầm nhìn hạn hẹp ấy là rào cản lớn nhất trong việc kéo chậm sự phát triển của các môn võ Việt, so với những môn võ khác của xứ người, dù ai cũng tự hào về bề dày truyền thống và tuổi đời (không nói về chuyên môn) thì những môn như judo, karatedo, taekwondo, wushu còn lâu mới so được với võ cổ truyền.

Đó là chưa bàn đến việc, hiện nay, với 18 bài quyền thuật-binh khí ứng với 18 cấp đai của môn võ cổ truyền được hợp nhất từ khoảng 40 môn phái, nhưng hiện mới có 10 bài quyền được chuẩn hóa trên toàn quốc, cũng như việc tổ chức các giải quốc tế võ cổ truyền còn quá ít ỏi (2 giải), do chưa chuẩn hóa lẫn quốc tế hóa đúng tầm, càng cho thấy, võ cổ truyền đang tụt hậu so với những môn võ khác của xứ người trong việc phát dương quang đại trên trường quốc tế, thậm chí là so với cả vovinam trong làng võ Việt.

Chừng nào những người làm võ thuật mới mở rộng lòng mình, cũng như hướng đến cái chung để ngồi lại với nhau nhằm nâng tầm võ Việt, thay vì cứ đả phá và ganh ghét nhau như hiện nay, khi ấy võ Việt mới có cơ hội để hợp nhất và phát triển mạnh mẽ.

ĐỖ TUẤN

Tin cùng chuyên mục