Hồi hộp với “nghi án”

Phải đến khi Cục Cảnh sát hình sự (C45) Bộ Công an khẳng định không có chuyện các tuyển thủ U.22 Việt Nam dính vào nghi án bán độ tại SEA Games 29, nhiều người mới thở phào. 
Đội tuyển đã để lại sự nuối tiếc và thất vọng về chuyên môn trong cuộc hành trình mà nhiều người từng tin rằng sẽ đạt đến vinh quang cao nhất, nếu dính vào rắc rối bán độ thật thì chẳng còn gì để cứu vãn, níu kéo tình yêu từ người hâm mộ nước nhà. Cũng may, mọi chuyện trôi đi thật nhẹ nhàng và dù có cảm thấy hơi bị xúc phạm thì các tuyển thủ U.22 Việt Nam cũng chấp nhận điều đấy như một phần của cuộc chơi bóng đá vốn “thật giả lẫn lộn”.
Hồi hộp với “nghi án” ảnh 1 Nghi án đội tuyển U.22 Việt Nam bán độ tại SEA Games 29 khiến nhiều người một phen lo sốt vó. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Thế nhưng, đại đa số VĐV Việt Nam từng dự SEA Games 29 lại đang lo sốt vó và không biết liệu họ có rơi vào tình cảnh tréo ngoe hay không, sau khi nước chủ nhà Malaysia khẳng định “đã có VĐV nước ngoài dính doping”. Mà không chỉ VĐV Việt Nam, các nước như Thái Lan, Indonesia, Singapore, Philippines… đều hồi hộp chờ đợi những cái tên dính doping được niêm yết để bớt đi âu lo, dằn vặt. Đây là chuyện không thể đùa, càng không thể xem nhẹ, nhất là khi công tác kiểm tra, phòng chống doping ở hầu hết các quốc gia Đông Nam Á còn thiếu sự chuyên nghiệp và minh bạch. Đôi khi VĐV dính doping không hẳn vì chủ đích muốn dùng chất cấm để mưu đồ thành tích cao, mà do cách sử dụng thuốc bổ, chữa trị chấn thương không phù hợp, hoặc do ăn uống mất kiểm soát…
Tuyên bố của nước chủ nhà SEA Games 29 vô tình khiến các nước giật mình. Như Việt Nam, ngay lập tức đã có sự rà soát về công tác y tế ở tất cả các đội tuyển tham dự đại hội thể thao khu vực, từ điền kinh, bơi lội, đến bóng bàn, xe đạp, võ thuật, cử tạ… Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, mẫu thử doping đầu tiên đối với các VĐV giành huy chương đã được lưu giữ và xét nghiệm sau đó, thì lúc này, cả làng thể thao Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung chỉ biết chờ Malaysia chính thức công bố danh tính VĐV chơi tiểu xảo.
Doping đã được coi là vấn nạn khó kiểm soát trong thể thao. Thể thao Nga từng gây rúng động khi hàng loạt VĐV điền kinh, quần vợt bị phát hiện dùng doping và thậm chí giới chức quản lý thể thao nước này còn “bảo trợ tích cực” cho cả một đường dây sử dụng chất cấm kéo dài nhiều năm trời. Nga bị cấm tham dự Olympic 2016 và một số VĐV mới vừa được hội nhập trở lại với làng thể thao thế giới sau khi IOC (Ủy ban Olympic quốc tế) và các liên đoàn thể thao quốc tế thẩm định tính trung thực của họ.
Đây là bài học lớn, không chỉ đối với thể thao thế giới, mà với cả thể thao Việt Nam, nơi vốn không được chăm chút cho lắm về phòng chống doping. Giật mình với tuyên bố từ Malaysia, nhưng nếu chúng ta ngay từ đầu đã làm tốt công tác giáo dục HLV và VĐV về tác hại cũng như hậu quả của việc sử dụng chất cấm trong thi đấu thể thao, thì khi đón nhận thông tin kiểu này, sẽ chẳng có ai giật mình thon thót và lo lắng rằng mình có thể bị tước mất tấm huy chương vừa giành được…

Tin cùng chuyên mục