Học viện cần đến mức nào?

Bóng đá Việt Nam đang cần gì để phát triển? Câu trả lời không khó và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cũng nhận ra qua cách nói của mình, nhưng tiếc là cách làm chưa tới hoặc chưa đúng. Sau “cơn sốt học viện”, các cầu thủ từ lò đào tạo HA.GL không tự khẳng định mình trong màu áo câu lạc bộ HA.GL thì nhiều người mới nhận ra rằng hóa ra những học viện được đầu tư nhiều tiền ấy không thể vực dậy một nền bóng đá, vì vậy cũng không thể chỉ hy vọng vào đó để mà phát triển.

Chỉ cách đây một năm, nhiều người đã đinh ninh rằng chúng ta đã xuất hiện một thế hệ vàng mới khi các cầu thủ từ Học viện HA.GL xuất hiện ấn tượng bằng các trận thắng những đội bóng nước ngoài. Lãnh đạo VFF mừng rơn và luôn nói về tính ưu việt của học viện đào tạo này, kèm theo đó là vạch ra một loạt mục tiêu dùng lứa cầu thủ này để chinh phục đỉnh cao khu vực. Nhưng lúc ấy, không ít người cũng tỏ ra nghi ngờ và cho rằng từ trường học đến thi đấu chuyên nghiệp là một khoảng cách khá xa, không phải hễ được đào tạo tốt là có thể thi đấu tốt. Quả thật, những Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toàn, Thanh Hậu… giờ vẫn chơi với nhau trong một đội hình, nhưng có vẻ như họ chỉ còn là cái bóng của mình so với lúc vừa ra mắt.

Trong đội tuyển U.23, một vài cầu thủ xuất thân từ Học viện HA.GL này cũng không thể là trụ cột, thậm chí phải ngồi dự bị. Trong khi đó, những Mạnh Hùng, Quế Ngọc Hải, Minh Tuấn, Huy Toàn… lại tỏ ra xuất sắc hơn nhiều, là nhân tố không thể thiếu ở các tuyến và góp phần lớn trong thành công của đội bóng. Họ chỉ “thiếu” một điều là không phải xuất thân từ… học viện.

Khi học viện bóng đá của HA.GL được phép xây dựng “chi nhánh” ở TPHCM, một trong những lý do mà học viện này đưa ra là bóng đá thành phố hiện đang khủng hoảng lực lượng nên không còn đội bóng nào thi đấu chuyên nghiệp; học viện sẽ cung cấp nguồn cầu thủ chất lượng để góp phần khôi phục lại bóng đá đỉnh cao. Lý do này nghe qua rất hợp lý, nhưng không ít người cho rằng bóng đá thành phố nói riêng và của cả nước nói chung không hề thiếu tài năng, vấn đề là làm sao để phát hiện, đào tạo những tài năng đó cùng với việc có một chiến lược phát triển khoa học thì mới có thể mang lại kết quả tốt nhất. Nếu chúng ta làm được như mô hình của Hàn Quốc hay Nhật Bản, chỉ cần tổ chức tốt bóng đá học đường từ cấp phổ thông cho đến đại học thì sẽ phát hiện ra vô số tài năng.

Chưa kể, ngay ở các giải phong trào, giải “phủi” thì tài năng càng không hề hiếm nhưng bao nhiêu năm nay, chúng ta gần như chưa quan tâm thích đáng đến khía cạnh này. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn khi đã có cầu thủ thì phải có sự quan tâm và chiến lược bài bản. Bóng đá muốn phát triển không thể chỉ có cầu thủ, đội bóng mà khán giả và sự quan tâm của xã hội mới là nguồn lực lớn nhất. Một lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá TPHCM bày tỏ thấm thía rằng để có một câu lạc bộ thi đấu giải chuyên nghiệp không khó, mà khó là làm gì để duy trì, phát triển nó. Khía cạnh này chính là chuyện quy hoạch và đầu tư bài bản, lộ trình phù hợp và mang tính dài hơi.

Tóm lại, thêm nhiều học viện bóng đá thì càng tốt, nhưng nó phải chạy trên một lộ trình với sự vận hành của đầy đủ các yếu tố của một nền bóng đá. Nếu không, học viện bóng đá chỉ là nơi để làm thương hiệu mà thôi.

PHƯƠNG NAM

Tin cùng chuyên mục