Hết thời của các ông bầu bóng đá? - Bài 1: “Phất” nhanh nhờ bóng đá

LTS: Những ông bầu là một phần không thể thiếu của bóng đá Việt Nam đương đại. Họ đại diện cho cách làm bóng đá mới, thay đổi một phần dòng chảy phát triển của làng túc cầu nội địa. Những cống hiến của các ông bầu bóng đá là không thể phủ nhận, nhưng đôi khi chính họ cũng khiến bóng đá nước nhà rơi vào tình cảnh “dở khóc, dở cười”.

 

Năm 1999, bóng đá Việt Nam trải qua mùa giải kỳ quặc khi không có đội lên - xuống hạng. Mọi thứ xuất phát từ sự bất lực của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) vì tổ chức này không thể kiểm soát được tình trạng tiêu cực tại giải hạng Nhất quốc gia (tiền thân của V-League). Nghiệt ngã thay đó là thời kỳ đỉnh cao của một thế hệ vàng…

“Cuộc khởi nghĩa” của các ông bầu 

Đến năm 2000, bóng đá Việt Nam thất bại ở Tiger Cup 2000, kết thúc một thế hệ bóng đá đầy tài năng bắt đầu từ SEA Games 1995. Làng cầu Việt Nam rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Năm 2001, đội tuyển U.23 không vượt qua nổi vòng đấu bảng SEA Games, càng đẩy bóng đá Việt đi đến bờ vực thất bại toàn diện.
Điều này đã thúc đẩy sự ra đời của V-League vào năm 2001, bởi khi đó VFF đã bất lực trong khả năng quản lý nền bóng đá. Trong xu thế buộc phải thay đổi ấy, vào một ngày mùa Đông trên phố núi Pleiku, Sở TDTT Gia Lai quyết định chuyển giao đội hạng nhất cho Hoàng Anh Pleiku, khi đó đang là doanh nghiệp tư nhân chuyên sản xuất đồ gỗ. Vài tháng sau, ở một điểm hẹn bên bờ sông Vàm Cỏ, Sở TDTT Long An cũng bắt tay với Công ty Gạch Đồng Tâm cùng làm bóng đá. 1 năm trước đó, khi đội bóng đá Đường sắt Việt Nam suýt rơi xuống hạng giải hạng nhì, Sở TDTT Hà Nội đã mời Ngân hàng Á Châu (ACB) làm ông chủ mới.
Khái niệm các ông bầu đã ra đời với 3 cái tên cho đến nay vẫn được ghi nhận một cách đặc biệt trong lịch sử bóng đá Việt. Đó là bầu Đức, bầu Thắng và bầu Kiên.
Bầu Đức là người khởi đầu công thức: ngôi sao = thành công, với việc chiêu mộ tài danh bậc nhất làng cầu Đông Nam Á là Kiatisak. Không ai tưởng tượng nổi việc đó lại có thể xảy ra và ngày phố núi Pleiku đón Kiatisak diễn ra rất rầm rộ. Sau 1 năm bầu Đức ra tay, Hoàng Anh Gia Lai đã thay đổi từ một đội bóng chưa bao giờ chơi đỉnh cao đã thăng hạng và vô địch liên tiếp 2 mùa V-League. Hoàng Anh Gia Lai thậm chí được ví là “Dream Team” với đội hình có cầu thủ đến từ 9 địa phương khác nhau.
Hết thời của các ông bầu bóng đá? - Bài 1: “Phất” nhanh nhờ bóng đá ảnh 1 Bầu Đức - Bầu Thắng, hai nhà doanh nghiệp khởi nguồn 
cho việc đầu tư vào bóng đá và đã thành công. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
 Bầu Thắng lại tạo dấu ấn bằng phi vụ mua tiền vệ Nguyễn Minh Phương từ Cảng Sài Gòn với giá kỷ lục bấy giờ 400 triệu đồng. Lần đầu tiên khái niệm chuyển nhượng cầu thủ theo kiểu “mua đứt hợp đồng” quen thuộc ở bóng đá châu Âu đã diễn ra ở Việt Nam. Chưa hết, bầu Thắng còn sang tận Bồ Đào Nha mời chuyên gia Henrique Calisto về xây dựng mô hình CLB chuyên nghiệp với việc hình thành một khu tập luyện khép kín tại huyện Bến Lức. Đồng Tâm Long An sau đó vô địch V-League 2 lần, nối tiếp Hoàng Anh Gia Lai.
Với bầu Kiên, đội LG.ACB Hà Nội gắn với khái niệm… bán tên đội bóng cho nhà tài trợ lần đầu tiên. Đến năm 2003, chính bầu Kiên là người khai sinh ra việc mua suất thăng hạng. Năm đó, đội ACB rớt hạng nhưng mua lại suất thi đấu của đội Hàng không Việt Nam để tiếp tục chơi ở V-League. Sau này, bầu Kiên có thêm lần mua suất đá V-League của Hòa Phát vào năm 2011.
Những “phát kiến” và thành công ban đầu ấy đã đẩy nhanh xu thế chuyển giao các đội bóng vốn thuộc nhà nước cho tư nhân quản lý. Những cái tên mới lần lượt xuất hiện như Cảng Sài Gòn chuyển thành Thép Miền Nam - CSG, Công an TPHCM thành Ngân hàng Đông Á, Bình Dương chuyển giao cho Becamex, Đà Nẵng trở thành SHB Đà Nẵng… Đến năm 2007, xuất hiện thêm xu thế doanh nghiệp chủ động thành lập đội bóng để thi đấu. Đó là sự hình thành của Hòa Phát Hà Nội, Hà Nội T&T, Vissai Ninh Bình… cùng các ông bầu mới: bầu Hiển, bầu Trường, bầu Hùng….“Gái có công, chồng chẳng phụ”
Thành công nhất trong các ông bầu đầu tư cho bóng đá, không thể không nói đến ông Đỗ Quang Hiển, tức bầu Hiển. Năm 2006, doanh nghiệp T&T chính thức làm bóng đá thì chỉ 1 năm sau, từ đơn vị kinh doanh hàng điện tử, xe máy… T&T phát triển sang lĩnh vực ngân hàng và đầu tư vào SHB Đà Nẵng (ngay sau đó nhận chuyển giao luôn đội Đà Nẵng), công nghiệp khai thác mỏ, khu công nghiệp… Sau này, nhiều đội bóng “được cho” là của bầu Hiển như Quảng Nam, Sài Gòn hay Than Quảng Ninh đều có liên quan đến một số doanh nghiệp mà ông bầu này sở hữu hoặc góp vốn đầu tư. 
Lúc mới nhận đội Gia Lai, chẳng ai biết đến ông Đoàn Nguyên Đức. Vốn chỉ chuyên xuất khẩu gỗ, thị trường kinh doanh trong nước của Hoàng Anh Gia Lai khi đó chỉ vỏn vẹn 2 cửa hàng đặt tại Hà Nội và TPHCM. Tiếp nhận đội bóng chính là hoạt động đầu tư ngoài ngành đầu tiên của Hoàng Anh Gia Lai, sau đó là chung cư đầu tiên của Hoàng Anh Gia Lai ra đời tại TPHCM, đánh đấu việc tham gia thị trường bất động sản. Phải đến năm 2006, Hoàng Anh Gia Lai mới trở thành công ty đại chúng, kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau. Tất cả đều nhờ bóng đá. Đây là lý do bầu Đức từng tuyên bố: “Kể cả khi tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai có ngừng kinh doanh thì luôn có 2 nơi phải được duy trì là Học viện Bóng đá và Bệnh viện Hoàng Anh Gia Lai”.
Đồng Tâm Long An hay ACB cũng thế. Thời điểm đội bóng xuất hiện, cũng là lúc các doanh nghiệp mở rộng quy mô hoạt động. Thông qua việc quảng bá thương hiệu của bóng đá, ông Võ Quốc Thắng được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa 11 (2002-2007) cũng như mở rộng quy mô sản xuất ở miền Trung. Trong khi đó, ACB được đánh giá là số 1 trong nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần giai đoạn 2003-2007.
Bầu Đức từng thổ lộ, việc đầu tư bóng đá “chỉ có lãi và có lãi mà thôi”. Doanh thu của Hoàng Anh Gia Lai tăng đến 300%, lợi nhuận trước thuế tăng 200%, dù không cần bỏ ra chi phí tiếp thị. Trong khi đó, giai đoạn thành công nhất của Đồng Tâm Long An gắn với việc tập đoàn này phát triển 3 khu công nghiệp ở các tỉnh Long An, Quảng Nam và Hải Dương, kèm theo 6 nhà máy sản xuất. Ở Bình Dương, Becamex chính thức chuyển thành mô hình tập đoàn và xây dựng thêm 3 khu công nghiệp vào năm 2006, tức đúng thời điểm họ đầu tư vào bóng đá. Tại Ninh Bình, nhãn hiệu “Xi măng Vissai” cũng xuất hiện ngay sau khi Công ty Hoàng Phát của bầu Trường bỏ tiền ra tài trợ thể thao địa phương này.

Hơn cả cơ hội

Tất nhiên, bỏ tiền vào bóng đá và thành công không hề là vận may mà lại nhận được nhiều ưu đãi để phát triển doanh nghiệp. Trong giai đoạn chuyển từ “bao cấp” sang chuyên nghiệp, các địa phương khi muốn phát triển đội bóng, luôn sẵn lòng mở cơ chế cho các doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi trong kinh doanh. Nói nôm na là “đổi đất lấy hạ tầng” bởi các địa phương cũng biết, những ông bầu phải có chỗ nào khác để lấy lãi để nuôi đội bóng chứ bản thân CLB không thể làm ra tiền.

Ưu đãi thuế, miễn tiền sử dụng đất, ưu tiên đầu tư bất động sản hay tài nguyên, chính là những gì mà các doanh nghiệp được hưởng khi nhận chuyển giao các CLB. Gia Lai sẵn sàng giao sân vận động để bầu Đức nâng cấp và khai thác. Long An bàn giao khu cảng nước sâu cho tập đoàn Đồng Tâm hay hàng chục hecta ở khu Tuyên Sơn - Đà Nẵng được chuyển cho SHB khai thác. Các ông bầu sau này như bầu Thụy, bầu Trường nhận được quyền khai thác các mỏ đá vôi để sản xuất xi măng. 
Chưa hết, không chỉ nhận được ưu đãi, một trong những lợi ích thấy rõ nhất khi đầu tư bóng đá chính là tiết kiệm được chi phí marketing. Từ lúc tiếp nhận đội bóng đến khi lên sàn chứng khoán, ít thấy Hoàng Anh Gia Lai phải tốn kém tiền bạc cho quảng cáo, tiếp thị. Nếu tính trung bình khoản ngân sách này ở một tập đoàn khoảng 100 tỷ đồng/năm; rõ ràng, việc các doanh nghiệp tham gia bóng đá đã tạo ra lợi nhuận trực tiếp về mặt tài chính so với khoảng 40 - 60 tỷ đồng/năm cho CLB. Còn các doanh nghiệp có cổ phần nhà nước như Becamex cũng được khấu trừ một phần trong tiền nộp ngân sách tỉnh. 
Đầu tư cho bóng đá, ngoài yếu tố đam mê, các ông bầu còn định nghĩa “tiền từ túi này chuyển sang túi kia”… 

Tập hợp những người có tầm, năng lực quản lý để giúp bóng đá Việt Nam phát triển

Chiều 18-4, tại Tổng cục TDTT đã diễn ra cuộc họp giữa Bộ VH-TTDL và Thường trực Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) bàn bạc những nội dung chuẩn bị cho đại hội nhiệm kỳ VIII của VFF.
Cuộc họp có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ VH-TTDL Lê Khánh Hải, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng, các Phó Chủ tịch Trần Quốc Tuấn và Nguyễn Xuân Gụ, Chủ tịch VPF Trần Anh Tú, Tổng thư ký Lê Hoài Anh. Riêng Phó chủ tịch Đoàn Nguyên Đức không có mặt ở cuộc họp này.
Phát biểu sau buổi họp, ông Vương Bích Thắng cho biết: “Tại cuộc họp, Bộ VH-TTDL có ý kiến rà soát lại công việc, những vấn đề liên quan đến công tác nhân sự cần rà soát kỹ và báo cáo ban chấp hành để chờ ý kiến. Đại hội lần này sẽ công khai, minh bạch và dân chủ; tập hợp được những người có tầm, có năng lực quản lý để giúp cho bóng đá Việt Nam phát triển trong thời gian tới. Bên cạnh đó, sẽ rà soát lại những tiêu chí có thể gây ra những hiểu lầm và xin ý kiến của ban chấp hành để có những thay đổi”. 
Về thời gian diễn ra đại hội, ông Lê Hùng Dũng cho biết: “Ngay sau khi Bộ Nội vụ cấp phép 30 ngày, đại hội có thể được tổ chức. Chúng tôi đang rất mong mỏi điều này và mong rằng đại hội sẽ thành công”.
Quốc Cường 

Tin cùng chuyên mục