Giải đấu vui vẻ

Sau thất bại của đội tuyển bóng đá nam ở vòng chung kết AFF Cup 2016, bóng chuyền trở thành môn tiếp theo khuấy động bầu không khí thể thao thời điểm cuối năm theo chiều hướng… không vui cho lắm. Đó là chuyện giải vô địch quốc gia (VĐQG) không có CLB nữ rớt hạng, trong khi giải nam chỉ có 1 đội phải chia tay cuộc chơi.

Thoạt nghe có vẻ hợp lý, vì giải nữ năm nay chỉ còn tròn 10 CLB, sau khi Cao su Phú Riềng và Hòa Phát Hưng Yên bỏ cuộc vì khó khăn tài chính và nhân sự. Giải VĐQG theo quy định phải có đủ 12 CLB tham dự, vì vậy Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV) quyết định giữ nguyên số lượng CLB mùa này, sẽ bổ sung 2 CLB từ hạng A giành quyền thăng hạng vào mùa tới để hội đủ quân số. Thế cho nên, giải nữ dưới góc độ phân tích của nhiều chuyên gia, trở nên vô nghĩa và kém hấp dẫn. Cuộc cạnh tranh chỉ còn xoay quanh nhóm 4 đội hàng đầu là VTV Bình Điền Long An, Thông tin LVPB, Ngân hàng Công thương và Tiến Nông Thanh Hóa. Gần như các đội bóng khác đều không thể chen chân vào tốp đầu vì so cả về tiềm lực tài chính lẫn nhân lực, 4 “bà chị” vượt trội hoàn toàn.

Trận đấu giữa Bình Điền Long An (trái) và Ngân hàng Công thương diễn ra trước khán đài trống vắng. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Có thể xem đây là “giải đấu vui vẻ”, như khẳng định của chính một vị trong VFV, bởi động cơ phấn đấu của 6 CLB như Quảng Ninh, TPHCM, Vĩnh Long, Thái Bình, Hải Dương, Vĩnh Phúc đã không còn, chỉ cần bắt tay nhau đấu hòa nhã cho xong. Rõ ràng, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của giải đấu. Trên thực tế, khi vòng bảng sắp khép lại, nhiều trận đấu giữa các đội “chiếu dưới” đã diễn ra tẻ nhạt và khá buồn ngủ, thậm chí VĐV phải đấu trong cảnh khán đài các nhà thi đấu tại Hà Tĩnh và Nha Trang vắng vẻ.

Ít tuần trước, người trong giới bóng chuyền vừa nhóm họp để tìm kế sách phát triển mới, trong đó có mục tiêu tiết giảm số lượng các CLB dự tranh giải VĐQG từ 12 xuống còn 8 vào năm 2020 (dành cho cả giải nam lẫn giải nữ). Đấy là con số lý tưởng, bởi theo lý giải của những người làm chuyên môn, các giải đấu sẽ tránh được tình trạng lực lượng quá chênh lệch giữa các đội, đồng thời kích thích được sự đầu tư của các địa phương cũng như từ doanh nghiệp.

Chưa kể, khi số lượng các đội dự giải VĐQG được quy chuẩn, VFV cũng có thêm điều kiện để chăm sóc cho sự nghiệp của mình, bớt đi nỗi lo mỗi năm phải chứng kiến thêm vài CLB từ giã cuộc chơi vì ngay từ lúc hình thành và ý thức phát triển đã kém và hời hợt. VFV đau đầu nhiều năm qua với vấn đề này, tức là vì thiếu chế tài, thiếu những nhà quản lý trình độ cao, nên bóng chuyền phát triển khá lộn xộn, không tuân thủ bất cứ nguyên tắc nào. Thậm chí, VFV nói và hoạch định một đường, các CLB làm một nẻo, chủ yếu tìm cách để lách luật và tạo ưu thế riêng cho mình trong cuộc chơi (như “đi đêm” chiêu dụ VĐV đội bạn, móc ngoặc xin-cho điểm ở các trận đấu, quà cáp cho trọng tài để được thổi lợi thế…).

Nhưng đến năm 2020 có làm được hay không thì chưa biết. Chỉ biết rằng ở thời điểm hiện tại, bóng chuyền Việt Nam đang chững lại, cả về tầm mức đầu tư cũng như tốc độ phát triển. Chất lượng của giải VĐQG trước còn so sánh ngang ngửa với Thái Lan, giờ kém xa vài bậc, phần vì thiếu ngoại binh, phần nữa vì nguồn cung cấp VĐV trẻ giỏi ở nhiều CLB ngày càng trở nên khan hiếm, chỉ tập trung ở một vài điểm sáng như Ngân hàng Công thương, Bình Điền Long An, Thông tin LVPB, Thái Bình.

LÊ QUANG

Tin cùng chuyên mục