Giá trị của 1 điểm

Trận hòa trên sân của Myanmar mang đến nhiều cảm xúc trái chiều cho các CĐV Việt Nam. 
Quang Hải tung cú sút trước hàng phòng ngự Myanmar. Ảnh: MINH HOÀNG
Quang Hải tung cú sút trước hàng phòng ngự Myanmar. Ảnh: MINH HOÀNG

Những người lạc quan thì tin rằng trọng tài chính là nguyên nhân khiến cho đội bóng của HLV Park Hang-seo chỉ có được 1 điểm. Nhưng với những người thận trọng thì sẽ nhìn vào thực tế, đó là đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) đã không thể thắng được Myanmar, một đối thủ bị đánh giá thấp hơn.

Cả 2 cách nhìn ấy đều xuất phát từ những ưu thế trong tấn công mà ĐTVN đã thể hiện trên sân khách. Có nhiều cơ hội, có bàn thắng không được công nhận, có té ngã trong vòng cấm. Nói là vận may đã “ngoảnh mặt” với các cầu thủ cũng được, mà cho rằng chúng ta thiếu sự sắc bén của một đội bóng có khả năng vô địch cũng không sai.

Nhưng có một điều chắc chắn: đây là trận hòa rất đáng tiếc nhưng lại có giá trị hơn cả một trận thắng.

Đầu tiên, không thắng được Myanmar cũng đồng nghĩa với những tiến bộ của ĐTVN trong thời gian qua, ở lứa tuổi U.23, không quá lớn như người hâm mộ tin tưởng. Những gì mà Quang Hải, Công Phượng làm được trên sân Myanmar không tốt hơn các lứa đàn anh đã làm. Cho dù vì lý do gì đi nữa, kết quả 0-0 mới là điều quan trọng nhất. Thay vì ung dung dưỡng chân ở trận cuối, ĐTVN phải thắng Campuchia với tỷ số cao nếu muốn chiếm vị trí đầu bảng vào bán kết. Ở SEA Games 2017, U.22 Việt Nam cũng từng rơi vào tình thế tương tự khi bỏ qua cơ hội đánh bại Indonesia để rồi bị loại ngay vòng bảng.

Khả năng bị loại đối với đội bóng của HLV Park Hang-seo hiện nay đương nhiên là khó xảy ra, nhưng với một đội bóng đang hướng đến chức vô địch, việc có cơ hội đánh bại đối thủ nhưng lại không làm được chắc chắn là điều không ổn. Nó có thể gây ảnh hưởng tâm lý, về khía cạnh lòng tin vào bản thân của các cầu thủ.

Kế đến, ở góc nhìn ngược lại, cũng có sự tích cực nhất định. Cái khoảng cách giữa những thành tích ở lứa tuổi U.23 và trình độ đội tuyển quốc gia là rất rõ ràng. Chúng ta có thể chơi hay khi gặp các đội mạnh hơn nhiều ở sân chơi châu lục, nhưng lại vất vả khi đối đầu với những đội ngang tầm tại Đông Nam Á. Nếu khó khăn trước Myanmar là 1 thì những trận sắp đến ở bán kết, hoặc chung kết, sẽ là 3-4. Hơn nữa, các trận bán kết, chung kết đều đá 2 lượt, đòi hỏi các đội bóng phải biết quý trọng từng cơ hội mà mình có được. Nếu phung phí như trận hòa Myanmar, thì cho dù có chơi tốt hơn đối phương, chúng ta vẫn có thể nhận trái đắng. Đây chính là bài học quan trọng nhất cho nhiều cầu thủ trẻ của HLV Park Hang-seo.

Tuy nhiên, điều  đáng tiếc là người hâm mộ Việt Nam dường như vẫn thiên về việc tìm nguyên nhân khiến ĐTVN đánh mất chiến thắng thay vì nhìn thấy sự khó khăn trên con đường chinh phục đỉnh cao. Trong và sau trận hòa Myanmar, tiền vệ đội trưởng Văn Quyết là người phải hứng chịu “gạch đá” chỉ trích. Nhiều người tin rằng, sự có mặt của Văn Quyết trên sân đã cản trở khả năng thăng hoa của các đàn em. Trong cách suy nghĩ của nhiều người, ĐTVN hơn hẳn đối thủ.

Trong khi đó, nếu nhìn vào cuộc hành trình gian khó trước mắt, thì chính sự có mặt của những người như Văn Quyết, Anh Đức… đang đem lại sự cân bằng cho đội tuyển. Những trận đấu “có thể sửa sai” sẽ không còn kể từ vòng bán kết. Các đối thủ của chúng ta còn mạnh hơn Myanmar về trình độ, kinh nghiệm hơn trong cách kiểm soát trận đấu và nguy hiểm hơn trong việc trừng phạt khi chúng ta lãng phí cơ hội. Bên cạnh sự tươi trẻ và tinh thần cống hiến, cũng cần có những nhân tố có khả năng kìm hãm sự hưng phấn của đối phương, tạo sự vững vàng về tân lý cho cầu thủ trẻ.

Tin cùng chuyên mục