Facebook mua bản quyền bóng đá quốc tế - Bài 1: Cuộc xâm chiếm của truyền hình phi truyền thống

Việc Facebook tuyên bố nắm trong tay bản quyền Ngoại hạng Anh 3 mùa liên tiếp, từ mùa bóng 2019 - 2020 tại Việt Nam, đã khiến cuộc chiến bản quyền lại nóng lên và chắc chắn là không hề thuyên giảm khi mà những nền tảng truyền hình phi truyền thống đang dần thu hút người xem, trong khi nguồn thu từ truyền hình ngày càng teo tóp. 
Facebook tạo nên một cuộc chiến thực sự với các đài truyền hình khi công bố bản quyền phát sóng giải Ngoại hạng Anh
Facebook tạo nên một cuộc chiến thực sự với các đài truyền hình khi công bố bản quyền phát sóng giải Ngoại hạng Anh

Người xem được gì và mất gì khi Facebook nắm bản quyền phát sóng? Tại Việt Nam, “cuộc chiến” này sẽ đi đến đâu?

Những nền tảng mạng xã hội như Facebook hay YouTube vận hành dựa trên sự đóng góp trực tiếp của người sử dụng, chứ bản thân các đơn vị này không sở hữu, sáng tạo nội dung. Thế nhưng, việc Facebook hay sắp đến có thể là YouTube bỏ tiền ra mua bản quyền để phát sóng vừa bất ngờ nhưng cũng… không bất ngờ.

Facebook: Phát miễn phí, lợi nhuận khổng lồ

Về nguyên tắc, Facebook hay YouTube không tự tạo ra nội dung. Ngược lại, họ còn có trách nhiệm bảo vệ bản quyền cho các đơn vị sản xuất nội dung, bao gồm các đài truyền hình và hãng truyền thông. Ví dụ: một chương trình truyền hình nếu có đăng ký bản quyền thì người dùng Facebook hay YouTube sẽ không được phép chia sẻ các video hay livestream (phát trực tiếp) trên các nền tảng này. Nếu phát hiện ra việc “ăn cắp bản quyền”, Facebook hay YouTube sẽ phạt nặng, bao gồm hủy tài khoản của người dùng. Vậy thì lý do nào khiến Facebook bỏ tiền mua bản quyền chỉ để phát sóng miễn phí và cạnh tranh trực tiếp với các đài truyền hình?

Facebook hay Youtube “sống” dựa trên nguồn thu từ quảng cáo. Nguồn thu này nhiều hay ít phụ thuộc vào số lượng người sử dụng. Những nơi nào mà người dùng các mạng xã hội này càng lớn, thì nguồn thu càng cao. Với một thị trường ước tính có đến hơn 100 triệu tài khoản (account) và hơn 60 triệu người sử dụng (user) như Việt Nam, đó là một “mỏ vàng” để Facebook thu tiền quảng cáo. Đây là lý do đầu tiên để Facebook mua bản quyền các giải bóng đá hấp dẫn như Ngoại hạng Anh hay La Liga, nhằm “giữ chân” người dùng hoạt động nhiều hơn trên nền tảng của họ.

Lý do thứ hai, chính là nạn vi phạm bản quyền ở Việt Nam, nhất là với các bản quyền về thể thao. Hãy thử tưởng tượng, một trận đấu của giải Ngoại hạng Anh vào cuối tuần được hàng trăm website vô tư phát sóng tại Việt Nam, thậm chí còn livestream lên Facebook, thu hút hàng triệu người xem để thu tiền quảng cáo mà không bị chế tài nào cả.

Các đơn vị kinh doanh bản quyền quốc tế “sợ” nhất điều này khi hợp tác với các nhà đài ở Việt Nam. Khả năng ngăn chặn vi phạm bản quyền ở nước ta rất yếu ớt. Trong khi đó, các chương trình phát sóng thể thao trên Facebook luôn thu hút người xem. Ví dụ như ở Asiad 2018 vừa qua, một trận đấu của U.23 Việt Nam sẽ được hàng ngàn tài khoản Facebook phát “lậu”, mỗi tài khoản ấy có đến hàng trăm ngàn lượt xem trực tiếp. Facebook không quyết liệt chặn các tài khoản này (vì không ảnh hưởng đến họ), nếu như các đài truyền hình sở hữu bản quyền (nơi bị thiệt hại) không yêu cầu họ thực hiện.

Tóm lại, chính môi trường lỏng lẻo về chuyện bản quyền ở Việt Nam đã tạo ra một lượng khán giả khổng lồ có thói quen xem bóng đá trên mạng xã hội chẳng kém gì xem trên truyền hình. Với lượng tài khoản hiện có, cùng thói quen xem bóng đá miễn phí, nếu Facebook sở hữu bản quyền giải Ngoại hạng Anh, họ đã có sẵn khán giả của mình, đồng thời cũng có đủ công cụ để chặn mọi tài khoản vi phạm bản quyền.

Như vậy, nếu trước đây số lượng người xem giải Ngoại hạng Anh bị phân tán trên nhiều hạ tầng phát sóng khác nhau, thì sắp đến, có khả năng 100% người xem trên Facebook. Đơn giản là đã miễn phí mà còn thuận tiện, việc gì phải “xem lậu”. Ví dụ như tại Việt Nam có 10 triệu người xem bóng đá Anh mỗi tuần, thì sắp đến, 10 triệu người đó sẽ dán mắt vào Facebook. 10 triệu người đó sẽ phải xem các quảng cáo Facebook phát trong trận đấu mà chẳng “phàn nàn” gì!

Đài truyền hình: “nạn nhận” và “đồng phạm” 

Các đài truyền hình đương nhiên là “nạn nhân” của tình trạng xem lậu, vi phạm bản quyền trên internet. Tuy nhiên, nếu phân tích cho kỹ, thì bản thân các nhà đài cũng chính là “đồng phạm” đẩy khán giả đến tình trạng phải “xem lậu”. Ở đây, còn có “vai trò” của các cơ quan như Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam…

Tình trạng tranh nhau độc quyền phát sóng các giải bóng đá quốc tế để phát triển thuê bao đã dẫn đến việc, mỗi hệ thống truyền hình sở hữu một giải đấu riêng. Người thuê bao của SCTV hay VTVCab muốn xem một số trận đấu “độc quyền” của giải Ngoại hạng Anh, lại phải đăng ký thêm 4 kênh của K+ với số tiền tương đương một thuê bao mới, chẳng khác gì trả 2 lần tiền cho một thứ mà họ quan tâm. Việc lên internet để xem lậu gần như là quán tính.

Mặt khác, theo thông lệ quốc tế, việc mua bản quyền thể thao là để kinh doanh trên chính bản quyền đó. Ai muốn xem thì cứ trả tiền để được mở khóa kênh mà xem, dù đang là thuê bao của bất kỳ hệ thống truyền hình nào. Trong khi đó, các đài truyền hình ở Việt Nam chủ yếu mua bản quyền để phát triển thuê bao cho toàn hệ thống, vì thế mà không đủ nguồn doanh thu để chống lại nguồn lực tài chính của những “gã khổng lồ” như Facebook.

Tin cùng chuyên mục