EURO & “doping hợp lệ”

Có bao nhiêu VĐV nói chung và cầu thủ bóng đá nói riêng vẫn đều đặn uống thuốc giảm đau hoặc chích thuốc tê trước khi thi đấu? Câu trả lời từ giới chuyên môn: Rất nhiều và rất nhiều, đến độ trở thành lạm dụng. Và sự lạm dụng đó không khỏi nguy hại lâu dài.
EURO & “doping hợp lệ”

Có bao nhiêu VĐV nói chung và cầu thủ bóng đá nói riêng vẫn đều đặn uống thuốc giảm đau hoặc chích thuốc tê trước khi thi đấu? Câu trả lời từ giới chuyên môn: Rất nhiều và rất nhiều, đến độ trở thành lạm dụng. Và sự lạm dụng đó không khỏi nguy hại lâu dài.

Một số người gọi đó là “doping hợp lệ”. Một số khác gọi là sự lạm dụng. Nhưng dù là gì đi nữa, hồi chuông báo động cũng đã kịp thời vang lên đúng lúc các đội tuyển lục tục kéo đến EURO 2012.

Là người phụ trách Tiểu ban y tế của FIFA, Tiến sĩ Jiri Dvorak cho biết có đến gần 40% cầu thủ dự World Cup 2010 tại Nam Phi đều đặn sử dụng thuốc giảm đau hoặc thuốc tê để mong chơi tốt. Ở EURO 2012 kỳ này chắc cũng vậy, bởi chuyện lạm dụng thuốc đã trở thành một thứ “trào lưu” rồi. Phổ biến nhất là aspirin và ibuprofen, có thể mua ở bất cứ quầy thuốc tây nào. Mạnh hơn thì có diclofenac và naproxen, chỉ mua được theo toa bác sĩ. Đây là những thứ thuốc làm giảm tình trạng viêm ở các mô mềm trong cơ bắp, gân hoặc dây chằng.

EURO & “doping hợp lệ” ảnh 1

Hậu vệ đội tuyển Anh John Terry là một “khách hàng thân thiết” của thuốc tê

Theo Tiến sĩ Dvorak, nguy cơ quá dễ thấy: dùng thuốc giảm đau để thi đấu thì sau đó chỉ càng đau hơn, bởi vì cường độ vận động mạnh sẽ làm chấn thương nặng thêm. Không những thế, thuốc còn gây ra tác dụng phụ: đau bao tử, khó tiêu hóa, gia tăng nguy cơ xuất huyết ruột - thậm chí có thể gây đau tim, làm tổn hại gan-thận nếu liên tục dùng thuốc với liều cao kéo dài. Những trường hợp trở thành nạn nhân của chính mình như vậy không ít. Chẳng hạn, hậu vệ Garry Monk của Swansea cho biết anh đã từng chích vào lưng nhiều đến mức làm liệt hẳn một dây thần kinh nên mất hẳn cảm giác ở chân phải.

Hoặc như Kelly Sotherton, huy chương đồng 7 môn phối hợp ở Olympic 2004: Sau nhiều năm liên tục chấn thương, Sotherton rốt cuộc đã phải tuyên bố giải nghệ vào tuần trước do không thể dứt được chấn thương lưng. Theo Sotherton, không chỉ bóng đá mà “nhiều môn thi đấu cũng gặp vấn đề với chuyện dùng thuốc”.

o0o

Bên cạnh đó, ê kíp làm việc của Tiến sĩ Dvorak cũng đã ghi nhận rằng các cầu thủ trẻ thường bắt chước đàn anh xài thuốc quá thường xuyên. Có một số đội bóng phát cho mỗi cầu thủ tới 3 viên thuốc trước mỗi trận đấu, và những đội ở Bắc Mỹ-Nam Mỹ thường lạm dụng thuốc nhiều nhất. Đó là vì các bác sĩ đội bóng thường bị áp lực phải làm sao đưa cầu thủ trở lại thi đấu càng mau chóng càng tốt. “Thật không may là càng ngày họ càng dùng thuốc nhiều hơn, đó là điều cần phải lưu ý một cách thật nghiêm túc. Hầu hết các bác sĩ của đội bóng đều chịu áp lực lớn giữa chẩn đoán và điều trị đúng mức. Áp lực ở chỗ nếu để cầu thủ nghỉ đá quá lâu thì họ có thể mất việc”.

Hưởng ứng lời cảnh báo của Tiến sĩ Dvorak, Phó Giám đốc tổ chức phòng chống doping thế giới Hans Geyer nói những thứ thuốc tê này hoàn toàn có thể xem như là doping. Đồng thời, ông cũng đưa ra một lời cảnh báo của riêng mình trong chuyện dùng thuốc tê: “Nếu bạn tắt mất hệ thống báo động vốn đang bảo vệ các mô cơ của chính mình, bạn có thể hủy hoại chúng vĩnh viễn”.

Vấn đề còn lại là những lời cảnh báo đó có thể lọt được vào bao nhiêu cái tai. Bác sĩ đội bóng có áp lực của bác sĩ đội bóng thì cầu thủ cũng có áp lực của cầu thủ. Áp lực thành tích! Dominic Matteo (cựu thành viên Liverpool) nói thẳng rằng anh sợ phải ngồi ngoài hơn là sợ những mũi tiêm. Còn hậu vệ Terry, nếu không có những mũi thuốc tê ấy thì anh đã không thể đá được sau khi bị rạn 2 chiếc xương sườn ở trận lượt đi tứ kết Champions League với Benfica. Tương tự, không có những mũi thuốc ấy thì Terry cũng đã phải nghỉ hàng loạt trận khác do đau lưng hoặc đầu gối.

Trong đội tuyển Anh dự EURO kỳ này, để dùng thuốc giảm đau thì có lẽ Terry thuộc dạng phải dùng đều đặn nhất…

Tiến Minh

Tin cùng chuyên mục