Dư âm trận Leicester City – Chelsea 1-2: Chiến thắng của “Biệt đội cảm tử”

Khi Cesc Fabregas nói về “Nhiệm vụ tự sát” để miêu tả chuyến hành quân đến Nou Camp của Chelsea, chắc chắn anh không nghĩ đến việc đội bóng thành London biến thành “Biệt đội cảm tử” không phải ở Nou Camp mà ở trận đấu diễn ra sau đó. 120 phút trên sân King Power không dành cho những kẻ yếu tim và yếm thế, và từng cầu thủ Chelsea đã lăn xả hết mình…

Niềm vui chiến thắng của "Biệt đội cảm tử"
Niềm vui chiến thắng của "Biệt đội cảm tử"

Người ta đã từng tưởng rằng, họ sẽ lăn xả hết mình như “Biệt đội cảm tử” (kiểu như trong bộ phim: “Suicide Squad” của Hãng DC/Warner Bros chẳng hạn) ở trong trận đấu lượt về tại Nou Camp, trong 1 nhiệm vụ không khác gì là tự sát (“Suicide Mission”, F4 đã miêu tả như vậy) – vì dám chơi đôi công với Barcelona tại “thánh địa vĩ đại” của đội khách, do bị cầm chân 1-1 ở trận lượt đi tại London.

Nhưng với 1 bàn thua đến từ rất sớm, ngay ở phút thứ 3 của trận đấu, khi mà bóng đi từ “cái chân phải đầy ma thuật” của Lionel Messi để lọt qua khe hở chật hẹp giữa 2 cái chân khẳng khiu và ngượng nghịu của Thibaut Courtois, người ta hiểu rằng, “Biệt đội cảm tử” đó đã gục ngã từ trong trứng nước, bất chấp việc họ cũng đã “ngắm bắn” và cố gắng “nổ súng” hết sức mình, nhưng lại là với những phát đạn “không bao giờ trúng mục tiêu”.

Trước trận đấu với Leicester, Antonio Conte hiểu rằng, đội bóng của ông đang ở thế “tựa lưng vào vực thẳm”, và họ buộc phải chiến đấu đến cùng để tìm kiếm danh hiệu khả dĩ cuối cùng – và cũng là duy nhất tính đến thời điểm này, đó là chiếc Cúp FA. Trận tứ kết với “Bầy cáo” tại sân King Power, vì lẽ đó, và vì cả cái cách mà Jamie Vardy cùng các đồng đội của anh này cũng tận hiến kịch chiến trên sân, mới thật sự biến Chelsea trở thành “Biệt đội cảm tử”.

Alvaro Morata không dưới 5 lần gục ngã, sau những pha vào bóng cực rát – và đôi khi… có phần thô bạo của bộ đôi Wes Morgan (một cầu thủ cao to như hộ pháp với dáng điệu của một… VĐV bóng bầu dục thì đúng hơn) và Harry Maguire (anh này dính 1 thẻ vàng sau 2 pha vào bóng liên tiếp từ phía sau với M9). Nhưng anh vẫn đứng vững để cuối cùng, giải tỏa cơn khát bàn thắng kéo dài 13 trận đấu sau đường chuyền “tặng quà” của Willian (cơn khát bàn thắng của M9 đã kéo dài từ… Ngày lễ tặng quà hồi cuối năm ngoái) với cú đặt lòng bằng chân phải thật mẫu mực – bằng “chân” đó nha, để đánh bại Kasper Schmeichel ở phút thứ 42 của trận đấu.

Eden Hazard, trong một ngày không quá nổi bật, nhưng vẫn cố gắng chạy thật nhiều, lên công – về thủ để bổ khuyết cho những thiếu sót của mình. Đây là một H10 đã chơi trọn 120 phút trên sân, một H10 đã bị “xuống giá” sau màn trình diễn nhạt nhòa tại Nou Camp nhưng đang cố gắng lấy điểm lại với các CĐV khi chấp nhận lùi sâu phòng thủ, cầm bóng giải tỏa áp lực cho Chelsea ở thời điểm mà Leicester gia tăng sức ép trong hiệp 2, trong hiệp phụ thứ nhất và cả hiệp phụ thứ 2. Hazard có thể công không hay trong trận đấu, nhưng anh cũng đã “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” để giúp các đồng đội giữ lại cách biệt mong manh.

Willian, với một phong độ... “như thần”, đã có đường kiến tạo thứ 10 trong mùa giải năm nay, sau khi thoát khỏi 2 chiếc bóng áo xanh của Leicester bằng những cú “nhấn bóng” tăng tốc quen thuộc. Khi mà H10 vẫn đang chìm nổi với phong độ khá thất thường, W22 đang là nguồn sống, nguồn cảm hứng của Chelsea trong những ngày tháng khó nhọc vừa qua, và anh đã đóng góp dấu giày trong 24 bàn thắng của Sư tử Xanh thành London. Anh chắc chắn mới chính là một Tù trưởng, Tù trưởng thật sự của “Biệt đội cảm tử”.

N’Golo Kante, vẫn lăn xả, cướp bóng, đoạt bóng, tranh chấp bóng hiệu quả mỗi khi hàng tiền vệ Leicester triển khai bóng, rồi nhanh chóng chuyển hóa bóng trong chân mình thành một đường phát động tấn công để tuyến trên của Chelsea tận dụng. Trong suốt 120 phút thi đấu, anh đã phải “chịu đựng” 2 tiền vệ có lối chơi cực kỳ khác nhau ở khu giữ sân, từ một Tiemoue Bakayoko kém tập trung nhưng thi thoảng lại có “những pha xoay bóng” thoát pressing cực kỳ lợi hại, đến một F4 có những đường chuyền khá sắc nét nhưng sức tranh chấp bóng khá yếu khiến khu giữa sân của Chelsea bị áp đảo trong gần 45 phút hiệp 2 và hầu hết thời gian còn lại của hiệp phụ cuối cùng. Nếu không phải K7 án ngữ ở đó, vóc dáng thật nhỏ bé nhưng lại chắc chắn như một hòn đá tảng, “Biệt đội cảm tử” có thể đã… hy sinh toàn bộ trước khi trận đấu trôi đến những phút cuối cùng.

Pedro Rodriguez, chỉ vào sân ở phút thứ 92 để thay thế 1 trong những cầu thủ chơi hay nhất trận đấu là Willian, nhưng vẫn không hề bị áp lực và sắm vai “người hùng cứu thế”, kiểu như là Deadshot (nhân vật do Will Smith thủ diễn), thực hiện một pha “khinh công” bật cao đánh đầu hạ gục cả hàng hậu vệ của Leicester. Nên nhớ, P11 chỉ cao 1 mét 69, là 1 trong những cầu thủ thấp bé nhất trên sân King Power, nhưng anh đã khiến tất cả các CĐV của “Bầy cáo” phải ngước nhìn với 1 pha lập công bằng đầu - nên nhớ, bằng "đầu" đónha!

Victor Moses, người bị chỉ trích rất nhiều vì hàng loạt pha tạt bóng kém chính xác, cả những pha xử lý bóng cực kỳ “tối” ở bên biên phải, khiến lối chơi của Chelsea ở hành lang cánh phải vô cùng kém biến hóa. Nhưng khi M15 lùi về “tử thủ” bên phần sân nhà, cùng bộ 3 trung vệ trám lấy những lỗ hổng bên cánh phải, anh đã chơi lăn xả như 1 chiến binh, 1 hậu vệ thực thụ, góp phần giúp đội nhà giữ lại cách biệt 1 bàn mong manh.

Andreas Christensen, chốt chặn cuối cùng ngay trước mặt của thủ thành Wilfredo Caballero, với nhãn quan chiến thuật ấn tượng, sự tỉnh táo đáng khen ngợi sau hàng loạt trận đấu mắc phải sai lầm, thực sự sắm vai trung tâm hàng phòng thủ 3 người lợi hại, giúp hàng phòng ngự Chelsea đứng vững trước những đợt công thành mạnh như sóng xô bờ đến từ Vardy, từ Riyad Mahrez, từ Onyinye Ndidi… C27 có thể có những sai lầm trong các trận đấu trước, nhưng ở sân King Power, anh thật sự là thanh chốt cửa trước cực kỳ chắc chắn, để những Cesar Azpilicueta (C28), rồi Antonio Rudiger (R2) tựa vào đó và khóa chặt cả 2 cánh cửa bên hông.

Và cuối cùng là, C1, với hàng loạt pha cứu thua ngoạn mục trên vạch vôi, với 2, 3 tình huống phán đoán chính xác, lao ra phá bóng ngay trước chân các tiền đạo của đối thủ. C1 chỉ bị đánh bại 1 lần duy nhất bởi Vardy, dù trong tinh huống đó, tay của anh vẫn kịp chạm vào bóng. C1 cho thấy, nếu một thủ môn toàn tâm toàn ý bắt gôn cho Chelsea, cho dù anh ta không quá nổi tiếng, nhưng vẫn sẽ là 1 thủ môn giỏi và khiến đồng đội tin tưởng để trông cậy vào.

Chiến thắng của “Biệt đội cảm tử”, còn phải nhắc đến chiến công ngoài đường biên của “bộ não” Conte, có thể nói nôm na, ông chính là nhân vật Amanda Waller phiên bản nam, người vạch ra chiến lược cho cả nhóm hành động. Mùa giải năm nay là mùa giải đầy khó khăn với Conte, nhưng không vì thế mà ông sờn lòng, và vẫn cố gắng chiến đấu đến cùng, bằng cả tư duy, trí não lẫn trò chơi chiến thuật mà ông chưa bao giờ ông cho thấy mình là kẻ lép vế trên một chặng đường dài.

“Biệt đội cảm tử” sẽ đi đến đâu ở FA Cup và giai đoạn còn lại của Premier League năm nay? Chỉ cần họ tiếp tục chiến đấu, lăn xả, không quản ngại hy sinh, thì còn đường không bao giờ cụt ngủn cả...

Tin cùng chuyên mục