Đau đáu tìm nhân tài

Bóng bàn Việt Nam đang khánh kiệt nhân tài, sau thời của những Đoàn Kiến Quốc, Trần Tuấn Quỳnh, Mai Hoàng Mỹ Trang… Đấy là lý do, các tay vợt kỳ cựu dù đã bước qua thời đỉnh cao vẫn phải gánh vác trọng trách ở các sân chơi quốc tế, khi những thế hệ sau họ không tạo được chút dấu ấn gì về chuyên môn.
Đau đáu tìm nhân tài

Bóng bàn Việt Nam đang khánh kiệt nhân tài, sau thời của những Đoàn Kiến Quốc, Trần Tuấn Quỳnh, Mai Hoàng Mỹ Trang… Đấy là lý do, các tay vợt kỳ cựu dù đã bước qua thời đỉnh cao vẫn phải gánh vác trọng trách ở các sân chơi quốc tế, khi những thế hệ sau họ không tạo được chút dấu ấn gì về chuyên môn.

Tay vợt Trần Huy Bảo từng được xem là thần đồng của bóng bàn Việt Nam. Ảnh: HOÀNG MINH

Tay vợt Trần Huy Bảo từng được xem là thần đồng của bóng bàn Việt Nam. Ảnh: HOÀNG MINH

Nếu cho rằng phong trào chơi bóng bàn ở Việt Nam giảm sút thì không hẳn, bởi vì ngày càng có nhiều giải đấu từ nghiệp dư cho đến chuyên nghiệp được tổ chức, thu hút hàng trăm tay vợt tham dự. Đơn cử, ở giải bóng bàn thiếu niên, nhi đồng và trẻ toàn quốc thường niên luôn có đến hoặc hơn 400 tay vợt các lứa tuổi cùng tranh tài.

Sắp tới ở Sơn La diễn ra giải toàn quốc và con số đăng ký cũng đã ngót nghét 400 VĐV. Một giải đấu trẻ nhưng có số lượng VĐV góp mặt đông đảo như vậy thì không thể cho rằng bóng bàn Việt Nam quá thiếu thốn nguồn nhân lực kế cận. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, dù số lượng VĐV dự một giải đấu toàn quốc rất đông, song thi đấu nổi bật, xứng đáng được xếp vào diện “thần đồng” hoặc có tài năng xuất chúng giống như thế hệ những Nguyễn Mạnh Cường, Nguyễn Lê Huy, Đoàn Kiến Quốc, Trần Tuấn Quỳnh, Đinh Quang Linh, Trần Huy Bảo, Nguyễn Mai Thy, Trần Lê Phương Linh, Mai Xuân Hằng, Mai Hoàng Mỹ Trang… thì quá hẻo.

Những nhà làm chuyên môn bóng bàn Việt Nam than thở rằng, những tay vợt có “chất” quái, lối đánh khó chịu và đủ sức tranh đoạt thành tích ở đấu trường quốc tế gần như không kiếm nổi, dù các địa phương, ngành theo đuổi xây dựng phong trào bóng bàn vẫn đầu tư nhiệt tình. Cách lý giải dễ nhận thấy nhất chính là vì gia đình VĐV chỉ cho con em chơi nghiệp dư, đến một thời điểm nhất định sẽ chuyển hướng, đầu tư cho theo đuổi ngành nghề khác để mưu sinh, thay vì lông bông với nghiệp bóng bàn chế độ thấp và đầy những bất trắc.

Trước đây, tìm được những tay vợt kiệt xuất như Đoàn Kiến Quốc, tâm huyết và có tài thực sự không dễ. Tay vợt gốc Khánh Hòa còn theo đuổi đến cùng sự nghiệp và nhiều lần làm rạng danh bóng bàn Việt Nam ở SEA Games, Olympic. Nhưng bóng bàn Việt Nam cũng tiếc nuối khi không giữ chân được “thần đồng” Trần Huy Bảo của TPHCM. Nhiều nhà chuyên môn, trong đó có ông Nguyễn Trọng Trúc, Tổng thư ký LĐBB TPHCM - từng phấn khởi vì bóng bàn Việt Nam xuất hiện một tay vợt tài năng như thế, nên việc Huy Bảo được đưa vào chương trình thế hệ vàng bóng bàn TPHCM là điều dễ hiểu. Nhưng rồi bản thân Huy Bảo cũng như gia đình quyết định chuyển hướng, dồn sức cho Huy Bảo theo đuổi con đường học vấn để mai này trở thành một kỹ sư, bác sĩ, thay vì chạy theo viễn cảnh mịt mờ của bóng bàn.

Sau Huy Bảo, hiện tại bóng bàn Việt Nam chưa tìm ra được tay vợt nào sở hữu tài năng đặc biệt kiểu như thế. Dần dà, giới chức bóng bàn nước nhà cũng quen với cảnh đìu hiu, ngày càng khánh kiệt nhân tài. Đấy là lý do cứ mỗi lần giải đấu dành cho các lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng và trẻ toàn quốc khởi tranh những người làm chuyên môn lại đau đáu chờ mong tìm cho được một gương mặt xuất chúng nào đó để đầu tư hoặc gửi gắm niềm tin, sự kỳ vọng…

LÊ HÙNG

Tin cùng chuyên mục