Đá chơi nhưng… hại thật

câu chuyện đội tuyển Đức lừng danh có thể… bị xuống hạng ở UEFA Nations League làm dấy lên những hoài nghi về giá trị của giải đấu này. Bởi lợi ích thì chưa thấy rõ ràng, tự nhiên thiệt hại lại xuất hiện, nhất là với các đội bóng lớn.
Tuyển Đức đang trải qua chuỗi trận tồi tệ
Tuyển Đức đang trải qua chuỗi trận tồi tệ

Như từng đề cập, về lý thuyết UEFA Nations League chỉ là giải đấu bán chính thức, thay thế loạt trận giao hữu thường diễn ra 2 tháng/lần trước đây. Chỉ có điều, dù là “đá chơi” nhưng lại có phần thưởng rất thật: 4 suất dự Euro. Và để tăng thêm tính hấp dẫn, UEFA còn đưa ra các quy định về việc lên/xuống hạng. Những quy định ấy sẽ giúp tăng chất lượng các trận đấu giao hữu trước đây, tạo động lực cho các nền bóng đá yếu. 

Thế nhưng, trong trường hợp Đức bị xuống hạng, câu chuyện rẽ sang một hướng khác. HLV Joachim Loew có thể bị sa thải, điều mà ngay cả khi thất bại ở World Cup hay Euro thì chưa chắc đã xảy ra với truyền thống khá bảo thủ của bóng đá Đức. Cái tai hại của UEFA Nations League nằm ở chỗ, nếu nó vẫn là các trận giao hữu như trước kia, có khi Đức cũng có một vài trận tưng bừng nếu họ lựa các đối thủ yếu thi đấu để thay đổi tâm lý sau thất vọng tại World Cup 2018.

Đành rằng các kết quả vừa qua cũng đã phản ánh thực trạng của đội tuyển Đức là sa sút có hệ thống, nhưng nói gì nói, có thua một vài trận giao hữu cũng không thể xem là thảm họa. Bây giờ, Đức bị “rớt hạng”, nghe cũng rất… ê chề. Khổ nỗi, nếu vì sức ép dư luận mà sa thải ông Loew thì chẳng khác nào giới chức của bóng đá Đức tự “vả mặt mình” khi trước đó đã bảo vệ ông này dù “cỗ xe tăng” bị loại ngay vòng bảng World Cup 2018 vừa qua. 

Vì thế, lấy ví dụ của tuyển Đức, chợt thấy giải đấu mới của UEFA không ổn chút nào. Bản chất của các trận giao hữu đặt nặng yếu tố thử nghiệm đội hình, trước khi vào các trận chính thức tại vòng loại những giải Euro hay World Cup. Trước đây, tùy vào từng đối thủ mà nhiều đội bóng lớn tại châu Âu ưu tiên sử dụng các cầu thủ trẻ hoặc đang chơi ở giải quốc nội để đá giao hữu, qua đó cũng giảm bớt áp lực cho các ngôi sao đang tha hương thi đấu. Cũng vẫn là các trận đấu ấy, nhưng Khoác lên nó chiếc áo Nations League thì cách đánh giá cũng trở nên khác hẳn.

Ở khía cạnh khác. Lấy ví dụ Đức đá không ra gì ở Nations League nhưng vẫn giành vé dự Euro 2020 thông qua vòng loại chính thức thì sao? Hoặc giả như các HLV cố ý chơi kém ở giải bán chính thức để “che mắt” thì sao? Đó là chưa kể, các đội tuyển vẫn có quyền không tham dự Nations League.

Âu cũng là câu chuyện của cuộc sống. Mọi lý thuyết đều cần phải được thực tế kiểm chứng. Ý nghĩa tốt đẹp của Nations League là rất rõ ràng, đem đến nhiều trận đấu “hạng A” và tạo cơ may cho nhiều đội bóng nhỏ bé. Và ngược lại, tính chất “đá chơi mà hại thật” của nó cũng dễ nảy sinh các yếu tố tiêu cực vốn dĩ không thường xảy ra trong các trận đấu giao hữu trước đây. Nhưng rõ ràng, một sự thật không thể phủ nhận là Nations League đã thể hiện được giá trị của mình ngay từ đầu, kết quả của một nỗ lực cải tổ đến từ những nhà quản lý bóng đá. Sự cải tổ đó tốt hay xấu thì vẫn cần thêm thời gian để trả lời  

Tin cùng chuyên mục