Cuộc khủng khoảng có thật

1. Khi Lê Công Vinh tuyên bố từ giã sân cỏ, người ta tập trung vào sự kiện này nên ít nhiều quên mất một vấn đề khá nghiêm trọng của bóng đá Việt: Ai thay thế Công Vinh?

Đây là một câu hỏi hết sức căn bản. Bởi ở tuổi 31 mà Công Vinh vẫn còn là số 1 trên hàng công, bất chấp việc anh chơi không tốt ở V-League suốt 2 mùa liền, thì rõ ràng là bóng đá Việt không có khả năng sản sinh tiền đạo nào khác.

Cụ thể hơn, tại AFF Cup, 2 tiền đạo có tên trong danh sách là Văn Toàn và Văn Thắng đều không phải là… tiền đạo. Một người thì có thể hình nhỏ, không phù hợp đá trung phong còn người kia, trong giải chỉ đá tiền vệ.

Thể hình nhỏ, Văn Toàn (trái) luôn tỏ ra thất thế ở các pha tranh bóng.  Ảnh: Dũng Phương

Cuộc khủng khoảng tiền đạo chỉ tạm lắng đi sau khi Công Vinh có những bàn thắng, nhưng nó hiện hữu thông qua 2 trận bán kết mà tiền đạo này không đóng góp được gì và thực sự trở thành mối lo rất lớn khi anh chia tay sân cỏ.

2. Năm 2008, Công Vinh là cầu thủ đá chính nhưng còn có Việt Thắng và Quang Hải, đều là những tiền đạo cùng đẳng cấp và “chuyên trị” vùng cấm địa.

Từ đó đến nay, nếu xét cho sòng phẳng, chỉ có thêm mỗi Hoàng Đình Tùng và phần nào đó là Anh Đức. Suốt gần 8 năm trời mà bóng đá Việt không sản sinh thêm tiền đạo quả là một con số rất đáng buồn, bất chấp việc đã giảm tối đa số lượng cầu thủ ngoại trên sân. Trong danh sách cầu thủ Việt Nam ghi bàn nhiều nhất ở mỗi mùa giải V-League, chủ yếu là các tiền vệ công mà Văn Quyết là cái tên nổi bật.

Đáng nói hơn, ngoài Anh Đức, Lê Văn Thắng, tiền đạo nội địa của Việt Nam ngày càng… lùn. Hoàng Đình Tùng, Văn Toàn… là điển hình.

3. Qua sự sa sút của Công Phượng, có thể nói đã đến lúc báo động về khâu ghi bàn của bóng đá Việt Nam. Chúng ta không thiếu các cầu thủ chơi kỹ thuật và tạo đột biến nhưng đa số đều thấp bé và có lối đá không hiện đại. Trong khi đó, tiền đạo của bóng đá hiện đại cần có thể hình, khả năng chiếm giữ không gian tốt bởi ngoài việc ghi bàn, họ còn phải tham gia phòng ngự từ xa. Điều đáng tiếc là từ năm 2008 trở về trước, tuyến trên của Việt Nam chưa bao giờ thiếu người. Ban đầu, còn đổ lỗi cho việc các CLB sử dụng đến 2 ngoại binh trên hàng công, rồi cả khi chỉ còn sử dụng 1 người thì cũng chẳng thấy khả quan hơn. Thế nên mới có chuyện Lê Công Vinh trở thành số 1 một cách đương nhiên và đây cũng là nguồn gốc của những đánh giá khác nhau về sự cống hiến của ngôi sao này tại AFF Cup 2016.

Khổ nỗi, cứ cho là Công Vinh đã bên kia sườn dốc nhưng anh không đá chính thì ai bây giờ?

VIỆT LONG

Tin cùng chuyên mục