Cuộc chiến hoàn hảo

Đúng 1 năm trước, khi Conte nhận lời làm việc ở Chelsea, Pep Guardiola ra mắt ở Man.City và Mourinho cập bến Man.United, nhiều người đã kỳ vọng sẽ nổ ra một cuộc chiến hấp dẫn giữa các triết lý bóng đá ở Premier League. 
Nhưng rồi sự sa sút của Man.City sau chuỗi 7 vòng đấu đầu tiên thắng lợi rực rỡ; những trận hòa thất vọng của một Man.United với sự phụ thuộc quá lớn vào Ibrahimovic trong khâu săn bàn; phong độ không ổn định của một Liverpool từng được coi là chơi cống hiến nhất mùa giải… đã không cho thấy một cuộc chiến giữa các triết lý thực sự tồn tại. Dễ hiểu, khi các HLV chưa thể có được 1 đội hình ưng ý nhất, chưa có đủ thời gian để áp đặt triết lý của mình lên đội bóng, cuộc chiến ấy chưa thể nào thành hình.

Nhưng tình thế lúc này đã khác. Sau 1 năm làm quen với CLB của mình, những Conte, Mourinho, Pep Guardiola sẽ trình diện một đội bóng với diện mạo in đậm tư duy làm bóng đá của mình. Không chỉ có vậy, việc có trong tay những bổ sung mới đầy hứa hẹn ở thị trường mùa hè 2017 này đã giúp tất cả các HLV hàng đầu của Premier League thể hiện hết bản lĩnh của mình. Và bởi thế, mùa giải 2017-2018 tới đây sẽ là mùa giải không chỉ cho khán giả được chứng kiến một cuộc đua ngôi vô địch khắc nghiệt mà còn được thưởng lãm một chiến trường hoành tráng nhất nơi cuộc đụng độ giữa các triết lý bóng đá tiêu biểu sẽ nổ ra.
Cuộc chiến hoàn hảo ảnh 1 Antonio Conte đã thắng nhờ phát kiến 3-4-3 ở mùa qua, nhưng cũng đồng thời thúc đẩy các đồng nghiệp ông thay đổi ở mùa giải mới.
 Klopp, với Salah từ Roma, người mà ông cho rằng sẽ hoàn toàn phù hợp khi chơi chung với Sadio Mane, chắc chắn sẽ hoàn thiện hơn nữa thứ triết lý “pressing phản pressing” (Gengenpressing) của mình. Gegenpressing của Klopp vốn dĩ là lối chơi pressing nhưng được Klopp cách tân bằng việc phá vỡ các nguyên tắc cơ bản của pressing cổ điển, đặc biệt ở tuyến, khu vực, thời điểm, kế hoạch, phương thức triển khai pressing. Chính vì thế, nó được đặt bằng cái tên “pressing phản pressing” giống như cách người phương Tây nói về các trào lưu “văn hóa phản văn hóa”; “triết học phản triết học” hồi thập niên 50, 60  và 70 thế kỷ trước. Triết lý ấy của Klopp giúp Liverpool trình làng một lối chơi hừng hực lửa, cuốn hút vô cùng nhưng nó chưa giúp họ vươn tới thành công bởi sự bào mòn thể lực dễ khiến cầu thủ bị xuống phong độ ở những thời điểm quan trọng. Để hoàn thiện gegenpressing của mình, Klopp còn quá nhiều việc phải làm trong khoảng thời gian hơn 1 tháng trước mắt. Đặc biệt là việc bổ sung hậu vệ biên, nhất là biên trái, nơi người trấn giữ vẫn đang là một hậu vệ bất đắc dĩ mang tên James Milner.
Trong khi đó, Chelsea đã được bổ sung những vị trí trọng yếu mà Conte nhận thấy chỉ có may mắn ở mùa giải trước mới giúp họ không bị đổ vỡ ở các vị trí ấy vào các thời điểm quan trọng. Việc mua được Rudiger và Bakayoko giúp Conte bồi đắp vững chắc hơn nền tảng đội bóng của mình để phát huy triết lý kiểm soát thế trận nhờ vào việc đẩy các cầu thủ vươn tới giới hạn cuối cùng của mình. Conte rất thích sử dụng từ “work” (lao động) và ông coi việc chơi bóng là một quá trình lao động miệt mài, không ngừng nghỉ. Song song đó, về huấn luyện, ông hướng tới sự toàn diện chứ không chỉ mạnh về 1 mặt cụ thể nào đó như chiến thuật, tâm lý, tạo động lực…  Về phía Man.United, họ cũng tích cực bổ sung ‘năng lượng’ và Mourinho cũng là người mang triết lý kiểm soát thế trận như Conte song điểm khác là Mourinho không chủ động cho pressing ở phần sân gần cầu môn đối phương (offensive pressing) cũng như không chủ động tổ chức các đợt dàn xếp tấn công mạo hiểm khi đội có bóng như Conte. Triết lý của Mourinho có thể chưa phù hợp với văn hóa Man.United, có thể bị coi là đã cũ nhưng nó vẫn đặc biệt nguy hiểm bởi Mourinho là HLV đọc trận đấu rất tinh tường nên luôn có các điều chỉnh chính xác đủ để thay đổi cục diện thế trận. Với Lukaku, Mourinho đang đưa Man.United vào định dạng ưa thích của mình, định dạng một đội bóng có 1 trung phong như cỗ thiết giáp đi tiên phong đè bẹp các chướng ngại mà đối thủ đề ra. Còn Pep và Wenger, họ khá tương đồng với triết lý kiểm soát bóng nhưng khác biệt ở một điểm duy nhất. Pep đề cao tính chính xác, nên ông có các kế hoạch rất cụ thể trong việc chuyền bóng, di chuyển… cho mỗi trận đấu. Còn Wenger, ông đề cao lối tấn công đẹp mắt, cống hiến, chấp nhận mạo hiểm và đó cũng là lý do Arsenal hay phải trả giá đắt ở nhiều mùa giải vừa qua. Bây giờ, khi Wenger có được Lacazette và kiên định với 3-4-2-1, có thể Arsenal của ông sẽ rất khác và hứa hẹn sẽ là bất ngờ ở mùa giải mới này. Cuộc chiến triết lý bóng đá hấp dẫn thực sự ở Premier League bây giờ mới chỉ bắt đầu!

Tin cùng chuyên mục