Cử tạ Việt Nam: Quyết tìm 2 suất dự Olympic 2012

Tại Olympic Bắc Kinh 2008, lực sĩ Hoàng Anh Tuấn đã mang về cho Việt Nam chiếc HCB môn cử tạ hạng 56kg nam. Tuy nhiên, lực sĩ “lắm tài, nhiều tật” này đã vướng phải doping và bị cấm thi đấu 2 năm. Vì thế, cử tạ Việt Nam đang gặp không ít khó khăn khi bước vào giai đoạn nước rút để giành suất chính thức tham dự Olympic Luân Đôn 2012.
Cử tạ Việt Nam: Quyết tìm 2 suất dự Olympic 2012

Tại Olympic Bắc Kinh 2008, lực sĩ Hoàng Anh Tuấn đã mang về cho Việt Nam chiếc HCB môn cử tạ hạng 56kg nam. Tuy nhiên, lực sĩ “lắm tài, nhiều tật” này đã vướng phải doping và bị cấm thi đấu 2 năm. Vì thế, cử tạ Việt Nam đang gặp không ít khó khăn khi bước vào giai đoạn nước rút để giành suất chính thức tham dự Olympic Luân Đôn 2012.

  • Đường đến Luân Đôn

Chuẩn bị cho mục tiêu góp mặt ở ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh vào năm tới cũng như SEA Games 26, đội dự tuyển quốc gia môn cử tạ đã tập huấn từ sau tết Tân Mão (15-2-2011). Những năm trước, đội dự tuyển quốc gia đều tập trung tại Hà Nội, nhưng năm nay chia 2 nhóm: Hà Nội (11 VĐV) và TPHCM (7 VĐV). Ông Đỗ Đình Kháng bày tỏ: “Vắng Hoàng Anh Tuấn lại thêm một số VĐV kỳ cựu như: Nguyễn Thị Thiết (63kg nữ), Khuất Minh Hải (69kg nữ), Nguyễn Mạnh Thắng (62kg nam)… xin giã từ sàn đấu khiến cho lực lượng vận động viên hiện tại đang gặp không ít khó khăn”.

Theo quy định của Ban tổ chức Olympic Luân Đôn, các VĐV cử tạ có thể đến đây bằng 4 con đường: các suất dành cho chủ nhà, các suất đặc cách, các suất từ bảng xếp hạng đồng đội và bảng xếp hạng cá nhân. Về xếp hạng đồng đội (dựa theo kết quả giải vô địch thế giới năm 2010 và 2011), Việt Nam không có cửa tranh chấp vì VĐV tham dự ít mà thành tích không cao lắm, vì vậy chỉ còn con đường duy nhất là dựa vào bảng xếp hạng cá nhân (dành cho 1 VĐV đạt thành tích cao nhất từng hạng cân ở 1 trong 3 giải vô địch thế giới, vô địch châu lục và vô địch thế giới trẻ năm 2011). Giải vô địch châu Á tổ chức vào tháng 1-2011 (ngay sau Đại hội TDTT toàn quốc lần 6) nên Việt Nam không thể góp mặt vì quá cập rập, nên chỉ còn cơ hội ở giải vô địch thế giới trẻ (Penang, Malaysia) từ 30-6 đến 7-7 và giải vô địch thế giới (Paris, Pháp) từ 5 đến 13-11.

Hiện nay, vài gương mặt có triển vọng trong đội dự tuyển quốc gia là Trần Lê Quốc Toàn, Thạch Kim Tuấn (cùng hạng 56kg nam), Nguyễn Thị Phương Loan (hạng 69kg nữ)... Tuy nhiên, tổng 2 động tác cử giật và cử đẩy của Kim Tuấn chỉ ở mức 262kg (Đại hội TDTT toàn quốc lần 6) và Quốc Toàn là 261kg (Asian Games 16) nên cần phải nỗ lực rất nhiều để đạt mức 276kg-280kg mới có hy vọng. Từ giữa tháng 3-2011, chuyên gia Diyan Deykov (Bulgary) đã tập trung đầu tư cho Kim Tuấn để lực sĩ của TPHCM này thi thố tài năng tại giải vô địch thế giới trẻ ở Malaysia. Đến tháng 9-2011, 2 nhóm VĐV nòng cốt sẽ tập huấn tại Trung Quốc và Bulgary để chuẩn bị cho cơ hội cuối cùng ở Pháp để hoàn thành chỉ tiêu 2 suất. 

Thạch Kim Tuấn và chuyên gia Diyan Deykov.

Thạch Kim Tuấn và chuyên gia Diyan Deykov.

  • Mục tiêu ở Sea Games 26

Bên cạnh nhiệm vụ giành suất dự Olympic 2012, môn cử tạ còn một mục tiêu quan trọng khác là SEA Games 26. Thời điểm diễn ra SEA Games 26 (ngày 11 đến 25-11) và giải vô địch thế giới chỉ lệch nhau vài hôm nên bộ môn và Ban huấn luyện phải tính toán, sắp xếp lực lượng sao cho đảm bảo được cả 2 yêu cầu. Tại SEA Games 25-2009 ở Lào, cử tạ Việt Nam giành 2 HCV do công của 2 lực sĩ Dương Thanh Trúc (hạng 77kg) và Nguyễn Thị Phương Loan. Trao đổi cùng chúng tôi về chuyến sang Indonesia sắp tới, ông Đỗ Đình Kháng, Trưởng Bộ môn Cử ta - thể hình (Tổng cục TDTT), tỏ ra khá thận trọng: “SEA Games 26 sẽ tổ chức thi đấu 14 hạng cân (nữ từ 48kg đến trên 69kg và nam từ 56kg đến trên 105kg). Chuẩn bị cho sân chơi này, một vài nước trong khu vực như Myanmar, Singapore… đã bắt đầu nhập khẩu VĐV cử tạ từ Trung Quốc. Thế nên, cuộc chiến ở SEA Games 26 được dự báo sẽ rất căng thẳng. Trong tình hình lực lượng kế thừa còn mỏng cộng với phải phân chia cho 2 “mặt trận” nên bộ môn chỉ đặt chỉ tiêu 1 HCV”

THIỆN TÂM

Tin cùng chuyên mục