Có một vì sao đáp xuống phố cảng Rosario

1.
Có một vì sao đáp xuống phố cảng Rosario

1. Chín tháng trước, ngày 24-6-1987, một vì sao đáp xuống căn nhà tồi tàn của ông Jorge Horacio Messi ở Rosario, Argentina vào lúc nửa đêm và làm vợ ông mang bầu. Bà lao công Celia Maria Cuccittini suốt ngày xoa tay lên bụng, không biết vừa được đấng toàn năng giao cho một sứ mệnh thiêng liêng: mang đến cho loài người một kẻ truyền giáo vĩ đại trong lãnh vực bóng đá, người sau đó 20 năm sẽ cùng với thầy mình là Pep Guardiola bắt đầu cuộc hành trình khó khăn nhất nhưng cũng vinh quang nhất trong lịch sử túc cầu là biến một môn thể thao thành một môn nghệ thuật.

Lionel Messi

Lionel Messi

2. Lionel Messi lớn lên theo kiểu cách kỳ quặc của một thiên sứ: ngay từ bé đã mắc chứng chậm tăng trưởng. Có vấn đề với hoóc-môn, 11 tuổi Messi đã cho thấy dấu hiệu của thiên tài, nhưng là một thiên tài có nguy cơ gãy cánh nếu không được chữa trị đến nơi đến chốn. Bệnh đã lạ, điều trị lại vô cùng tốn kém. Ngay cả một câu lạc bộ lớn ở Argentina lúc đó là River Plate cũng lắc đầu dù rất khâm phục tài nghệ của chú nhóc.

Bây giờ ngẫm lại, kẻ viết bài này ngờ rằng số mệnh đã bày ra như thế để Messi buộc phải lưu lạc tới xứ Calatan ở Tây Ban Nha, nơi một trong những câu lạc bộ lớn nhất thế giới là Barcelona sẵn lòng cưu mang anh.

3. Được chạy chữa chu đáo, Lionel Messi dứt chứng còi xương, nhưng cũng chỉ đạt tới chiều cao 1, 69 mét - một thước tấc khiêm tốn trong bóng đá, đặc biệt là trong bóng đá hiện đại ngày càng thiên về thể lực. Nhưng anh đang ở Barcelona, một đội bóng theo đuổi triết lý bóng đá cống hiến ngay từ những ngày đầu thành lập, nơi các thế hệ huấn luyện viên luôn tôn thờ bóng đá tấn công - xem đó như là lý do để môn bóng đá có mặt trong cuộc đời này.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi ở sân Nou Camp, những phẩm chất kỹ thuật được đề cao và những “chú lùn” như Xavi, Iniesta nhanh chóng trở thành những danh thủ giỏi nhất thế giới trong vị trí của mình. Hạt giống Messi đã được số mệnh chọn sân Nou Camp để gieo xuống là có ý đồ. Một cầu thủ trẻ, vô danh và thấp bé như anh chắc chắn sẽ bị những nền bóng đá lực sĩ như Anh, Ý, Đức coi bằng nửa con mắt và sẽ bị loại ngay từ vòng gửi xe.

Giả như được ở lại, anh cũng sẽ bị nhào nặn thành một mẫu cầu thủ rất khác với bây giờ và vì sao đến từ trời cao kia có nhiều khả năng sẽ thui chột đi để trở thành một cầu thủ như bao cầu thủ khác ra đời trên mặt đất. Messi gặp Barcelona, hay Barcelona gặp Messi, thiết tưởng đó là một kỳ duyên.

4. Tuần vừa rồi, Messi đã đạt tới cột mốc 68 bàn thắng trong một mùa bóng để phá kỷ lục tồn tại 40 năm trên trái đất của siêu sao người Đức Gerd Muller. Để phá được một kỷ lục tồn tại lâu đến thế dĩ nhiên phải cần đến một thiên sứ. Trước đó một thời gian dài, nhiều chuyên gia bóng đá đã tin rằng việc ghi 67 bàn thắng trong một mùa của danh thủ người Đức là một dạng kỷ lục đã được lịch sử niêm phong, nghĩa là không thể phá nổi, thậm chí không thể bén mảng tới. Lý do: bóng đá ngày nay chặt chẽ hơn, tính chiến thuật được đề cao hơn, các hậu vệ cao to hơn, kỹ năng phòng ngự hoàn hảo hơn, hệ quả là các tiền đạo không có nhiều không gian và thời gian để phô diễn tài nghệ ghi bàn như cách đây nửa thế kỷ.

Hơn nữa, Gerd Muller là một tài năng đặc biệt của bóng đá thế giới, người được mệnh danh là “vua dội bom”, được FIFA trao giải chân sút xuất sắc nhất mọi thời đại vào năm 2000 khi ngoài kỷ lục nêu trên, ông còn là vua phá lưới Cúp C1 châu Âu 4 lần: 1973, 1974, 1975, 1977, vua phá lưới EURO 1972 lẫn vua phá lưới World Cup 1970. Quá kinh khủng! Thế mà ông vua săn bàn kỳ vĩ đó, Gerd Muller hiển thánh đó, theo nhận định của các chuyên gia, nếu chơi bóng vào năm 2012 chưa chắc đã lặp lại được thành tích 67 bàn một mùa.

5. Vậy mà Messi vừa ghi 68 bàn, và con số này có thể còn cao hơn nữa vì mùa bóng vẫn chưa kết thúc. Một điều kỳ quặc khác rất đáng để chúng ta ngả nón là người phá kỷ lục của ông vua dội bom người Đức đó không phải là một tiền đạo đúng nghĩa, càng không phải là một trung phong. Messi mùa này chơi ở vị trí số 9 rưỡi, hoạt động tự do nhưng thường là gần với vòng tròn giữa sân hơn.

Ở vị trí tiền đạo ảo đó, anh đã làm cực tốt vai trò tiền vệ tổ chức khi đã thực hiện tới 28 đường chuyền thành bàn. Nhưng vì là thiên sứ, anh cũng kịp ghi 68 bàn để bắt các ký giả thể thao phải lục lọi các chồng báo cũ gần nửa thế kỷ trước để so sánh các con số thống kê. Đáng nói hơn, Messi chỉ cần 57 trận để đạt kỷ lục 68 bàn, nghĩa là hiệu suất 1,2 bàn/trận. Chúng ta nên nhớ trong bóng đá hiện đại, hiệu suất 1 bàn/1 trận đã là điều không tưởng.

6. Không chỉ phá kỷlục của Gerd Muller, trước đó Messi đã lần lượt phá kỷ lục 232 bàn của Cesar Rodriguez để trở thành chân sút vĩ đại nhất của Barcelona qua các thời kỳ, là người đầu tiên ghi 5 bàn trong một trận kể từ khi Champions League ra đời, nhiều khả năng trở thành người đầu tiên giành chức vua phá lưới Champions League 4 mùa liên tiếp (anh đã là vua phá lưới 3 mùa liền, mùa này cũng đang dẫn đầu với 14 bàn - nhiều hơn người đứng kế 2 bàn), và đáng sợ hơn sẽ là người đầu tiên trong lịch sử bóng đá đoạt nhiều hơn 3 Quả bóng vàng, vân vân và vân vân...

Những cái đầu tiên? Những thách thức thế kỷ? Những giới hạn của con người? Không sao! Đã có Lionel Messi, người được sinh ra để biến những điều không thể thành có thể - bằng thứ bóng đá mê hoặc lòng người! Điều đó càng khiến chúng ta tin rằng quả đã có một vì sao rơi xuống nóc nhà xập xệ của ông thợ máy Jorge Horacio Messi ở khu phố cảng Rosario bên sông Parana 24 năm trước...

Chu Đình Ngạn

Tin cùng chuyên mục