Chuyện những cái “lò”

Xin nói ngay, lò ở đây là lò đào tạo bóng đá trẻ. Những ngày này, vòng chung kết giải bóng đá U17 quốc gia đang diễn ra ở thành phố biển Nha Trang. Vòng loại các giải U15, U21 cũng đang thi đấu sôi nổi nên chuyện những cái lò đào tạo ấy bỗng trở nên thời sự và mang nhiều xúc cảm của đời sống bóng đá nước nhà.

Xin nói ngay, lò ở đây là lò đào tạo bóng đá trẻ. Những ngày này, vòng chung kết giải bóng đá U17 quốc gia đang diễn ra ở thành phố biển Nha Trang. Vòng loại các giải U15, U21 cũng đang thi đấu sôi nổi nên chuyện những cái lò đào tạo ấy bỗng trở nên thời sự và mang nhiều xúc cảm của đời sống bóng đá nước nhà.

Từng rất nổi danh về đào tạo trẻ, nhưng vòng chung kết giải U17 lại vắng bóng lò Nam Định, vì bị loại ở vòng đấu bảng. Việc đội bóng trẻ thành Nam không thể góp mặt ở cái sân chơi mà họ từng đình đám, âu đã nói lên thực trạng của bóng đá Nam Định hiện nay.

Cuối tuần trước ở vòng 22 giải hạng Nhất, đội bóng Nam Định đã lập một kỷ lục thuộc dạng vô tiền khoáng hậu khi thua Than Quảng Ninh 2-10. Cái tỷ số chỉ cần nghe qua đã choáng váng, và đấy cũng chính là cái tát thẳng mặt vào những người đang làm bóng đá xứ này, nơi vẫn tự hào là thành trì của bóng đá bao cấp – thứ bóng đá xin cho và đầy tính áp đặt, nhưng chẳng hiểu sao vẫn còn tồn tại ở thành Nam, khiến bóng đá nơi đây ngày càng lạc lõng với sân chơi chuyên nghiệp. Hậu quả, đội bóng Nam Định năm ngoái từ V-League rơi thẳng xuống chơi ở hạng Nhất, và giờ đang chuẩn bị xuống “nhập hộ khẩu” ở giải hạng Nhì khi đứng áp chót bảng xếp hạng, chỉ hơn đúng H.Huế.

Bóng đá Việt Nam đang chuyên nghiệp hóa từng ngày, nên tất cả hành xử đều cần phải rạch ròi, minh bạch và hầu hết đều… quy ra tiền. Thế nhưng ở Nam Định, những người làm bóng đá vẫn hành xử với cầu thủ như cách đây hơn chục năm với những bản hợp đồng mù mờ và thường xảy ra nhiều vấn đề mỗi khi có cầu thủ xin chuyển nhượng. Chẳng ngạc nhiên khi hầu hết cầu thủ Nam Định luôn lăm le ý định “đào thoát” mỗi khi có cơ hội, dẫn đến nghịch lý: nơi từng tự hào về đào tạo trẻ, nhưng giờ đây ban huấn luyện Nam Định lại ta thán không có cầu thủ để thi đấu. Trận thua 2-10 vừa qua còn được nhiều người trong cuộc nói thẳng, các cầu thủ Nam Định muốn đội bóng của họ tiếp tục rớt hạng để dễ bề… ly hương!

***

Vòng chung kết giải U17 quốc gia có 8 đội góp mặt ở vòng chung kết, trong đó có những lò nổi danh về truyền thống đào tạo trẻ như Sông Lam Nghệ An, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Thể Công (giờ là Viettel), và gần đây thêm Hoàng Anh Gia Lai. Đây cũng chính là những ứng viên sáng giá cho chức vô địch. Đồng thời, từ những đội bóng trẻ này, người ta cũng nhìn thấy bóng dáng các địa phương ấy ở sân chơi lớn.

Ngoài Viettel, những cái tên kể trên đều đang nằm trong nhóm đầu V-League, trong đó có cả những ứng viên vô địch như SLNA, SHB Đà Nẵng. Đồng thời tư duy bóng đá nơi các CLB chuyên nghiệp cũng ảnh hưởng khá rõ đến các đội bóng trẻ của họ. Đơn giản, vì tất cả những gương mặt U17 hôm nay sẽ là thế hệ kế thừa cho những đàn anh của họ ở đội lớn trong vài ba năm nữa.

Nhìn các cầu thủ của U17 HAGL, SHB Đà Nẵng, SLNA, Đồng Tháp… thi đấu, giới chuyên môn đã có thể nhìn thấy những cái tên kể trên sẽ còn tiếp tục thống trị ở đỉnh cao của bóng đá nước nhà trong những năm tới.

Đồng thời, người ta cũng thấy mừng (lẫn hy vọng) khi nhiều CLB bóng đá Việt Nam đã bắt đầu quay lại với việc xây nền, đắp móng qua những hệ thống đào tạo trẻ, chứ không chỉ chăm chăm “hớt ngọn” thành tích qua việc tung tiền mua ngoại binh, hoặc ngôi sao xứ khác về làm sức mạnh của mình.

Cũng tại giải đấu trẻ, những người yêu mến cái tên Thể Công đã có thể nhen lên hy vọng, khi lứa U17 Viettel hiện nay (do chính các danh thủ Thể Công trước đây huấn luyện) đang ấp ủ việc phục sinh lại cái tên lừng lẫy ấy vào năm 2015, với một hình hài mới trẻ và khỏe hơn.

Người ta nói các giải bóng đá trẻ luôn là nền tảng, là bệ phóng, là vườn ươm của bóng đá nước nhà. Và ở đó, chuyện những lò đào tạo bóng đá trẻ cũng chính là quá khứ, hiện tại lẫn tương lai của bóng đá Việt.

SONG NGƯ

Tin cùng chuyên mục