Chờ cuộc dài lâu

Chuyên gia nước ngoài đến với thể thao Việt Nam ai cũng muốn một cuộc gắn kết lâu dài. Tuy vậy, với các môn thể thao thành tích cao, rất ít ông thầy ngoại làm việc được lâu.

Chuyên gia nước ngoài đến với thể thao Việt Nam ai cũng muốn một cuộc gắn kết lâu dài. Tuy vậy, với các môn thể thao thành tích cao, rất ít ông thầy ngoại làm việc được lâu.

Vừa làm vừa thẩm định

Môn karatedo đã chuyền mình bằng việc thay đổi tư duy chấp nhận thuê chuyên gia ngoại làm HLV trưởng từ năm 2014. HLV Hassan (Iran) là người đầu tiên được may mắn như vậy. Hợp đồng làm việc của ông Hassan vào năm 2014 tính gọn ghẽ chỉ được 9 tháng và Tổng cục TDTT không muốn tái ký do thấy đã không có HCV Asian Games năm đó. Sau ông này, chuyên gia người Latvia Maksim Ivancikov được mời ký hợp đồng cùng đội tuyển karatedo Việt Nam năm 2015. Và cũng sau 9 tháng làm việc, vị chuyên gia này không được triển hạn hợp đồng.

Một sự trùng hợp nhưng gần như là... luật bất thành văn rằng, các bộ môn thuê chuyên gia nước ngoài cho đội tuyển quốc gia tính hợp đồng ký theo năm một. Sau mỗi năm, lãnh đạo Tổng cục TDTT và bộ môn đánh giá thì mới gật đầu triển hạn hay không. Do vậy, những chuyên gia nước ngoài khi sang Việt Nam làm việc với các đội thể thao thường có hợp đồng ngắn hạn chứ ít được ký dài hạn.

Bóng chuyền là môn điển hình như vậy. Nhà quản lý thuê chuyên gia về thường lấy hạn mức 2 tháng ban đầu coi là thử việc. Sau đó, nếu vượt được sự khắt khe về chuyên môn của Ban chuyên môn của Liên đoàn thì mới được tái ký. Trước đây, chuyên gia Agusto (Brazil) từng phải về nước sớm do sau 2 tháng làm việc mà không được bóng chuyền Việt Nam ký hợp đồng. Vào tháng 4, chuyên gia Nhật Bản Hidehiro Irisawa sang Việt Nam ký hợp đồng làm việc huấn luyện đội nữ bóng chuyền quốc gia. Trước mắt, dù ông này được trả lương cao, hợp đồng cũng chỉ tạm ký 1 năm, sau đó mới tính tiếp.

Chuyên gia Hidehiro Irisawa chỉ dẫn dắt đội tuyển nữ trong vòng 1 năm.

Chờ cuộc dài lâu ảnh 2

Không dài hạn thì phí

Về bản chất, các Ban huấn luyện và lãnh đạo bộ môn của các môn thể thao (Tổng cục TDTT) đều muốn ký hợp đồng dài hạn phải từ 2-3 năm trở lên với một chuyên gia. Như thế, chương trình làm việc mới tạm đi vào quỹ đạo đúng giáo án của người đó. Tuy nhiên, chúng ta gặp tâm lý muốn phải có thành tích ngay và chuyên gia tương xứng với tiền lương ngoại tệ. Thời gian ngắn hạn, dù chuyên gia giỏi cũng khó hoàn thiện được ngay nên họ sớm bị kết thúc hợp đồng là bất khả kháng.

Mới nhất, chuyên gia Hassan trở lại cùng đội karatedo Việt Nam. Tuy nhiên, hợp đồng của ông này được Tổng cục TDTT ký trong năm 2017 là từ ngày 15-2 tới tháng 8. Nghĩa là, chuyên gia làm việc khoảng nửa năm cho mục tiêu nhắm vào SEA Games 2017 chứ chưa dài hơi. Người làm nghề biết rằng, vị chuyên gia này có chuyên môn huấn luyện tốt với VĐV nam và mắt nhìn người rất hiệu quả. Khi đưa đội tuyển karatedo Việt Nam tại Asian Games 2014, ai cũng thấy, trên sàn đấu, khi VĐV Việt Nam gặp bất lợi vì quyết định trọng tài thì chuyên gia phản ứng và xem lại băng hình thì khiếu nại đúng chuyên môn.

Năm 2016, đấu kiếm Hà Nội rất nỗ lực chờ Tổng cục TDTT gật đầu để mời chuyên gia Ko Jin song (Hàn Quốc). Đây là chuyên gia từng góp công lớn giúp tuyển thủ Như Hoa (kiếm ba cạnh) và Đỗ Thị Anh (kiếm liễu) đạt kết quả tốt giành suất Olympic 2016. Nhưng vì không có kinh phí, chuyên gia Ko Jin song chỉ làm việc ngắn hạn rồi về lại Hàn Quốc. Vượt qua những khó khăn, thể thao Việt Nam có một số chuyên gia làm việc được dài hơi với các đội tuyển. Đơn cử có thể kể về cố HLV Misa (người Nga, điền kinh), HLV Park Chung Gun (Hàn Quốc, bắn súng), Kurkov (Kyrgyzstan, xe đạp), Fidon (Gruzia, vật tự do)...

Học trò của họ đã có người dự Olympic và giành nhiều kết quả HCV SEA Games và huy chương Asian Games. Chuyên gia Park Chung Gun là một nhân tố quan trọng giúp xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đoạt HCV, HCB tại Olympic 2016. 

 Thể thao Việt Nam (các môn thành tích cao) có thói quen không triển hạn hợp đồng với chuyên gia ngoại. Gần như hiếm việc HLV ngoại vì cá tính xin từ chức ngay lúc thời điểm hợp đồng còn thời hạn. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, duy nhất đội taekwondo Việt Nam có chuyên gia Kim Jae Sik đã từ chức trong thời gian làm việc năm 2011. Lịch sử thể thao Việt Nam từng muối mặt phải trả cựu HLV đội U.23 bóng đá nam là ông Letard Pháp) gần 200 ngàn USD vào năm 2005 do bị thua kiện vì sa thải trước khi kết thúc hợp đồng.

NGUYỄN ĐÌNH

Tin cùng chuyên mục