Chiến thuật nào?

Các tình huống nguy hiểm của U22 Việt Nam đều đến từ các pha bóng sút xa. Toàn trận đấu, U22 Việt Nam không có pha phối hợp vùng cấm nào đáng kể
1. Trước tiên, phải nói là thất vọng với trình độ của tuyển “Các ngôi sao K-League”. Thật khó tưởng tượng những cầu thủ đến từ giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Á lại chơi một thế trận “dưới cơ” so với U22 Việt Nam. Có thể là do việc tập hợp vội vã, không rèn luyện mảng miếng chiến thuật gì. Cũng có thể họ đá với tư thế giao hữu đúng nghĩa nên không đặt nặng vấn đề thắng - thua. Nhưng tựu trung, đá với một “quân xanh” như thế này thì chẳng thể học được gì nhiều.
Các số liệu thống kê đều nghiêng phần ưu thế về phía Việt Nam, tuy nhiên điều đó cũng chẳng nói lên quá nhiều điều. Chiếm giữ thế trận, kiểm soát bóng nhiều hơn, số tình huống ghi bàn cũng khác lớn, nhưng U22 Việt Nam cũng chỉ ghi 1 bàn. Xét trên tổng thể, 1 bàn là quá ít.
Chiến thuật nào? ảnh 1 Hàng thủ Việt Nam lúng túng hóa giải pha tấn công của đối thủ. Ảnh: Minh Hoàng
2. Vấn đề ghi bàn là chuyện đã được nói nhiều ở đội tuyển U22 hiện nay khi chúng ta không có những tiền đạo sắc bén. Nhưng sau một trận đấu dễ dàng, lại thấy có những vấn đề khác nảy sinh.
Các tình huống nguy hiểm của U22 Việt Nam đều đến từ các pha bóng sút xa. Toàn trận đấu, U22 Việt Nam không có pha phối hợp vùng cấm nào đáng kể. Ngay như bàn thắng của Văn Toàn, cũng chỉ là một pha sút nhanh sau khi bóng bật ra từ hậu vệ Hàn Quốc chứ không phải là kết quả của một pha phối hợp.
Câu hỏi đặt ra: Các tiền đạo Việt Nam kém hay vì chúng ta không hề có chiến thuật tấn công nào rõ ràng?
Thực tế trên sân cho thấy lối chơi của U22 Việt Nam dù đẹp mắt nhưng lại đơn giản. Chúng ta sử dụng nhiều đường chuyền giữa sân nhờ sự đông đảo của các tiền vệ, nhưng khi bóng lên đến gần vùng 16m50 thì hoặc là chuyền bóng ra biên hoặc sút xa chứ không có những miếng phối hợp tiếp theo để xâm nhập vùng cấm.
Cách đá này rất dễ bị phá nếu đối phương chơi phòng ngự khu vực, có số đông cầu thủ phòng ngự và pressing tốt. Sự đa dạng trong tấn công không có nên dù đá ép sân thì số bàn thắng cũng khó mà nhiều được.
3. Thật ra, vấn đề chiến thuật luôn là dấu hỏi liên quan đến năng lực của HLV Nguyễn Hữu Thắng. Đây cũng là yếu tố duy nhất mà cho đến nay, HLV người xứ Nghệ vẫn chưa chứng tỏ được.
Dưới thời của ông Thắng, đội tuyển cải thiện tốt về mặt trình diễn, tinh thần, sự gắn kết nhưng lại không hề rõ nét chiến thuật chơi bóng. Ví dụ như hôm qua, dù luôn có 1 tiền đạo đá cao nhất nhưng số lần nhận bóng của họ lại rất thấp và không tạo cơ hội nào rõ nét.
Ngược lại, khi bị đối phương phản công, hàng thủ lại tỏ ra lúng túng. Đây là những cơ sở cho thấy đội tuyển U22 không có các phương án thi đấu rõ ràng.
Nói đúng hơn, chúng ta đang đá dựa trên một nhóm cầu thủ ở hàng tiền vệ, với HAGL làm nòng cốt. Phải chăng, sự đẹp mắt, phối hợp nhuần nhuyễn chẳng qua là do các cầu thủ HAGL đã quen chơi với nhau, chẳng cần HLV Hữu Thắng phải rèn giũa gì cả...
Thế nên, nếu nói U22 hiện nay đơn giản chỉ là HAGL++, cũng không phải là thiếu cơ sở. 

Tin cùng chuyên mục