Chỉ tiêu khiêm tốn


Tuyển judo Việt Nam đặt mục tiêu khiêm tốn là 1 HCV tại SEA Games 29-2017. Tại nhà thi đấu Bình Dương lúc này, người trong giới judo được mục sở thị những võ sĩ mạnh nhất Việt Nam thi đấu.
Như Ý (trên) vẫn là chủ lực của judo Việt Nam tại đấu trường SEA Games.
Như Ý (trên) vẫn là chủ lực của judo Việt Nam tại đấu trường SEA Games.
1. Trưởng bộ môn judo (Tổng cục TDTT) kiêm TTK Liên đoàn judo Việt Nam – ông Nguyễn Hữu An cho biết “giải judo VDDQG 2017 là cuộc sát hạch rà soát lực lượng đội tuyển rất quan trọng cho đấu trường SEA Games 2019 sắp tranh tài”. Về cơ bản, judo như nhiều môn võ khác tại Việt Nam, những tuyển thủ nổi bật từng hạng cân sớm được biết sẽ chiếm ưu thế chiến thắng khi đấu giải VĐQG. Do đó, những chiến thắng của họ tại giải VĐQG không bất ngờ.
Cách đây 3 tuần, nhiều thành viên ưu tú thuộc đội judo Việt Nam đã thi đấu giải vô địch châu Á 2017 tại Hồng Công. Chúng ta không có huy chương. Nhưng VĐV dự giải trực tiếp như Nguyễn Thị Hường (63kg nữ), Nguyễn Thị Diệu Tiên (70kg nữ), Nguyễn Hữu Hưng (81kg nam), Huỳnh Nhất Thống (60kg nam)... đã tích lũy thêm kinh nghiệm thực tế để chuẩn bị SEA Games. “SEA Games 2017, chủ nhà Malaysia chỉ đưa vào thi đấu 6 hạng cân nên chúng ta đặt chỉ tiêu 1 HCV là phù hợp với thực tế. Đây cũng là một kỳ khó khăn cho đội judo Việt Nam do một số hạng cân nhẹ mà VĐV mình có thế mạnh đã không có trong chương trình thi đấu”, ông An chia sẻ. Đồng nghĩa, nhóm VĐV ở nội dung 66kg, 73kg, 81kg (nam) và 63kg, 70kg, 78kg (nữ) tại giải VĐQG 2017 được chú ý nhất. Nòng cốt của đội tuyển thi đấu SEA Games 2017 đã lên danh sách sơ bộ. Tuy vậy, cần giữ tâm lý VĐV ổn định, nên danh sách không công bố sớm. 
Năm nay, Văn Ngọc Tú (48kg, do giải nghệ) và Nguyễn Thị Thanh Thủy (52kg nữ, nội dung không trong chương trình thi đấu) không dự SEA games 2017. Judo nữ Việt Nam đặt hy vọng nhiều ở Nguyễn Thị Như Ý (78kg), Nguyễn Thị Hường (63kg). Tại SEA Games 2015, Như Ý đoạt HCV, Nguyễn Thị Hường có HCĐ cá nhân. 
2. Người trong nghề mong mỏi, judo Việt Nam phải mạnh thật sự để làm chủ tình thế trước mỗi kỳ SEA Games chứ không hồi hộp chờ theo hạng cân do quốc gia chủ nhà ấn định tổ chức. Được như vậy, công tác đào tạo judo phải hiệu quả. Giải VĐQG thu hút 23 đơn vị, địa phương có công tác đào ổn định cử VĐV thi đấu. Mục tiêu nhân rộng thêm địa phương đưa võ judo vào đào tạo được Liên đoàn judo Việt Nam nhiệm kỳ 4 (2017-2021) đặt mục tiêu thực hiện khi ra mắt ban chấp hành mới. Yếu tố con người, vùng miền để phù hợp tập luyện môn thể thao quyết định sự thành bại về đào tạo. Ông An chia sẻ, trong công tác tổ chức giải VĐQG năm nay vấn đề xã hội hóa tìm kinh phí thêm cho hoạt động được đề cao để tốt cả cho VĐV lẫn chuyên môn thi đấu. 
Nhiều năm qua, judo Việt Nam thường trực chỉ thấy Văn Ngọc Tú, Nguyễn Thị Như Ý và nhân tố trẻ chưa thay thế được. Trong chương trình tặng thảm tập và võ phục cho đội judo Khánh Hòa tại thành phố Nha Trang hồi tháng 5, đại diện phía Nhật Bản đã chia sẻ rất thẳng thắn rằng bước đầu luôn cần nuôi dưỡng tình yêu võ thuật cho người trẻ. Khi đã yêu thích, họ chủ động tìm hiều rèn luyện. Phong trào tập judo sẽ tăng dần. Tại Việt Nam, võ judo phát triển mạnh nhất ở TPHCM. Một số địa phương như Bà Rịa-Vũng Tầu, Hà Nội và các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có các CLB judo đông người tập. Sự phát triển chung cần mạnh thì nguồn lực từ cơ sở, sân chơi phong trào phải đông đảo. Điều này phụ thuộc chiến lược đi đúng hướng của nhà quản lý Liên đoàn.
Giải judo VĐQG 2017 thi đấu từ ngày 19 tới 27-6 tại NTĐ tỉnh Bình Dương. Sau giải, các thành viên ĐTQG sẽ trở lại tập luyện ở Trung tâm HLTTQG Hà Nội. Lực lượng của đội tuyển sẽ đi Hàn Quốc tập huấn 1 tháng (ngày 15-8 kết thúc) sau đó tới Malaysia thi đấu SEA Games.

Tin cùng chuyên mục