Châu Âu lại phải ngả mũ chào Premier League

Đây là mùa giải thứ 3 liên tiếp có đến 3 đại diện của bóng đá Anh vào bán kết Champions League. Đáng nói hơn, đây sẽ là mùa thứ 5 liên tiếp có ít nhất một đội Anh vào chung kết. Đó chính là cơ hội cho bóng đá Anh lần thứ 3 đăng quang trong 5 năm nay - bất kể các hãng cá cược ở Anh đang xếp Barca là ứng viên vô địch hàng đầu.
Châu Âu lại phải ngả mũ chào Premier League

Đây là mùa giải thứ 3 liên tiếp có đến 3 đại diện của bóng đá Anh vào bán kết Champions League. Đáng nói hơn, đây sẽ là mùa thứ 5 liên tiếp có ít nhất một đội Anh vào chung kết. Đó chính là cơ hội cho bóng đá Anh lần thứ 3 đăng quang trong 5 năm nay - bất kể các hãng cá cược ở Anh đang xếp Barca là ứng viên vô địch hàng đầu.

Lịch sử bảo rằng mỗi chu kỳ như vậy thường chỉ xảy ra một lần trong khoảng 10 năm, và mỗi lần như thế thường phản ánh sự thống trị của một làng bóng. Trước đây, bóng đá Tây Ban Nha đã thống trị thời kỳ đầu của Cúp C1, với 7 lần liên tiếp vào chung kết từ năm 1956 đến 1962.

Kế đó, bóng đá Hà Lan lập thành tích tương tự ở những năm 1969-73. Rồi là bóng đá Anh (1977-1982), Italia (1992-1998) và bây giờ lại là bóng đá Anh. Như vậy, xuyên suốt chiều dài lịch sử, có thể coi như đây là thời kỳ thống trị thứ 2 của bóng đá Anh trên đấu trường châu lục.

Quan niệm lâu nay vẫn là các đội Premier League trở nên hùng mạnh, có tiềm lực to lớn là vì họ quá giàu có. Nhưng theo cây bút Eduardo Suarez của báo El Mundo (Tây Ban Nha) thì tiền không hẳn là tất cả.

Suarez viết: “Nét văn hóa, tư tưởng và đầu óc chiến lược của các CLB cũng rất quan trọng. Bóng đá Tây Ban Nha không nhẫn nại bằng bóng đá Anh, ăn xổi hơn bóng đá Anh về mặt kết quả. Những HLV như Sir Alex Ferguson, Rafael Benitez và Arsene Wenger nếu sang Tây Ban Nha thì có lẽ chẳng tồn tại được lâu dưới áp lực phải thắng thật mau chóng”.

Arsenal giành quyền vào bán kết Champions League sau khi thắng Villarreal 3-0.

Arsenal giành quyền vào bán kết Champions League sau khi thắng Villarreal 3-0.

Cuộc tranh luận về tiền cũng đã nổ ra ở Pháp. Trên nhật báo thể thao L’Equipe, cây bút Angel Marcos (từng là một tiền đạo của Nantes) vạch ra rằng Villarreal (Tây Ban Nha) hay Porto (Bồ Đào Nha) chỉ hoạt động với ngân sách thường niên vào khoảng 65 triệu bảng Anh, tức là không thể hơn được ngân sách của các đội Pháp như Lyon (128 triệu) hay Marseille (75 triệu). Nếu tất cả chỉ nhờ tiền thì tại sao cả Villarreal lẫn Porto đều đạt được thành công đáng kể khi vào đến tứ kết Champions League, trong khi nhiều đội Pháp đã bị loại sớm?!

Trên truyền hình Sky Italia, chuyên gia bình luận Gianluca Vialli (chắc chắn chúng ta đều biết Vialli là ai rồi!) cũng có cái nhìn tương tự: Arsenal không thể so được với Man.United và Chelsea về nguồn tài chính vững mạnh. Nhưng cũng như Man.United và Chelsea, Arsenal đã vào đến bán kết Champions League mùa này. Cho nên, Vialli đúc kết: “Chúng ta không thể nói mọi thứ đều nhờ tiền. Arsenal là một CLB được điều hành rất tốt. Họ đi theo con đường bóng đá trẻ và cách làm ấy đang đơm hoa kết trái. Có lẽ các CLB ở nước Ý chúng ta nên xem xét, noi theo. Cầu thủ trẻ thường mang lại lòng nhiệt tình và cường độ vận động cao!”.

Cái nhìn sâu sát nhất - và có lẽ chua chát nhất - là của Alberto Costa, trên báo Corriere della Sera ở Milan: “Bóng đá Ý chẳng còn một đội nào ở Champions League, điều đó thật đáng buồn. Nhưng có lẽ chúng ta cũng học được một cái gì đó khi ngồi nhà xem truyền hình. Không chỉ là các CLB Anh đã chơi hay hơn chúng ta, họ còn chạy nhiều hơn, cố gắng tận lực hơn. Do chúng ta chỉ muốn tin rằng chẳng có bóng đá nào tập luyện tốt hơn bóng đá Ý, chúng ta càng phải hỏi chính mình: Tại sao Rooney có thể lên xuống, truy đuổi cả các hậu vệ cánh của đội bạn trong khi Ibrahimovic chỉ đứng ì một chỗ, chống nạnh? Như vậy, vấn đề có thể là thái độ thi đấu!”.

Cuối cùng, trên cả châu Âu, chỉ có đề tài thực sự xứng đáng được mang ra tranh luận về thành công của bóng đá Anh hiện nay. Nhưng đó chỉ là 2 đề tài... nhỏ.

Thứ nhất là một đề tài đã quá quen thuộc: Sự ít ỏi của các cầu thủ người Anh. Nhật báo thể thao Gazzetta dello Sport lưu ý: Khi HLV đội tuyển Anh Fabio Capello xem trận hòa 4-4 giữa Chelsea và Liverpool vào đêm thứ Ba ở Stamford Bridge thì trong 22 cầu thủ trên sân, ông ta chỉ thấy được có 3 cầu thủ đủ tư cách vào đội tuyển. Trong số đó, đã hết một cầu thủ đã từ lâu tuyên bố giã từ - hậu vệ Jamie Carragher của Liverpool.

Đề tài thứ nhì là sự kém cỏi của các thủ môn. Trước hết là thủ môn của Chelsea. “Như Pepe Reina, chắc chắn Petr Cech chẳng vui vẻ gì với kết quả 4-4 này”, báo Sport viết như vậy về những sai sót sơ đẳng của Cech trong trận lượt về tứ kết vừa rồi ở Stamford Bridge.

Về vị trí thủ môn của 2 đội Anh còn lại, dư luận chung cũng chẳng mấy trọng vọng. Hoặc là anh ta đã quá già (Van der Sar của Man.United năm nay 39 tuổi), hoặc chấn thương (Almunia của Arsenal).

Nhưng nói đi phải nói lại. Thử hỏi thủ thành Victor Valdes của Barcelona có hơn gì thủ môn của Man.United, Arsenal hay Chelsea? Trong thời buổi dễ được khoác áo đội tuyển hơn trước rất nhiều, nhờ sự thay người tứ tung trong vô vàn các trận giao hữu quốc tế, Valdes vẫn chưa một lần nào được khoác chiếc áo thi đấu cho Tây Ban Nha. Sắp tới, Valdes sẽ phải đương đầu với những đối thủ Premier League giỏi không chiến...

Hưng Nguyên (tổng hợp)

HLV Ferguson và Wenger có thể đối đầu tới 4 lần trong hơn một tháng tới.
HLV Ferguson và Wenger có thể đối đầu tới 4 lần trong hơn một tháng tới.

Tin cùng chuyên mục