Chất xám Việt trong chuỗi sản phẩm toàn cầu

Với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp theo hướng phát triển nhanh các ngành có hàm lượng chất xám, hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, Việt Nam đang chú trọng thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phục vụ cho công nghệ cao.

Với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp theo hướng phát triển nhanh các ngành có hàm lượng chất xám, hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, Việt Nam đang chú trọng thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phục vụ cho công nghệ cao.

Hiện có rất nhiều "ông lớn" trong lĩnh vực công nghệ, điện tử đã tìm đến Việt Nam để đặt nhà máy sản xuất, lắp ráp phần cứng với quy mô lớn như Intel với nhà máy đóng gói chip tại TPHCM; Jabil (nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ điện tử đứng thứ 3 thế giới) tăng thêm 500 triệu USD cho khoản đầu tư của tập đoàn tại TPHCM; Kingtec Group (nhà sản xuất thiết bị chiếu sáng, nội thất, máy phát điện và thiết bị điện tử của Đài Loan) đã chọn KCN Mỹ Phước 3 ở tỉnh Bình Dương làm nơi xây dựng nhà máy sản xuất các mặt hàng điện tử xuất khẩu đi châu Âu và châu Mỹ. Đặc biệt là Samsung với 3 cụm nhà máy lớn tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và Khu Công nghệ Cao TPHCM.

Nhu cầu tuyển dụng nhân sự trung và cao cấp cho các doanh nghiệp sản xuất vốn FDI tăng mạnh, ước tính gần 30% so với vài năm trước đây. Những vị trí cần "chất xám" được tuyển dụng nhiều gồm có giám đốc nhà máy, giám đốc sản xuất, giám đốc bảo trì, kỹ sư cao cấp... Nhiều doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cho biết, khó khăn và thách thức lớn nhất đối với họ trong vấn đề hoạt động vẫn là rất khó tuyển được nguồn "chất xám" chất lượng từ những nhân sự có chuyên môn cao. Số lượng nhân lực trung và cao cấp được đào tạo trong nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp hiện nay.

Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư để sử dụng nguồn nhân lực trong nước, với việc đầu tư xây dựng các cơ sở nghiên cứu và phát triển (R&D) bên cạnh các cơ sở sản xuất tại Việt Nam, như Hewlett-Packard (HP) của Mỹ đã khai trương một trung tâm R&D vào tháng 3-2011 ở Công viên Phần mềm Quang Trung; Robert Bosch GmbH, một hãng chuyên sản xuất linh kiện ô tô lớn của Đức, đã thành lập các cơ sở phát triển phần mềm cho linh kiện ô tô cùng với các sản phẩm khác ở TPHCM; Samsung Việt Nam với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển điện thoại di động (SVMC) đặt tại Hà Nội, là trung tâm R&D lớn nhất của hãng ở Đông Nam Á.

Động thái này của các doanh nghiệp nước ngoài đã thu được những kết quả ấn tượng: thật bất ngờ khi biết rằng hiện 10% thị phần “phần mềm” của Samsung toàn cầu đang do các kỹ sư của Việt Nam đảm nhiệm. Trình độ của trung tâm R&D của Samsung Việt Nam không thua kém bất cứ trung tâm R&D phần mềm nào của Samsung trên thế giới với khoảng 1.600 kỹ sư, cán bộ và dự kiến sẽ tăng lên 2.600 người sau 3 năm nữa. Đây là nơi tuyển dụng các tài năng hàng đầu Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng chất xám, nguồn nhân lực công nghệ cao trong nước.

Đặc biệt, với sự tiến bộ không ngừng của các kỹ sư Việt, SVMC không chỉ phụ trách hết cả thị trường Đông Nam Á, Úc và New Zealand mà còn tham gia vào nhiều dự án mang tính toàn cầu của Samsung. Một trong số đó chính là các phần mềm ứng dụng dành cho bút điện tử S Pen của các dòng điện thoại Galaxy Note. Nếu xem việc sản xuất những chiếc điện thoại Samsung tại 2 nhà máy Thái Nguyên và Bắc Ninh là tạo “phần xác”, thì hoạt động của SVMC tạo “phần hồn” cho chiếc máy.

Ngoài ra, Khu phức hợp Điện tử gia dụng (SEHC) với tổng mức đầu tư gần 1,4 tỷ USD của Samsung tại Khu Công nghệ Cao TPHCM không chỉ sản xuất mà còn tập trung R&D sản phẩm, thiết bị điện tử gia dụng khác như Smart TV, TV LCD/LED… Thay vì là cứ điểm chuyên sản xuất các thiết bị di động, Việt Nam có thể sẽ trở thành địa điểm sản xuất các sản phẩm TV và điện tử gia dụng chủ lực khác của Samsung trong thời gian tới.

Tổng cộng các nhà máy Samsung tại Việt Nam hiện cung cấp 30% tổng sản lượng điện thoại Samsung bán ra trên toàn cầu. Với việc tăng tỷ trọng sản xuất 30 - 40% trong thời gian tới, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về sản lượng smartphone cung cấp cho thị trường quốc tế do Samsung sản xuất. Sau điện thoại di động, TV và các mặt hàng điện tử gia dụng khác cũng sẽ được Samsung tập trung đầu tư sản xuất tại Việt Nam.

Theo thống kê, doanh thu xuất khẩu của Samsung Việt Nam trong năm 2010 là 1,5 tỷ USD, tới cuối năm 2014 tăng lên 26,3 tỷ USD và đến hết 2015 đã cán mốc 30 tỷ USD. Với giá trị xuất khẩu này, Samsung Việt Nam hiện đóng góp tới 17,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đại diện Samsung cũng cho biết tập đoàn đang tìm hiểu để mở rộng sang nhiều lĩnh vực đầu tư khác tại Việt Nam.

Có thể thấy, bằng những tác động và cải thiện rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, Samsung luôn xem Việt Nam là thị trường trọng điểm trong bản đồ kinh doanh của khu vực, đồng thời đánh giá rất cao nguồn "chất xám" của nhân lực Việt Nam. Đây cũng là điểm sáng để các doanh nghiệp công nghệ FDI khác noi theo và mạnh dạn tin tưởng hơn nữa vào nguồn lực Việt, vốn không thua kém bất cứ quốc gia nào trên thế giới.

QUÂN BÌNH

Tin cùng chuyên mục