Chặng đường mới của V-League

Từ khi ra đời đến nay, ngoại trừ giai đoạn giữa với không ít bất ổn gây mất niềm tin nơi người hâm mộ thì đây là mùa bóng mà V-League được chờ đợi nhất bởi nhiều yếu tố hội tụ cùng một lúc. Tuần tới, V-League mùa 2018 sẽ chính thức khai màn với nhiều háo hức đánh dấu giai đoạn mới của chặng đường phát triển.
Cuộc so tài giữa SLNA và Quảng Nam trong trận tranh Siêu cúp 2017 vừa qua. Ảnh: MINH HOÀNG
Cuộc so tài giữa SLNA và Quảng Nam trong trận tranh Siêu cúp 2017 vừa qua. Ảnh: MINH HOÀNG
Đây là mùa bóng đầu tiên của ê kíp lãnh đạo VPF mới với những nhân vật được nhìn nhận có thể tạo nên những sự thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Những gì mà VPF nhiệm kỳ trước đã làm là khá nhiều và thành công như là nền tảng khá ổn cho sự phát triển mới.
Tuy nhiên, trên cái nền vẫn còn không ít vệt tối đó, nếu không có hướng ra đúng cùng sự tập trung, quyết tâm cao thì cũng khó tạo ra sự đột phá. Điều quan trọng hơn cả là làm sao để V-League trở lại là một giải bóng đá chuyên nghiệp mạnh, đúng như sự đánh giá là một trong những giải bóng đá chuyên nghiệp hàng đầu Đông Nam Á.
Tất nhiên, các tiêu chí để V-League mạnh sẽ được thống kê một cách đầy đủ hơn, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là khán giả sẽ đến với sân như thế nào. Một khi các khán đài vẫn còn khá trống hoặc trận vắng trận nhiều thì có nghĩa là giải đấu vẫn chưa thực sự thu hút người xem quay trở lại.
Nhiều người so sánh khán đài đầy ắp khán giả của thời bao cấp với hiện nay thì có vẻ khập khiễng, bởi đặc tính giải đấu là hoàn toàn khác nhau. Nhưng trong điều kiện hiện nay, VPF cũng như các đội bóng có đủ điều kiện để đưa khán giả đến sân nhiều hơn thông qua chất lượng. Các yếu tố khác là hỗ trợ nhưng quan trọng nhất vẫn là chất lượng các đội bóng sẽ quyết định chất lượng trận đấu, từ đó quyết định chất lượng giải đấu.
Theo thông tin từ các câu lạc bộ, hầu hết các đội đều đã có và thực hiện kế hoạch nâng chất bằng cách chiêu mộ thêm nhiều cầu thủ chất lượng, cơ cấu lại ban huấn luyện, đồng thời tìm kiếm thêm nguồn kinh phí cho hoạt động.
Về phía tổ chức, VPF cũng tạo ra nhiều thay đổi, trong đó nhấn mạnh đến nhu cầu phục vụ người hâm mộ bằng nhiều cách thức khác nhau. Lần đầu tiên, V-League sẽ có những trận cầu đinh thi đấu vào giờ vàng. Đây là cách mà các giải bóng đá châu Âu đang làm và làm rất hiệu quả. Đó là khung giờ mà các đài truyền hình tiếp cận được lượng người xem nhiều nhất. Từ đó, nguồn thu cũng sẽ tăng theo.
Tất nhiên, khi mà bản quyền truyền hình bóng đá Việt Nam vẫn chưa thực sự đúng giá thì việc bố trí lịch thi đấu theo giờ vàng là hướng đi vừa thăm dò vừa từng bước tạo sự gần gũi hơn với người hâm mộ.
Một điều chắc chắn rằng, với khung giờ này, nguồn thu quảng cáo trên sóng truyền hình sẽ tăng mạnh, là điều mà trước nay giải bóng đá chuyên nghiệp trong nước vẫn chưa khai thác được nên bị cho là thiếu chuyên nghiệp.
Với sự đồng hành của Nutifood, một thương hiệu mạnh trong lĩnh vực thực phẩm trong nước vốn đã gắn bó với thể thao nhiều năm qua, V-League 2018 như được bảo đảm một sự ổn định khá vững về mặt tài chính.
Chuyện còn lại là bản thân các câu lạc bộ, ban tổ chức sẽ thể hiện như thế nào để khai thác tốt sự hỗ trợ đó. Hiệu ứng quá lớn từ sự thành công của tuyển U.23 là một yếu tố giúp V-League thay đổi. Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là bản thân V-League phải tự lớn lên, vì người hâm mộ đang kỳ vọng nhiều vào điều đó.

Tin cùng chuyên mục